Động lực nào cho kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022?

Vượt qua những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2021, nền kinh tế nước ta có nhiều "điểm sáng" đáng khích lệ. Vậy nhìn về năm mới 2022 khi mà dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, đâu là động lực cho kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đất nước?

Đánh giá về động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, xét từ phía cung, ngành Nông, lâm, Thủy sản vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực, khoảng 2,5-3%. Công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ trở về trạng thái trước dịch, tăng trưởng 12-14%.

Trong khi đó, một số ngành bán buôn bán lẻ, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, viễn thông, bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp, du lịch trong nước cũng sẽ phục hồi tích cực, còn du lịch quốc tế sẽ phục hồi từ quý III/2022.

Về phía cầu, "cỗ xe tam mã" dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay. Xuất khẩu sẽ tăng 15-17%. Đầu tư bao gồm trực tiếp nước ngoài, đầu tư công và đầu tư tư nhân sẽ phục hồi mạnh. Tiêu dùng cũng sẽ phục hồi về trạng thái gần trước dịch, tăng từ 8-9% cả năm.

Với những động lực này, TS. Cấn Văn Lực dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ phục hồi tương đối mạnh mẽ, với mức tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5-7%, nếu chúng ta thực hiện tốt chương trình phòng chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, động lực mới cho tăng trưởng là việc bắt nhịp vào thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, gắn với những hành động quyết liệt hơn nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có RCEP. Ở một phương diện khác, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó khai thác sớm những cơ hội từ kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cũng là một động lực quan trọng.

Theo TS. Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, việc Chính phủ đầu tư nhiều vào các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia, gồm mạng lưới đường cao tốc năm 2022-2023 cũng sẽ giúp doanh nghiệp vật liệu xây dựng, sắt thép và xây dựng tăng trưởng cao. Đặc biệt, khi mở cửa lại ngành du lịch với việc nối lại đường bay quốc tế sẽ giúp ngành Du lịch phục hồi nhanh, đóng góp vào tăng trưởng.

Ở một góc nhìn khác, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, sự đồng hành của Quốc hội và công tác điều hành thích ứng, nhanh nhạy hơn trong phòng chống dịch của Chính phủ đóng vai trò quyết định, tạo lập nền tảng quan trọng để tính tới phục hồi và phát triển kinh tế.

Lượt xem: 284
Tác giả: TP.
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật