Đòn bẩy giảm nghèo từ liên kết làm kinh tế

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2022, Tiền Giang đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống mức 1,07% vào cuối năm 2023. Một trong những giải pháp hàng đầu là hỗ trợ hộ nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế, trong đó có phát triển mô hình HTX, tổ hợp tác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất, phù hợp với nhu cầu trình độ canh tác và thế mạnh của địa phương. Đó sẽ là đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Chính vì vậy, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã không ngừng xuất hiện và phát triển những mô hình kinh tế giúp người dân giảm nghèo hiệu quả, nhiều hộ vươn lên khá giả.

Tạo sinh kế bền vững

Điển hình như mô hình trồng sầu riêng theo chuỗi giá trị, phục vụ xuất khẩu chính ngạch của HTX Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) trên diện tích 780ha. Để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX đã cùng người dân sản xuất sầu riêng theo chuẩn VietGAP, tham gia chương trình OCOP và đạt 4 sao cấp tỉnh, đầu tư nhà xưởng, đăng ký mã số vùng trồng…

Nhằm bảo đảm chất lượng và thuận lợi trong xuất khẩu, HTX đã thành lập 4 tổ giám sát mã số vùng trồng, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng.

Dự kiến đến cuối năm 2023, khi địa phương bắt đầu thu hoạch rộ vụ nghịch trong năm, những lô hàng sầu riêng đầu tiên của HTX thông qua các doanh nghiệp đầu mối sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là kỳ vọng chung của địa phương, HTX và bà con.

Ông Phạm Văn Nuôi, Giám đốc HTX Cẩm Sơn chia sẻ, vì sản xuất trên quy mô lớn lại liên kết được với doanh nghiệp bao tiêu nên giá vốn sản xuất sầu riêng được hạ xuống, do vậy người trồng sầu bán kiểu gì cũng có lãi. Trong khi sầu riêng là loại trái cây mà Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất trong nhiều năm vừa qua. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc, người dân đều được nhận "tiền tươi" lại không lo đầu ra.

Nhờ chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhiều thành viên của HTX đã thoát nghèo, thậm chí nhiều người còn có cơ hội vươn lên làm giàu từ cây sầu riêng nếu xuất khẩu chính ngạch thành công vào cuối năm. HTX Cẩm Sơn đang trở thành một điển hình hỗ trợ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở địa phương, giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí giảm nghèo bền vững.

Trên địa bàn TP Mỹ Tho, HTX thương mại dịch vụ 1 chuyên cung cấp lúa giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho người dân. Nhờ mối liên kết với doanh nghiệp, HTX đang thu mua lúa của thành viên với giá cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. HTX cũng hỗ trợ thành viên áp dụng khoa học kỹ thuật nên chi phí sản xuất giảm, năng suất tăng, đầu ra ổn định.

HTX còn đầu tư và mở rộng hình thức phân phối các sản phẩm của các tập đoàn, doanh nghiệp và mở rộng mạng lưới bán sỉ và lẻ, nhằm cung cấp hàng hóa ổn định ra thị trường và tạo thêm nhiều việc làm cho thành viên, người lao động.

Đến nay, HTX đã có 6 cửa hàng nhỏ, 2 cửa hàng bách hóa, thu hút khoảng 450 thành viên, người lao động, với thu nhập trung bình khoảng gần 10 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 5 triệu đồng/tháng so với trước đây chỉ hoạt động đơn thuẩn theo mô hình HTX kiểu cũ.

HTX thương mại và dịch vụ 1 cũng đang là mô hình tạo sinh kế, giúp người dân, thành viên tăng thu nhập nhờ linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh và thích ứng với thị trường.

Theo thống kê, tỉnh Tiền Giang hiện có 94 HTX, và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động ở đa dạng lĩnh vực như: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải xây dựng. Các HTX hoạt động hiệu quả không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của thành viên và người lao động mà còn góp phần không nhỏ vào việc giúp tỉnh Tiền Giang giảm nghèo.

Tích cực giảm nghèo

Chỉ riêng năm 2022 đã có 1.000 hộ được công nhận thoát nghèo, trong đó có không ít hộ là thành viên, hộ liên kết của các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác. Điều này giúp Tiền Giang giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,27% trên tổng số hộ toàn tỉnh.

Một điểm đáng lưu ý, Tiền Giang vốn là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có nhiều vùng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tạo việc làm, thu nhập của người dân. Đây cũng là lực cản trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Như tại huyện Tân Phú Đông trước đây chủ yếu trồng lúa 1 vụ độc canh, năng suất thấp, cuộc sống người dân bấp bênh. Những năm thiên tai, hạn mặn xảy ra, người dân coi như không có nguồn thu, phải tha hương kiếm sống.

-2975-1687755215.jpg

Nhiều nông dân ở Tiền Giang đã đổi đời nhờ liên kết trồng sầu riêng để phục vụ xuất khẩu chính ngạch.

Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo chương trình giảm nghèo của Nhà nước, đến nay huyện đã phá thế độc canh cây lúa, người dân phát triển đa dạng các loại cây, con như cây ăn quả, trồng sả, nuôi trồng thủy sản, trồng màu…

Như mô hình Tổ hợp tác trồng rau màu xã Tân Phú đã phát triển trồng dưa hấu, cà chua, gừng, ớt, đậu, các loại rau, sả... từ đó giúp người dân nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Chỉ tính riêng cây sả hiện có giá bán 5.500 đồng/kg cũng giúp người trồng sả thu lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa 4-5 lần.

Nhờ vậy mà đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đã đạt gần 58 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,34%. Huyện cũng đang hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2% vào cuối năm 2023, để đến năm 2025 không còn hộ nghèo, trừ những trường hợp hưởng bảo trợ xã hội.

Nhân rộng mô hình giảm nghèo

Trước những kết quả đã đạt được, Tiền Giang đang hướng đến mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống mức 1,07% vào cuối năm 2023 và hướng đến việc tránh tái nghèo vào những năm sau. Để làm được điều này, tỉnh đang khuyến khích người dân thành lập hoặc tham gia các mô hình HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX và tăng cường hỗ trợ các mô hình này liên kết với doanh nghiệp để phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập bền vững.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng quan tâm tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng cũng như các HTX có nhu cầu.

Ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang, cho biết vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BLĐTBXH ngày 12/4/2023 sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022 hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Trong đó có hướng dẫn, hỗ trợ người dân đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…

Chính vì vậy, tỉnh rất coi trọng và luôn phát huy vai trò các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh trong việc liên kết phát triển sản xuất theo mô hình chuỗi giá trị, mở mang ngành nghề nông thôn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, sản phẩm chủ lực. Qua đó, thiết thực giúp lao động nghèo có thu nhập ổn định, tạo tiền đề vượt khó, thoát nghèo và vươn lên tạo dựng cơ nghiệp.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về chung tay giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi các gương điển hình, mô hình kinh tế điển hình, những sáng kiến hay về giảm nghèo hiệu quả tại địa phương. Qua đó, nhân rộng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo trong người dân và cộng đồng; thiết thực góp phần huy động tốt các nguồn lực xã hội thực hiện đạt kết quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Minh Nhương

Lượt xem: 8
Tác giả: Tạo sinh kế bền vững
Tin liên quan