Đổi mới tư duy, sản xuất hiện đại để làm giàu

Sự ra đời của hàng loạt HTX hoạt động hiệu quả, cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang giúp nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum thoát nghèo, làm giàu, phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả cao trên địa bàn huyện Kon Plông những năm qua. Năm 2018, HTX bắt đẩu hiện đại hóa sản xuất, ghi nhật ký đồng ruộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Quả ngọt” nhờ sản xuất khoa học

Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang xây dựng thành công hơn 10.000m2 nhà màng với trên 30 loại rau, mỗi loại rau có thời gian sinh trưởng khác nhau, từ đó đáp ứng nhu cầu thị trường, giải hết bài toán được mùa mất giá.

Đáng chú ý, dù sản xuất trên quy mô lớn, nhưng HTX chỉ cần khoảng 10 lao động để vận hành. Trong số hơn 200 đầu công việc, mỗi người một việc rõ ràng, không lộn xộn, dẫm chân nhau và đều hoàn thành một cách dễ dàng. Tất cả là nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

-3115-1691055002.jpg

Quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Kon Tum đang có dấu ấn đậm nét của các HTX.

Bà Trần Ngọc Diệp, Giám đốc HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen cho biết nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, HTX tạo ra những sản phẩm có chất lượng vượt trội hơn, từ đó giá bán ra thị trường cũng cao hơn 20% so với các sản phẩm thông thường khác. Các sản phẩm rau của HTX luôn có đầy đủ và minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc gieo trồng, tạo sự an tâm cho người dùng và các hệ thống siêu thị lớn ở TP HCM.

“Chỉ trong 3 năm qua, sản lượng của HTX đã tăng 4 lần, doanh thu gấp 10 lần so với giai đoạn trước đó. Đời sống kinh tế của thành viên, người lao động HTX được nâng lên đáng kể, với thu nhập bình quân 70-25 triệu đồng/năm”, đại diện HTX hồ hởi chia sẻ.

HTX Rau hoa và Du lịch Măng Đen chỉ là một trong số nhiều điểm sáng được hình thành trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho nông dân thời gian qua.

Nhờ biết tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà huyện Kon Plông đã phát triển thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế được thay đổi từ hình thức đến quy mô, giúp tỷ lệ hộ nghèo tại huyện Kon Plông giảm còn 14,98% năm 2022 và có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 10 tiêu chí.

Nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị

Cũng giống như ở Kon Plông, diện mạo nông nghiệp huyện Đắk Hà những năm qua cũng có những khởi sắc đáng kể, từ đó tạo đà cho nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững. Ở đó, các HTX có vai trò quan trọng.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Kô đang là một trong số những HTX trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, quản lý, từ đó gia tăng giá trị, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm, tạo thu nhập cao cho thành viên, nông dân liên kết.

Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch HĐQT HTX Công bằng Pô Kô cho biết, hiện HTX có hơn 100 thành viên với diện tích cà phê trên 175ha. Với quy trình sản xuất khoa học, chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX được xuất khẩu sang các nước như Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Đức, Bỉ…

Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang trở thành đòn bẩy phát triển sản xuất, “bệ đỡ” làm giàu cho hàng trăm thành viên và người lao động. Đến nay, 100% thành viên HTX đã thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập 100-250 triệu đồng/năm, số lượng gia đình khá giả ngày càng tăng.

-9126-1691055002.jpg

Kon Tum dự kiến tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các cây trồng thế mạnh theo hướng bền vững.

Tương tự, những năm qua, cánh đồng cà phê xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà có diện tích rộng hàng trăm ha đang cho giá trị cao. Cà phê nơi đây đã xây dựng được thương hiệu, được nhiều người ưa chuộng.

Thành công ở vựa cà phê Đăk Mar là minh chứng sống động cho những thay đổi mang tính “cách mạng” trong phát triển nông nghiệp huyện Đăk Hà thời gian qua. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt trên 6.451 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 49,62 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 7,96%.

Đến nay, huyện Đăk Hà phát triển thành công gần 13.000 ha cà phê, hơn 7.700 ha cao su, 86,8 ha tiêu, xấp xỉ 2.000 ha cây ăn quả và hơn 363 ha dược liệu. Huyện cũng đã hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với quy mô 1.939 ha.

Chính những điểm tựa vững chắc trong sản xuất nông nghiệp đang tạo đà cho nông thôn mới trên địa bàn huyện Đăk Hà bứt phá. Toàn huyện hiện có 21 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP (trong đó có 7 sản phẩm 4 sao, 14 sản phẩm 3 sao).

Nhân rộng những "điểm sáng"

Tỉnh Kon Tum có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên để phát triển nông nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên gần 1 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là hơn 900 nghìn ha.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 300 nghìn ha, chiếm 30,88% tổng diện tích tự nhiên và chiếm 33,11% tổng diện tích đất nông nghiệp, với các loại cây nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: Lúa, ngô, sắn, rau đậu các loại, mía, cà phê, cao su, cây ăn quả các loại, mắc ca và cây dược liệu.

Có thể thấy, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum thời gian qua đang tạo ra những kết quả tích cực. Năm 2022, thống kê sơ bộ đã chuyển đổi 175,46ha đất trồng lúa sang trồng cây khác (cây hằng năm là 168,43ha; cây lâu năm là 3,37ha; trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 3,66ha).

Diện tích các loại cây trồng sản xuất có ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt hơn 16 nghìn ha. Các sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao (cà phê, các loại rau, cây ăn quả ...) đạt năng suất và chất lượng cao, dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, tỉnh dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng những loại cây cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Trong đó, chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa thiếu nước, kém hiệu quả; đất trồng sắn bạc màu, năng suất thấp, diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá; diện tích cao su và cà phê hết chu kỳ kinh doanh… sang trồng các loại cây trồng có giá trị như cây hàng năm, cây ăn quả, mắc ca…

Những chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh đều hướng tới việc gia tăng thu nhập cho người dân, từ đó hiện thực các mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh xuống còn 4,04% trong năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Đăk Glei xuống còn 5,0%, huyện Ngọc Hồi còn 1,0%, huyện Đăk Tô còn 3,5%, huyện Đăk Hà còn 3,50%, huyện Sa Thầy còn 6,0%, thành phố Kon Tum còn 0,73%, huyện Kon Rẫy 6,6%, huyện Kon Plông là 10,50%, huyện Tu Mơ Rông 10,50% và huyện Ia H’Drai còn 10,50%.

Mỹ Chí

Lượt xem: 11
Tác giả: Mỹ Chí
Tin liên quan