Điểm tên rủi ro mới với nông sản Việt ở thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đem tới nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam nhưng cũng đi kèm với các rủi ro mới về kiểm soát chất lượng, lo ngại ùn ứ ở cửa khẩu vào mùa cao điểm sắp tới. Đặc biệt, thời gian gần đây, Trung Quốc đã phát triển mở rộng diện tích vải thiều, thanh long, chanh leo… đe dọa tới sức tiêu thụ nông sản Việt Nam tại thị trường này.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, hiệu suất thông quan qua các cửa khẩu của địa phương tăng cao, đạt mức trước dịch, với số lượng trung bình 1.000 - 1.100 container/ngày. Hiện nay, hàng hóa chủ yếu là trái cây tươi được thông quan nhanh chóng, không phải chờ đợi. 

Cảnh báo ùn ứ nông sản tươi vào tháng 6-7 tới

Trong tháng 4/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 3 tỷ USD, luỹ kế từ đầu năm đến nay đạt gần 14 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước; trong đó lượng hàng trái cây tươi tăng đến 300%, là tín hiệu đáng mừng.

-8682-1682675136.jpg

Lo ngại ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn vào thời điểm tháng 6 - 7 khi trái cây tươi vào cao điểm vụ thu hoạch. 

Tuy nhiên, ông Đại thông tin, Lạng Sơn còn 7 cửa khẩu mà phía Trung Quốc chưa cho thông quan, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam chưa ký kết được nghị định thư kiểm dịch thực vật với Trung Quốc, dẫn tới tỷ lệ kiểm soát gần 100% lô hàng, ảnh hưởng tới hiệu suất xuất khẩu sang thị trường này. 

Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn lo ngại, vào tháng 6 -7 tới, cao điểm vụ thu hoạch trái cây tươi, có thể xảy ra hiện tượng ùn ứ, vì vậy rất mong muốn nhận được thông tin từ các cơ quan thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc về nhu cầu, thị trường, chính sách nhập khẩu hàng hóa. 

Đồng thời, ông Đại cũng kiến nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm đàm phán để xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc. "Tỉnh Lạng Sơn ngay gần Trung Quốc có quả na nhưng đến nay rất tiếc vẫn chưa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này", ông Đại bày tỏ. 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng kiến nghị cơ quan chức năng của Việt Nam cần đẩy mạnh việc đàm phán ký Nghị định thư để nhiều loại trái cây của Việt Nam có thể được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Nguyên cho hay, như trái dừa, từ năm 2020 trở đi không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, giá rớt xuống 2.000 – 3.000 đồng/trái, người trồng dừa ở Bến Tre không còn thiết tha với loại cây này. Trong khi đó, Thái Lan vẫn xuất khẩu dừa sang Trung Quốc với giá 40.000 đồng/trái.

Đối với mặt hàng sầu riêng, ông Nguyên lưu ý cần ngăn chặn tình trạng gian lận trong việc sử dụng mã số vùng trồng, điều này sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu của sầu riêng Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cần phát triển các kho bảo quản gần cửa khẩu để đảm bảo chất lượng của trái cây xuất khẩu.

Lo ngại Trung Quốc mở rộng diện tích vải thiều

Theo Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, việc phía Trung Quốc điều chỉnh theo hướng nới lỏng các quy định phòng dịch đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện.

Do vậy, rủi ro về việc ùn ứ hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn hiện hữu khi nông sản, trái cây Việt Nam bước vào cao điểm vụ thu hoạch, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin về tình hình cửa khẩu, chủ động dự báo các tình huống để có thỏa thuận với đối tác nhập khẩu trong việc phân luồng hàng hóa hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do vấn đề ách tắc hàng hóa gây ra.

Về kiến nghị, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cho rằng cần xem xét có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam chủ động xây dựng kênh phân phối tại thị trường Trung Quốc. Đồng thời, chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Phú, Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) đánh giá, về phương thức, xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn rủi ro. Một là còn một bộ phận không nhỏ hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường biên mậu. Hai là thương nhân Trung Quốc hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp thu gom sản phẩm tại vùng sản xuất, quan hệ mua bán không theo các quy tắc thương mại quốc tế nên bên bán bị động, rủi ro, khó quản lý, điều tiết.

Đáng lo ngại, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt các sản phẩm cùng loại mà Việt Nam có ưu thế như thanh long, cà phê, cao su, sầu riêng, chanh leo,… Tỉnh Quảng Đông nói riêng có một số sản phẩm như: vải thiều (1,5 triệu tấn/năm), nhãn (1 triệu tấn/năm), (chuối (4,8 triệu tấn/năm), thanh long (380 ngàn tấn/năm), xoài (trên 200.000 tấn/năm), chanh leo (220.000 tấn/năm). Diện tích và sản lượng các loại trên của Quảng Đông hoặc lớn hơn Việt Nam hoặc đang tăng trưởng mạnh.

Để mở rộng thị phần cho nông sản Việt Nam, bà Triệu Thúy Nga, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nghiên cứu hợp tác với chợ đầu mối lớn ở Trung Quốc như Shuangfu - chuyên kinh doanh nông, thủy sản với lượng giao dịch 6-10 triệu tấn/năm có tổng giá trị 30-50 tỷ Nhân dân tệ (4-7 tỷ USD); San Ke - chợ nằm phía đông Trùng Khánh với lượng giao dịch khoảng 5 triệu tấn/năm có tổng giá trị đạt khoảng 30 tỷ Nhân dân tệ (trên 4 tỷ USD).

Bà Nga cho biết thêm, phía Trung Quốc rất mong muốn được gặp gỡ, làm việc với doanh nghiệp Việt Nam, tìm đầu mối cung ứng trực tiếp tránh được các khâu trung gian, giảm chi phí giá thành. Do đó, doanh nghiệp có nhu cầu có thể đến khảo sát để trao đổi hợp tác. Phía Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tổ chức đoàn sang Việt Nam trong quý II và quý III năm nay để tìm kiếm đối tác, nhà cung ứng trực tiếp.

Thy Lê 

Lượt xem: 8
Tác giả: Thy Lê 
Tin liên quan