Điểm lại chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 5/2022
Tháng 5/2022, nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực tài chính quan trọng bắt đầu có hiệu lực như: Sửa đổi, bổ sung lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; Chế độ quản lý tài chính theo hình thức viện trợ bằng tiền hỗ trợ ngân sách nhà nước; Đối tượng lập dự phòng tổn thất đầu tư chứng khoán...
Sửa đổi, bổ sung lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện
Có hiệu lực từ ngày 1/5, Thông tư số 11/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 265/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện.
Theo đó, lệ phí gia hạn, cấp lại giấy phép bằng 20% mức lệ phí cấp giấy phép. Lệ phí sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép bằng mức lệ phí cấp giấy phép. Trường hợp nội dung giấy phép không phải ấn định lại tần số hoặc phải ấn định lại tần số theo văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành thì mức thu bằng 20% mức lệ phí cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, người nộp lệ phí được miễn lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong các trường hợp: Đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá; thiết bị đầu cuối vệ tinh phục vụ mục đích giám sát hành trình tàu cá.
Tổ chức, cá nhân ngừng sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trước thời hạn quy định tại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện thì chỉ được hoàn trả phần phí sử dụng tần số vô tuyến điện cho thời gian còn lại của giấy phép nếu thời gian còn lại này từ 30 ngày trở lên với giấy phép sử dụng tần số ngừng do đấu giá tần số hoặc thay đổi quy hoạch tần số; hoặc từ 90 ngày trở lên với các trường hợp còn lại.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 11/2022/TT-BTC
Chính sách cho Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số
Cũng có hiệu lực từ ngày 01/5, Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 04/3/2022 quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025.
Thông tư số 15/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực; Chi thông tin, tuyên truyền; phổ biến giáo dục pháp luật; Chi xây dựng cẩm nang, sổ tay hướng dẫn; sổ tay nghiệp vụ và các loại sổ, sách khác phục vụ hoạt động của các dự án…; Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn các dự án thuộc Chương trình; Chi dịch và hiệu đính tài liệu phục vụ hoạt động chuyên môn của từng Dự án; Chi thuê chuyên gia trong nước và tổ chức tư vấn độc lập phục vụ hoạt động chuyên môn của từng dự án…; Chi điều tra, khảo sát, thống kê nội dung chuyên môn của từng dự án…
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của NSNN thực hiện Chương trình.
Theo Thông tư, Ngân sách trung ương bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao của Chương trình; Bổ sung có mục tiêu cho các địa phương để triển khai các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần của Chương trình theo quy định tại Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg .
Đối với ngân sách địa phương, các địa phương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để cùng với kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg .
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 15/2022/TT-BTC
Các khoản chi cho nhiệm vụ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng Toán học
Có hiệu lực từ ngày 15/5, Thông tư số 22/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030.
Theo Thông tư số 22/2022/TT-BTC, các khoản chi cho nhiệm vụ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng Toán học, chú trọng phát triển một số lĩnh vực có nhu cầu cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư như sau: Chi tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về các chủ đề Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp. Trong đó, khoản chi tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế được Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC và các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu NSNN.
Chi tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học trong nước được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN , các quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu NSNN.
Đối với khoản chi thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng Toán để giải quyết các vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số có hàm lượng Toán học cao sẽ thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 22/2022/TT-BTC .
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 22/2022/TT-BTC
Chế độ quản lý tài chính theo hình thức viện trợ bằng tiền hỗ trợ NSNN
Có hiệu lực từ ngày 20/5, Thông tư số 23/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu NSNN.
Theo Thông tư số 23/2022/TT-BTC, việc giải ngân và thanh toán vốn viện trợ bằng tiền hỗ trợ ngân sách được thực hiện căn cứ hiệp định, thỏa thuận viện trợ, Bộ Tài chính phối hợp với bên tài trợ giải ngân vốn viện trợ về NSNN, chuyển ngoại tệ về Quỹ ngoại tệ tập trung của NSNN.
Đối với khoản viện trợ hỗ trợ ngân sách có mục tiêu, sau khi vốn viện trợ được giải ngân về NSNN, căn cứ dự toán thu, chi NSNN được phê duyệt thể thực hiện rút dự toán từ Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Việc hạch toán chi NSNN thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 23/2022/TT-BTC
Đối tượng lập dự phòng tổn thất đầu tư chứng khoán
Có hiệu lực từ ngày 25/5, Thông tư số 24/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
Cụ thể, đối tượng lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán được quy định như sau:
Thứ nhất, đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu của doanh nghiệp đang được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước; đồng thời, được tự do mua bán trên thị trường và giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.
Thứ hai, đối tượng lập dự phòng nêu trên không bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.
Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 24/2022/TT-BTC