Đẩy mạnh công tác khám, chữa bệnh lao

Nhằm phấn đấu đạt mục tiêu chiến lược Quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, Trung tâm y tế (TTYT) huyện Ba Vì luôn chú trọng công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn.

Theo thống kê của TTYT huyện Ba Vì, trong năm 2022, tổng số khám nghi mắc lao là 610 người. Tổng số xét nghiệm phát hiện 460 người, đã phát hiện AFB(+) 6 người; Thu nhận điều trị 123 bệnh nhân.

Trong đó, 61 bệnh nhân lao phổi; Lao ngoài phổi 35 bệnh nhân, lao kháng thuốc 5 bệnh nhân, dự phòng lao tiềm ẩn 14 bệnh nhân, dự phòng lao trẻ em 8 trẻ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân lao.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân lao.

Năm 2023, TTYT huyện Ba Vì triển khai công tác khám phát hiện người bệnh hàng ngày tại phòng khám Lao TTYT và 3 Phòng khám đa khoa khu vực Tản Lĩnh, Minh Quang, Bất Bạt, 31 trạm y tế các xã, thị trấn (đảm bảo 0,5% dân số trên địa bàn huyện được khám nghi lao hàng năm).

TTYT Huyện cũng triển khai sàng lọc đối tượng tiếp xúc trong gia đình với bệnh nhân lao, lao kháng thuốc. Đồng thời, TTYT áp dụng các phác đồ điều trị chuẩn do Bộ Y tế ban hành theo công thức điều trị 6 tháng; 4 tháng điều trị bệnh nhân lao mới, 9 tháng điều trị lao kháng R; Điều trị 3 tháng hoặc 9 tháng với bệnh nhân lao tiềm ẩn; Từng bước áp dụng các công thức điều trị tiên tiến.

Bên cạnh đó, công tác quản lý điều trị lao/HIV, lao kháng thuốc, kiểm soát lây nhiễm và dự phòng bệnh lao, xét nghiệm tìm vi khuẩn lao như tăng cường các hoạt động phối hợp lao/HIV đảm bảo chất lượng, 95% bệnh nhân lao thu nhận được tư vấn xét nghiệm HIV.

TTYT huyện đẩy mạnh việc khám sàng lọc bệnh lao cho người nhiễm HIV, đảm bảo 100% người nhiễm HIV được khám sàng lọc bệnh lao ít nhất một lần/năm và được xét nghiệm GeneXpert sàng lọc lao kháng thuốc theo quy định.

Ngoài ra, TTYT cũng tăng cường phối hợp giữa tổ lao và phòng khám ngoại trú bệnh nhân HIV/AIDS, đảm bảo tỷ lệ khỏi và hoàn thành điều trị của bệnh nhân lao/HIV theo yêu cầu; Tổ chức quản lý bệnh nhân lao kháng đa thuốc tại trạm y tế xã, thị trấn (thực hiện phát thuốc và kiểm soát trực tiếp 6 ngày trong tuần, ngày chủ nhật không dùng thuốc) có sự kiểm soát của tổ lao TTYT huyện.

Huyện Ba Vì đảm bảo cho trên 90% các đối tượng trong diện cần dự phòng bệnh lao (trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc nguồn lây, người nhiễm HIV…) được tiếp cận với dịch vụ dự phòng lao.

Huyện cũng xây dựng, củng cố và phát triển hoạt động phát hiện và điều trị dự phòng bệnh lao cho trẻ em và lao tiềm ẩn dự kiến trong năm 2023 điều trị dự phòng cho 10 trẻ, đặc biệt trong đối tượng trẻ tiếp xúc nguồn lây nhằm giảm tỷ lệ trẻ mắc lao và tỷ lệ trẻ mắc các bệnh lao nặng, áp dụng từng bước việc điều trị dự phòng bằng hóa trị liệu cho người tiếp xúc bệnh nhân lao kháng thuốc.

Công tác xét nghiệm luôn được trang bị đầy đủ trang thiết bị, quy trình đảm bảo xét nghiệm vi khuẩn lao chính xác và an toàn.

TTYT huyện phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì tổ chức khám, tư vấn bệnh nhân HIV, khám phát hiện bệnh nhân lao, tiếp nhận đăng ký điều trị bệnh nhân lao, chuyển về điều trị tại trạm y tế xã, thị trấn khi đã điều trị tại bệnh viện theo hướng dẫn của Bệnh viện Phổi Hà Nội; Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng BCG cho trẻ (sơ sinh dưới 1 tuổi) đạt hiệu quả cao trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Song song với công tác khám và điệu trị bệnh nhân lao, TTYT huyện Ba Vì luôn phối hợp với Bệnh viện Phổi Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn công tác khám, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh nhân lao cho cán bộ tuyến y tế cơ sở tại cộng đồng.

Các đơn vị bám sát song hành với nhân viên y tế xã hoặc y tế thôn bản giám sát điều trị hàng ngày trong giai đoạn tấn công và giám sát hàng tuần việc sử dụng RH trong giai đoạn duy trì để phát triển mô hình giám sát điều trị giai đoạn duy trì dựa vào cộng đồng và cộng tác viên y tế, luôn duy trì mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ phát hiện người nghi lao và hỗ trợ điều trị tại các trạm y tế xã, thị trấn.

Kèm theo đó, huyện Ba Vì luôn đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn với nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề; Căng treo khẩu hiệu biểu ngữ, treo dán áp phích và cấp phát tờ rơi, tờ gấp; Tổ chức phát thanh với các nội dung tuyên truyền về bệnh lao trên hệ thông truyền thanh huyện và 31 xã, thị trấn; Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp cho người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng như người dân trong cộng đồng để nâng cao kiến thức của người dân về bệnh lao nhằm giảm mặc cảm, kỳ thị đối với bệnh lao.

TTYT huyện Ba Vì tếp cận và sử dụng tốt nhất các dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành y tế cung cấp, cũng vì lẽ đó để người bệnh và thân nhân người bệnh hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng chống bệnh lao, chăm sóc tốt cho sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Lượt xem: 8
Tác giả: Phương Thu
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan