Credit Suisse tìm cách vay 54 tỷ USD để tăng thanh khoản
Cổ phiếu ngân hàng Credit Suisse đã xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 15/3, sau khi Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi (SNB), nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng Thụy Sĩ, cho biết không thể cung cấp thêm vốn cho Credit Suisse. Sự việc diễn ra giữa thời điểm ngành tài chính - ngân hàng còn đang hoang mang sau vụ ngân hàng SVB phá sản.
Theo CNBC, cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại trong ngày 15/3, đánh dấu phiên giảm thứ 2 liên tiếp sau khi nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng này tuyên bố sẽ không thể cung cấp thêm vốn cho ngân hàng Thuỵ Sĩ do các hạn chế về mặt quy định.
Trước đó, năm 2022, Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi (SNB) đã mua 9,9% cổ phần của Credit Suisse như một phần trong chương trình huy động vốn trị giá 4,2 tỷ USD của tổ chức cho vay Thụy Sĩ, nhằm thực hiện cuộc đại tu chiến lược lớn nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng này.
Quay lại với những diễn biến sau thông báo từ phía SNB, giá cổ phiếu Credit Suisse lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 2 franc Thuỵ Sĩ (2,17 USD), chạm mức thấp nhất là 1,55 franc Thuỵ Sĩ và thậm chí còn bị tạm dừng giao dịch nhiều lần trong sáng 15/3. Trong phiên, cổ phiếu của ngân hàng này có thời điểm giảm 30% giá trị, và kết thúc phiên với mức giảm 24%.
Sự sụt giảm "kinh hoàng" của Credit Suisse khiến chỉ số ngân hàng châu Âu (.SX7P) giảm 7% chỉ trong ngày 15/3. Trong khoảng thời gian từ 8-15/3, chỉ số ngân hàng của châu Âu đã "bốc hơi" hơn 120 tỷ EUR (127 tỷ USD) giá trị.
Trong số những cổ phiếu giảm giá nhiều nhất vào thứ Tư (15/3) có tổ chức cho vay Societe Generale của Pháp, giảm 12% và BNP Paribas, giảm 9%. Một số ngân hàng Ý cũng tự động bị ngừng giao dịch, bao gồm cả UniCredit, FinecoBank và Monte dei Paschi.
Đặc biệt, biến cố đến với Credit Suisse xảy ra vào thời điểm thị trường đang bị bao trùm bởi sự u ám và nghi ngại sau vụ phá sản ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank vào cuối tuần trước.
Theo Reuters, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên hệ với các ngân hàng trong khu vực để hỏi về mức độ tiếp xúc với Credit Suisse, nhằm dự đoán trước những hệ quả có thể xảy ra nếu ngân hàng Thụy Sĩ sụp đổ. Cũng có những ý kiến cho rằng các vấn đề của Credit Suisse không có nguy cơ gây nên các rủi ro mang tính hệ thống, tuy nhiên việc nhà đầu tư hoang mang và bán tháo cổ phiếu ngân hàng vẫn là hệ quả không thể tránh khỏi.
Đến ngày 16/3, Credit Suisse cho biết ngân hàng đang thực hiện một “hành động quyết đoán” để tăng cường thanh khoản bằng cách vay tới 54 tỷ USD từ ngân hàng trung ương Thụy Sĩ, giảm bớt lo ngại của nhà đầu tư và thị trường sau màn lao dốc cổ phiếu.
Xem thêm >> Credit Suisse báo lỗ 'khủng' 4 tỷ USD trong quý III/2022