Chuyên gia chỉ rõ những điểm chưa hợp lý trong chính sách hỗ trợ thuế, phí

"Giảm thuế VAT tập trung vào hàng hoá thiết yếu, những sản phẩm do Việt Nam sản xuất, cung ứng trong nước. Còn với hàng hoá nhập khẩu sẽ không hiệu quả cho nền kinh tế. Nhìn chung, hiện nay, các chính sách khuyến khích tiêu dùng ở Việt Nam chưa nhiều, chưa hiệu quả", PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói.

Đánh giá về các gói hỗ trợ thuế, phí vừa được Quốc hội thông qua, ông Thế Anh cho rằng, các chính sách hỗ trợ thuế và phí cho doanh nghiệp là một chính sách rất kịp thời, đặc biệt liên quan đến chính sách tài khoá để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm chưa hợp lý làm giảm tác động của chính sách.

Nhìn vào chính sách khuyến khích tiêu dùng trong nước, ông Thế Anh phân tích: ở Việt Nam hiện nay có hai biện pháp nổi bật trong việc kích thích tiêu dùng. Thứ nhất là giảm thuế trước bạ ô tô để kích thích người mua xe. Như mọi người đã biết, cấu thành giá trị của một chiếc ô tô chủ yếu đến từ nước ngoài, chúng ta chỉ làm gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp.

-3570-1689133631.jpg

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Như vậy, khi khuyến khích người dân mua ô tô thì nước sản xuất các linh kiện ô tô được hưởng lợi là chính, doanh nghiệp trong nước cũng có nhưng không nhiều. “Chính sách này, theo tôi, chưa thật hiệu quả vì đối tượng mua xe ô tô là những người có thu nhập cao, không phải là những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ trong nền kinh tế. Do đó, chính sách này chưa hoàn hảo”, ông Thế Anh nói.

Hay như vấn đề nóng hiện nay là giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT). PGS.TS Phạm Thế Anh đánh giá, quy mô gói hỗ trợ này vẫn còn ít và dàn trải, giảm tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế, bao gồm cả nhập khẩu và nội địa.

Ông Thế Anh cho rằng: Muốn khuyến khích tiêu dùng đồng thời cùng với các mục tiêu an sinh xã hội thì nên hướng giảm VAT vào nhóm những mặt hàng thiết yếu, để giúp cho những người có thu nhập thấp chi tiêu và thanh toán được đối với những hàng hoá thiết yếu đó. Còn với những người có thu nhập cao thì không nhất thiết phải hỗ trợ hàng hoá thiết yếu.

Ông Thế Anh lưu ý, hàng hoá thiết yếu phải tập trung vào hàng hoá nội địa, những hàng hoá do Việt Nam sản xuất, cung ứng trong nước. Còn với hàng hoá nhập khẩu sẽ không hiệu quả cho nền kinh tế. Nhìn chung, hiện nay, các chính sách khuyến khích tiêu dùng ở Việt Nam chưa nhiều, chưa hiệu quả.

“Muốn kích thích tiêu dùng, chúng ta cần phải xây dựng hệ thống an sinh xã hội, xác định đối tượng nào thu nhập thấp, đang thất nghiệp do tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới và do khó khăn trong nước để trợ cấp tiền mặt, khi đó mức tăng tiêu dùng sẽ rất nhanh”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Đối với mức giảm trừ gia cảnh trong nộp thuế thu nhập cá nhân, theo chuyên gia này, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay của Việt Nam còn quá thấp và tăng không tương xứng với CPI.

Mặc dù CPI chưa phản ánh hết tình hình giá cả trong nền kinh tế, nhưng hơn 10 năm qua, chi phí sinh hoạt, nhất là những người sống ở thành phố có thể đã tăng gấp hai lần. Trong khi đó, mức thu nhập giảm trừ gia cảnh chỉ tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng, tức là tăng 2 triệu, khoảng hơn 20%, mức tăng này quá thấp.

Theo ông Thế Anh: Với một người sinh sống ở thành phố với mức 11 triệu chắc chắn sẽ không thể trang trải được hết chi phí sinh hoạt. Do đó, cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh lên để hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp đủ trang trải chi phí sinh hoạt.

Mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng như vậy, khoảng hơn 4 triệu. Một gia đình ở thành phố cho con học trường tư sẽ không đủ, trong khi hệ thống trường công lại thiếu.

“Như vậy là những người phải nộp thuế nhưng lại không có cơ hội cho con học trường công thì đây là một sự thiệt thòi, không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông. Do đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với những đối tượng này”, ông Thế Anh nói thêm.

Thanh Hoa

Lượt xem: 6
Tin liên quan