Chuỗi liên kết giúp thành viên HTX an tâm sản xuất, vươn lên làm giàu

Những chuỗi liên kết giữa HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú và các doanh nghiệp đã góp phần giúp hàng nghìn người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Mường, Thái sinh sống trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Có được thành công này là do Giám đốc HTX Nguyễn Thị Bảy chủ động tìm kiếm đối tác, bắt tay với các doanh nghiệp tạo hàng loạt chuỗi liên kết. Chị Bảy đã đứng ra làm cầu nối, từ đó người nông dân và doanh nghiệp có “tiếng nói chung”, an tâm hợp tác mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Thoát nghèo nhờ nghề “tay trái”

Tại tổ mây tre đan thuộc xã Thanh Hối, gần 20 chị em phụ nữ, người cao tuổi đang mải miết đan những chiếc giỏ, lồng đèn bằng cỏ tranh để kịp chuyến hàng xuất đi Nhật.

-1307-1696841976.png

Khách nước ngoài rất ưa chuộng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX.

Chị Bùi Thị Thanh, nhà tại xóm Bảo, là thành viên HTX, từng là hộ nghèo cho biết, chị tham gia HTX được hơn 5 năm. Trước kia, gia đình chị thuần túy làm nông nghiệp, bản thân chị là lao động chính, năm thì được mùa nhưng giá rẻ, có năm gặp thời tiết khắc nghiệt bị mất mùa, cuộc sống bấp bênh, gia đình chẳng lúc nào được dư dả.

“Từ ngày tham gia tổ đan lát, nhà tôi có đồng ra đồng vào, cuộc sống cũng đỡ cơ cực. Bình quân mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Tháng cao điểm, làm nhiều có khi được 7-8 triệu. Tôi làm chậm, chứ tổ này có người làm nhanh, giỏi có tháng thu nhập được chục triệu”, chị Thanh kể.

HTX Lương Phú được thành lập từ năm 2013, đến nay có 13 thành viên. HTX chuyên cung ứng dịch vụ vật tư đầu vào, dịch vụ dự báo dịch bệnh trên cây trồng, dịch vụ bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm nông sản của thành viên và các hộ liên kết..., nhưng thế mạnh của HTX là mảng đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để xuất bán đi thị trường nước ngoài.

Người có công đưa nghề thủ công mỹ nghệ về cho các thành viên cũng như người dân ở huyện Tân Lạc chính là chị Nguyễn Thị Bảy - Giám đốc HTX Lương Phú.

Mặc dù HTX thành lập mới được 10 năm nhưng gần 20 năm qua, chị Bảy đã tự nhận khoán các sản phẩm của công ty xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ về giao việc cho bà con nông dân.

Đau đáu với những nỗi vất vả của người nông dân tại địa phương, chị Bảy luôn vận động, mày mò tìm sản phẩm phù hợp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho các thành viên và hộ liên kết.

Cùng thời điểm này năm ngoái, hàng mây tre đan xuất khẩu sang Nhật bán rất chạy. Có tháng cao điểm, HTX xuất bán tới 40.000 sản phẩm, doanh số đạt 900 triệu đồng, lợi nhuận đạt 240 triệu đồng.

Quy trình tham gia đan lát cho HTX rất đơn giản, người dân nếu có nhu cầu có thể tham gia làm thành viên HTX, được HTX giao việc theo đó hưởng theo năng suất lao động. Hoặc những hộ dân không thuộc tổ chức HTX muốn đan thuê lấy công có thể nhận hàng về tự làm tại nhà.

Nhiều người không biết nghề, sau một thời gian được HTX hướng dẫn đã làm thành thục. Một số người ban đầu đến với đan lát chỉ là nghề tay trái, nhưng tháng thu nhập cũng được 6-8 triệu đồng, từ nghề phụ trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình.

Tạo việc làm cho hàng ngàn lao động

Nhiều hộ khấm khá lên từ đan lát. Ai có nhu cầu làm được HTX cũng cấp khung, vật tư đầu vào và chỉ bảo kỹ lưỡng cách thức tạo ra một sản phẩm chất lượng.

-6032-1696841976.png

Tham gia đan lát cho HTX vừa giúp các hộ dân phát triển kinh tế, cũng góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng với các thành viên, các hộ nông dân trong vùng cũng muốn tham gia công việc. Thời điểm hàng hóa bán chạy, có tới hơn 1.000 lao động trên địa bàn huyện Tân Lạc tham gia làm thuê cho HTX.

Hoạt động đan lát vừa giúp các hộ dân phát triển kinh tế, cũng góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Gia đình bà Bùi Thị Nhịn, xóm Nen xã Thanh Hối, hoàn cảnh éo leo, con bà mất sớm để lại hai cháu nhỏ đang tuổi ăn học. Dù tuổi cao sức yếu, hàng ngày bà vẫn nhận thêm việc về đan lát, bình quân mỗi tháng có thu nhập khoảng 3,5 - 4 triệu đồng.

Trước đây, HTX thường dùng mây, tre, nứa, giang, bèo, song, guột… làm nguyên liệu đan hàng, hiệu quả kinh tế cũng cao. Để tăng độ bền cho thành phẩm, sau khi hoàn tất mọi công đoạn thường đưa vào lò sấy bằng diêm sinh. Sản phẩm bền, đẹp nhưng diêm sinh là chất độc hại, làm lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Sau này, qua quá trình tìm kiếm, Giám đốc HTX Nguyễn Thị Bảy đã gặp đối tác có nhu cầu xuất khẩu hàng đan lát bằng cỏ tranh và chị đã liên kết với doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất thân thiện với môi trường. Sản phẩm làm bằng cỏ tranh sau khi hoàn thiện chỉ cần sấy ở nhiệt độ trên 50 độ C, không cần dùng diêm sinh xử lý.

Chị Bảy cho biết, năm 2020, HTX bắt đầu đan lát bằng vật liệu mới - cỏ tranh. Hành trình này khá gian nan, nguyên liệu mới phải đào tạo lại cho người dân, nhiều người không biết làm sản phẩm, tỷ lệ loại bỏ rất cao.

“Thời điểm đó, 10 sản phẩm hỏng tới 6-7 cái, những vật dụng đan bằng cỏ tranh lỗi hỏng chẳng bán được cho ai, tôi buộc lòng phải chất đống đem đốt. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, số hàng bị thiêu hủy quy ra tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Nhìn ngọn lửa cháy rừng rực mà lòng dạ xót xa, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, mà động viên, hướng dẫn kỹ lưỡng cho bà con. Sau một thời gian vượt khó, công việc cũng vào khuôn khổ, sản xuất hàng hóa bắt đầu ổn định, hàng hỏng lỗi chỉ chiếm tỷ lệ 3-5%”, chị Bảy kể.

Bình quân mỗi năm, doanh số do nghề đan lát xuất khẩu mang lại khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 2 năm đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy thoái, ngành nghề xuất khẩu bị ảnh hưởng, xuất bán chậm hơn hẳn.

Tháng 9 năm ngoái, đơn hàng đạt cao điểm, chỉ trong vòng một tháng, HTX xuất đi 3 container hàng, giá trị 900 triệu đồng. Tháng 9 năm nay, doanh thu chỉ đạt khoảng 250 triệu đồng, chưa bằng 1/3.

Tiên phong đưa cây nha đam về Hòa Bình

Sự khó khăn của thị trường khiến chị Bảy cùng ban quản trị HTX luôn trăn trở trong việc tính toán tạo việc làm cho thành viên. Tiếp tục mày mò nghiên cứu thị trường, chị phát hiện cây nha đam có rất nhiều công dụng có thể dùng làm dược liệu, thực phẩm, làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm… Hơn nữa, cây nha đam thích hợp với khí hậu miền núi, đất đồi có dộ dốc thoải. Một lần nữa, chị lại lặn lội đi tìm đối tác.

-2103-1696841976.png

HTX xác định cây nha đam sẽ là hướng đi mới, một trong những loại cây chủ lực phát triển kinh tế của HTX.

“Ban đầu, khi chuẩn bị làm, rất nhiều người gàn tôi rằng nha đam chưa ai trồng, cẩn thận không bỏ bao tiền vào thất bại là mất hết. Nhưng tôi đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng về tính năng công dụng, cách thức chăm bón và trồng cây nha đam. Đặc biệt tiềm năng kinh tế của loại cây này rất lớn”, chị cho biết.

Công ty BIOBIEE Việt Pháp - đơn vị ký liên kết với HTX đã sản xuất ra rất nhiều loại sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường như: thạch nha đam, nước sát khuẩn, sữa tắm trẻ em, nước giặt, nước lau sàn, nước rửa chén, nước rửa bồn cầu, xịt nội thất ô tô…, nhu cầu mở rộng vùng nguyên liệu của công ty rất lớn.

Từ cuối năm 2022 đến nay, chị Bảy quyết định “bắt tay” với doanh nghiệp trở thành người đầu tiên đem cây nha đam về trồng trên đất Hòa Bình. Công ty cam kết hỗ trợ 60% giá trị cây giống cho bà con và ký hợp đồng bao tiêu ổn định trong 4 năm.

“Tôi xác định, bất cứ ngành hàng nào trong thời gian đầu mới đưa vào thử nghiệm cũng không tránh khỏi nguy cơ tiềm ẩn tính rủi ro cao, nhưng nếu cứ sợ mạo hiểm không thử thì làm sao biết được”, chị Bảy nói.

Sau gần một năm trồng thử và xuất bán cây nha đam, hiệu quả kinh tế thu được tương đối khả quan. Các thành viên và hộ liên kết tích cực tham gia trồng. Theo chị Bảy, cái hay của việc trồng cây nha đam chính ở chỗ đây là loại cây có sức kháng bệnh khá tốt. Một cây trồng mới khoảng một năm bắt đầu cho thu hoạch. HTX nhập cây nhỡ về trồng để rút ngắn giai đoạn.

Bình quân khoảng 30-35 ngày, cây cho thu hoạch một lượt, một năm có thể cho 6-8 lượt thu, liên tục trong vòng 4 năm. Ban đầu, thân cây là dạng thảo mộc, sau 4 năm thân chuyển sang thể gỗ.

Hiện, HTX có 10 ha thử nghiệm chuyên canh cây nha đam, 20 hộ tham gia trồng. Các hộ tham gia trồng nha đam được hướng dẫn về kỹ thuật chăm bón, cách phòng trừ dịch bệnh, trừ sâu hại nên hoạt động trồng thử nghiệm diễn ra tương đối thuận lợi, bước đầu tạo nguồn thu cho nông dân.

Tính đến thời điểm này, nha đam đã cho thu hoạch 4 lượt với lượt sau tăng cao hơn lượt trước. Bình quân mỗi ha đợt 1 thu được 20 tấn, đợt 2 thu 25 tấn, đợt 3 thu 40 tấn, đợt 4 thu 55 tấn. Với giá thu mua cho bà con 2.400 đồng/kg như hiện tại, qua 4 đợt tổng số tiền thu được khoảng 27 triệu đồng trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 7-8 triệu đồng.

Chị Bủi Thị Lý - thành viên HTX cho biết: “Tôi tham gia trồng thử nghiệm cây nha đam ngay từ những ngày đầu tiên. Quy trình trồng không quá phức tạp, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn về cách thức chăm sóc”.

Điểm đặc biệt của cây nha đam là giống khỏe, kháng bệnh tốt không cần dùng thuốc trừ sâu. Phân bón được bà con dùng tới 90% tỷ lệ phân chuồng ủ hoai mục được xử lý thông qua chế phẩm sinh học để kích bộ rễ khỏe.

Để diệt nấm, bà con cũng được hướng dẫn dùng loại thuốc sinh học. So với các loại cây trồng khác, cây nha đam khiến các thành viên HTX yên tâm vì hiệu quả kinh tế cũng như cách chăm sóc, không lo độc hại đến sức khỏe người trồng.

Thử nghiệm bước đầu thành công, hiện HTX được công ty ủy quyền ký kết với các cộng tác viên phát triển vùng trồng tại Hòa Bình.

Trong tương lai, HTX xác định cây nha đam sẽ là hướng đi mới, một trong những loại cây chủ lực phát triển kinh tế của HTX. Nếu thuận lợi, năm tới HTX sẽ mở rộng 30 ha trồng nha đam tại huyện Tân Lạc và mong muốn xây dựng nhà máy chế biến để tăng giá trị sản phẩm, tạo thu nhập tốt hơn cho bà con nông dân.

Việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho các thành viên, mà còn với cả các hộ liên kết, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Những hướng đi đúng đắn đã mang về doanh thu bình quân 2,5 tỷ đồng/năm cho HTX, năm nay doanh số ước đạt khoảng 3 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân đạt khoảng 150- 200 triệu đồng, tạo thu nhập cho các thành viên đạt khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Việc chủ động bắt tay với doanh nghiệp đã góp phần giải quyết nỗi lo bao năm của các thành viên và nông dân trên địa bàn huyện Tân Lạc về vấn đề trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho ai, giá thế nào? Đây là hướng đi tất yếu, tạo thành quả vững chắc, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp nâng cao đời sống cho thành viên HTX, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số Mường, Thái ngay tại địa phương.

Thu Hường

Lượt xem: 5
Tác giả: Thoát nghèo nhờ nghề “tay trái”
Tin liên quan