Chiết khấu tăng lên hơn 1.000 đồng/lít, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói 'không bình thường'

Theo một doanh nghiệp, sau ngày 14/02/2023 - Hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định về xăng dầu được tổ chức ở VCCI, chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực. Đây là hiện tượng không bình thường.

Đây là ý kiến ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) khi phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”, diễn ra sáng ngày 6/3. 

-7813-1678072532.jpg

Chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500đ/lít, tuỳ khu vực.

Mở đầu câu chuyện của mình, ông Giang Chấn Tây cho biết chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, khi doanh nghiệp bán lẻ dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh.

"Sự việc này các doanh nghiệp bán lẻ chỉ nghĩ rằng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng không ngờ nó diễn ra hơn một năm qua, đã làm cho doanh nghiệp lỗ nặng nề, bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ. Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán", ông Tây cho biết. 

Đáng chú ý, một thông tin mà ông Tây cung cấp là sau ngày 14/02/2023, hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định về xăng dầu, được tổ chức ở VCCI, thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tuỳ khu vực.

"Đây là hiện tượng không bình thường, chiết khấu này từ đâu mà có? Trong khi Nghị định thì chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi. Phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả, nên phải trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ", ông Tây đặt nghi vấn. 

Ông Giang Chấn Tây bổ sung thêm, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”. Tuy nhiên, những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. 

Ông Tây cho rằng, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần thành lập hội đồng để phân chia 1.350 đồng chi phí cơ bản xem doanh nghiệp bán lẻ nhận được bao nhiêu đồng? Để làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong Nghị định mới và làm cơ sở quay ngược lại truy thu phần mà doanh nghiệp bán lẻ bị chiếm đoạt. 

"Mức nhận được của doanh nghiệp bán lẻ là 900 đồng/lít mà mới nhận được có 100 đồng/lít, đề nghị Hội đồng yêu cầu doanh nghiệp đầu mối hoàn trả lại cho doanh nghiệp bán lẻ thêm 800 đồng/lít nữa và thống kê tổng số lượng hàng hóa bán ra để tính ra tổng mức mà doanh nghiệp đầu mối phải chi trả bổ sung cho doanh nghiệp bán lẻ", ông Tây kiến nghị.

Thy Lê 

Tin liên quan