Cấp tín dụng điện tử: Ngân hàng lo rủi ro về mặt pháp lý

Cho phép thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng thông qua phương thức điện tử, nhưng việc quy định còn chung chung, có thể đẩy các ngân hàng và khách hàng đến chỗ tranh chấp pháp lý...

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nhận được quan tâm rất lớn của các thành viên trên thị trường bất động sản, nhất là những người có nhu cầu mua nhà để ở và doanh nghiệp trong ngành này.

Theo Dự thảo mới, NHNN đã bổ sung điều khoản quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, trong đó cho phép tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của TCTD.

ca-p-ti-n-du-ng-die-n-tu-jpeg-8000-16584

Các tổ chức tín dụng cho rằng cần có quy định cụ thể về cho vay bằng phương tiện điện tử (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, nội dung này vẫn còn giới hạn TCTD trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu dùng do vẫn phải tuân thủ “nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay” của Thông tư 39.

“Với quy định này, chúng tôi chưa thấy có đủ cơ sở để thực hiện các giao dịch điện tử trong hoạt động cho vay, hoạt động bảo lãnh. Nếu vẫn cố tình triển khai thì hiển nhiên ngân hàng sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý”, giám đốc ban pháp chế một ngân hàng nói.

Tại hội thảo lấy ý kiến về Thông tư 39 mới đây, ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank, cho rằng quá trình chuyển đổi số sẽ hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các TCTD nói riêng hoạt động hiệu quả hơn. Do vậy, tại dự thảo Thông tư lần này, rất nhiều điểm cụ thể cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế.

Hiện nay, các TCTD cũng đã áp dụng phê duyệt tự động đối với những khoản vay nhỏ theo những tiêu chí nhất định…. “Do đó, những vấn đề về thẩm định, quyết định cho vay, chữ ký số, chứng từ, tiêu chí phê duyệt… nên được thống nhất tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này”, ông Hùng đề nghị.

Cùng quan điểm, đại diện các công ty tài chính cho rằng, nhu cầu cung cấp dịch vụ ngân hàng trên kênh kỹ thuật số đối với các khoản vay mục đích tiêu dùng là rất lớn, đặc biệt là với các công ty tài chính. Triển khai cho vay trên kênh số sẽ giúp khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, đẩy lùi tín dụng đen.

Để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, bao quát cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, các  hàng đề nghị NHNN cho phép  hàng được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn. Trong đó, việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng thực hiện tự động trên hệ thống phần mềm đối với các khoản vay giá trị nhỏ, khoản vay cho mục đích tiêu dùng.

Các ngân hàng cho rằng, trong hoạt động cho vay không hẳn chỉ cho vay bằng phương thức điện tử mà là áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ dữ liệu trong hoạt động cho vay.

Đại diện Techcombank nêu vấn đề: Nếu chỉ dùng một từ là “cho vay bằng phương thức điện tử” như dự thảo Thông tư là chưa bao hàm hết mà cần phải quy định tại một chương riêng”, đồng thời đề nghị: “NHNN sớm nghiên cứu và đưa ra hành lang pháp lý “mở đường” để các TCTD tiếp cận và áp dụng các công nghệ 4.0”.

Với các vướng mắc trên, các ngân hàng đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 cần tạo thành khung pháp lý chung, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, và cũng tạo hướng mở để các TCTD áp dụng và triển khai hoạt động cho vay khách hàng thuận lợi nhất. Đồng thời, giúp cho cơ quan quản lý tiếp tục duy trì được kiểm soát rủi ro hệ thống, qua đó giúp nền kinh tế phát triển ổn định.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho rằng, dự thảo Thông tư 39 sửa đổi chỉ nên quy định “khung” đảm bảo được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và nên trao quyền tối đa cho các TCTD, để các TCTD tự chịu trách nhiệm.

Với vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, cơ quan soạn thảo mong muốn đưa ra được khung pháp lý chung hoàn thiện nhất cho việc cho vay bằng phương tiện điện tử, từ đó các TCTD có thể chủ động xây dựng, triển khai thực hiện để tránh được những rủi ro pháp lý sau này. Bên cạnh đưa ra được các điều khoản quy định đối với việc cho vay bằng phương tiện điện tử, cơ quan soạn thảo cũng nhận thấy cần khắc phục một số điểm trong thực tiễn thời gian qua khi triển khai thực hiện Thông tư 39.

Huyền Anh

Lượt xem: 46
Tác giả: Huyền Anh
Tin liên quan