Bộ Công Thương đang hoàn thiện nghị định sửa đổi về xuất khẩu gạo

Liên quan công tác sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã ban hành năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết dự thảo Nghị định 107 được cơ quan này tích cực xây dựng một năm qua, hiện trong quá trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện.

Trong phần chất vấn cuối của lĩnh vực Công thương sáng 05/06 tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) đã chất vấn việc sửa Nghị định 107 về xuất khẩu gạo để tăng cạnh tranh cho hạt gạo Việt khi xuất đi.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Quochoi

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo được thực thi cho đến nay đã bộc lộ một số bất cập nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương sửa đổi và cho đến nay, Bộ đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 107. Tinh thần sửa đổi Nghị định 107 tập trung vào một số nội dung:

Thứ nhất là sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo thống kê, hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo hướng chặt chẽ và chế tài xử lý cao, mang tính răn đe nhằm phục vụ tình trạng thương nhân chậm hoặc không thực hiện chế độ báo cáo.

"Vừa qua có tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu chào thầu giá thấp, họ không báo cáo thì Bộ không thể biết. Sửa quy định này để tăng trách nhiệm, răn đe thương nhân xuất khẩu", Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định rõ thời gian hậu kiểm của các Sở Công thương sau khi được nhận giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. Như vậy, quy định này tăng cường trách nhiệm của địa phương.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung cơ chế, phương thức phối hợp cụ thể giữa bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong tổ chức điều hành xuất khẩu gạo, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, hiệu quả trong thực thi chính sách.

Thứ tư, bổ sung các biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối với hàng lúa gạo Việt Nam. Theo đó, ban hành chương trình phát triển hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại riêng đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.

Thứ năm, bổ sung quy định rõ ủy thác xuất khẩu và nhận ủy thác xuất khẩu gạo, trong đó có thương nhân ủy và nhận ủy thác phải có giấy chứng nhận, có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo thì mới thực hiện được việc này.

Gạo Việt thống lĩnh thị trường Philippines

Theo tin từ Cục Thực vật (Bureau of Plant Industry) - Bộ Nông nghiệp Philippines, nhập khẩu gạo của Philippines đạt gần 2 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2024, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2023.

Tại thị trường Philippines, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất với sản lượng lên tới 1.44 triệu tấn, chiếm gần 73% thị phần bởi người Philippines ưa chuộng các loại gạo ĐT8 và OM5451 của Việt Nam.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 45.9% thị phần xuất khẩu, tương ứng 1.49 triệu tấn và kim ngạch 935.6 triệu USD, lần lượt tăng 15.9% về lượng và 44.7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Lượt xem: 3
Tác giả: Tùng Phong
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật