Bảo hiểm giảm áp lực tài chính và động viên tinh thần khách hàng sau thiên tai, rủi ro bất ngờ

Cơn bão số 3 quét qua các tỉnh phía Bắc để lại nhiều thiệt hại nặng nề về tài sản và người. Trong lúc cả nước chung tay khắc phục hậu quả sau bão, ngành Bảo hiểm cũng đã khẩn trương tham gia hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão, thực hiện trách nhiệm của mình đối với khách hàng tham gia bảo hiểm.

Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến 17h chiều 12/9, số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, các đơn vị đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới, ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

Chỉ trong vòng vài ngày sau khi cơn bão Yagi đổ bộ, hàng loạt công ty bảo hiểm lớn như PVI, Bảo Việt, MIC, PJICO... liên tục tiếp nhận thông báo tổn thất về người, tài sản như xe ô tô, nhà tư nhân, công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng, hàng hóa... Dự tính mức bồi thường sẽ tăng tiếp, sau khi khách hàng/người nhà ổn định hơn và thực hiện khai báo.

Đơn cử, Bảo hiểm PVI hiện đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức đề nghị bảo hiểm tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người). Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đã tiếp nhận gần 400 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 830 tỷ đồng. 

Trong khi đó, Bảo hiểm Quân đội (MIC) ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm nghiệp vụ tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỷ đồng. Hay như Bảo hiểm BIC, sau bão (tính đến trưa 11/9), mảng xe cơ giới ghi nhận gần 300 vụ, ước tính thiệt hại 7 tỷ đồng. Hãng bảo hiểm này cũng vừa thực hiện tạm ứng 945 triệu đồng bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc xe ô tô đối với hành khách trên xe trong vụ sạt lở tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng…

Còn với khối công ty bảo hiểm nhân thọ, theo số liệu cập nhật sơ bộ từ các doanh nghiệp này, ước tính số tiền chi trả bồi thường thiệt hại và hỗ trợ ban đầu do bão số 3, lũ lụt ở miền Bắc gây ra là khoảng gần 10 tỷ đồng. Trong đó, AIA Việt Nam đã chi trả 6,5 tỷ đồng; Sunlife, Bảo Việt Nhân thọ và Generali ghi nhận số tiền ước tính chi trả lần lượt khoảng 260 triệu đồng, 210 triệu đồng và 20 triệu đồng; Bảo hiểm BSH tiếp nhận 6 trường hợp mất tích và một nạn nhân tử vong do bão Yagi. Dai-ichi bước đầu xác định có 6 nạn nhân mất trong vụ sạt lở ở Yên Bái, ước tính chi trả 2,7 tỷ đồng...

Theo ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tiếp cận chính xác để xác định thiệt hại và tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường cho người tham gia bảo hiểm được đầy đủ, đúng kịp thời theo cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm với người tham gia bảo hiểm.

Với số tiền được chi trả quyền lợi bảo hiểm, người tham gia và được hưởng quyền bảo hiểm đã phần nào giảm được áp lực tài chính nặng nề. Với những trường hợp đau lòng hơn, là thiệt hại về người, dù rằng không thể bù đắp sự mất mát, song phần chi trả này cũng phần nào bù đắp, động viên cho những người ở lại.

Bà Hồ Thị Ngọc Như - Trưởng ban hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) cho rằng,  trong những lúc đau thương, mất mát này, bảo hiểm có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân lúc khó khăn.

“Khi được bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng, niềm tin của người dân vào bảo hiểm sẽ được củng cố vững chắc”, bà Như chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, thiên tai luôn là thử thách lớn đối với tất cả mọi người. Việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng không chỉ giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn thể hiện cam kết trách nhiệm xã hội của ngành Bảo hiểm đối với cộng đồng.

Tin liên quan