5 lợi thế cạnh tranh khi đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã có hướng dịch chuyển các lĩnh vực chế biến, chế tạo như công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo sang các nước châu Á và Việt Nam được đánh giá là một quốc gia rất hấp dẫn để đầu tư.
Tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF 2024) diễn ra chiều ngày 30/07, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có góc nhìn lạc quan về thị trường bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) thời gian tới.
Ông Vũ Văn Chung - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: BTC |
Theo ông Chung, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã có hướng dịch chuyển các lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có các sản phẩm mới như công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo sang các nước châu Á, đặc biệt là khu vực châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam được đánh giá là một quốc gia rất hấp dẫn để đầu tư.
Có ý kiến cho rằng đây là cơ hội trăm năm có một để Việt Nam tận dụng cơ hội, thu hút đầu tư có chất lượng và cũng là cơ sở để BĐS KCN phát triển trong thời gian tới.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Chung cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Thứ nhất là ổn định chính trị; thứ hai là nền kinh tế Việt Nam sau nhiều năm vẫn duy trì mức độ tăng trưởng ổn định.
Thứ ba, về nguồn nhân lực, Việt Nam có khoảng 100 triệu dân với khoảng 57 - 59 triệu người là độ tuổi lao động và đang được đào tạo, bổ sung trình độ. Thay vì trước đây Việt Nam thu hút đầu tư với giá rẻ thì nay là nguồn nhân lực có chất lượng tốt.
Thứ tư, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới.
Thứ năm, các đột phá chiến lược đang được Chính phủ tập trung thực hiện phát triển hạ tầng đường bộ, đường biển, đường không và tương lai là đường sắt, tạo không gian lớn để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư. Ngoài ra, sự quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề cải cách về các thể chế, các quy định để thúc đẩy thị trường.
Ông Chung cũng thông tin rằng các ngành mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao thì Chính phủ đã lập các tổ công tác trực tiếp chỉ đạo, xúc tiến các nhà đầu tư. Mục tiêu đào tạo khoảng 50 ngàn kỹ sư, đến năm 2030 là 100 ngàn nhân lực cho ngành bán dẫn.
“Hiện nay, Việt Nam chuyển qua giai đoạn thu hút FDI chất lượng cao có chọn lọc, do đó sẽ là thách thức đối với các Ban quản lý KCN, các nhà cung cấp do hàng hóa của nhà đầu tư sẽ được nâng cao”, ông Chung nói.
Nói về giá thuê KCN, ông Chung nhấn mạnh cần phải lưu ý, vì nếu cứ tăng giá thì đến lúc nào đó khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Do vậy cần phải hài hòa, đảm báo giá cho các nhà đầu tư vào thuê có được tính cạnh tranh trong khu vực.
Ngoài ra, để duy trì thu hút đầu tư, ông Chung cũng đưa ra giải pháp, đầu tiên, hiện nay xu hướng của Việt Nam đang chuyển dịch từ thu hút sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Thể hiện rằng giữa các bên cùng hợp tác đầu tư, cùng phát triển và cùng tận hưởng thành quả.
Thứ hai, cần tham mưu cho Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có chọn lọc.
Cùng quan điểm, ông Trương An Dương – Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối Bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam cho biết, tuy Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về BĐS KCN nhưng phải nhìn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Việc giá đất tăng nhanh mỗi năm từ 6 - 8% trong thời gian qua là một trong những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác. Thậm chí có một số vị trí KCN của Việt Nam có giá đất còn đắt hơn khu vực. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ so sánh giá và lựa chọn.
“Việt Nam có thế mạnh với 100 triệu dân, một thị trường tiêu dùng lớn. Ngoài ra, tiềm năng về mặt con người với các chương trình đào tạo, thúc đẩy năng lượng sản xuất và lực lượng lao động, đây là cơ hội của Việt Nam trên cạnh tranh thị trường quốc tế”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Trương An Dương – Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối Bất động sản nhà ở Frasers Property Vietnam. Ảnh: BTC |
Còn ông Đinh Hoài Nam – Giám đốc phát triển kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam tin rằng Việt Nam vẫn là điểm sáng trên thị trường ít nhất là khu vực châu Á Thái Bình Dương trong nhiều năm tới. Đại diện SLP cũng nêu rõ quan điểm các KCN sẽ cạnh tranh về chiều sâu về chất lượng, thay vì cạnh tranh về giá.
Cần phải chuyển đổi xanh nhanh hơn nữa nếu không sẽ muộn
Về vấn đề xanh hóa, bà Trang Lê – Giám đốc Cấp cao Khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam cho rằng, linh kiện điện từ và dệt may vẫn là hai ngành đóng góp tỷ trọng lớn thì không có lý do gì để không tiếp tục phát huy ngành này nữa, chỉ là trong quá trình sản xuất sẽ chuyển đổi xanh hóa như thế nào, song song với việc mở rộng thêm ngành khác.
Bà Trang Lê – Giám đốc Cấp cao Khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam. Ảnh: BTC |
Theo bà Trang Lê, hiện Việt Nam đang ở một thời điểm gần như là bước ngoặt, với những gì đã có đưa vị thế Việt Nam như hiện nay thì sẽ không kéo dài quá lâu nữa nếu không thực sự kiên quyết hơn trong việc xanh hóa, cải thiện các thủ tục pháp lý, hay các quy trình cần phải làm nhanh hơn nữa. Các nước trong khu vực họ đã đang đẩy mạnh việc này.
“Cần phải nhanh hơn nữa trong mọi hành động để đảm bảo vị trí của mình như hiện tại, nếu không thì sẽ hơi muộn màng”, bà Trang Lê nhận định.
Nếu được chọn, bà Trang Lê cho biết ưu tiên việc xanh hóa là điều bắt buộc phải làm, song song đó về phía khối công, cần hướng dẫn bằng các thông tư chuẩn bị, quy trình để đẩy nhanh hơn vì đây là năm bản lề để thay đổi.
Nói về những khó khăn, đại diện JLL cho hay Việt Nam đang trong giai đoạn đầu tiên thử nghiệm mô hình KCN sinh thái, dựa trên mô hình đó, có hai khó khăn nổi trội lên. Thứ nhất là chưa có nhiều ưu đãi về tài chính hỗ trợ cho các nhà đầu tư một cách rõ ràng, hấp dẫn để chuyển đổi. Thứ hai, cần có các văn bản hướng dẫn chi tiết về các vấn đề thực hiện chuyển đổi xanh.
Nhà xưởng, nhà kho cho thuê sẽ là phân khúc “hot”?
Theo ông Đinh Hoài Nam, phân khúc triển vọng nhất hiện nay là nhà xưởng và nhà kho cho thuê sẽ bùng nổ trong vài năm tới; thêm vào đó một số loại hình sản phẩm mới được sinh ra như việc xây cao tầng các phân khúc này để tối ưu hóa sản phẩm dự án.
“Sẽ có làn sóng nhà kho, nhà xưởng 2 tầng, hiện thị trường đã đón nhận và hấp thụ sản phẩm này khá tốt”, ông Nam nói.
Thứ hai là việc phát triển các sản phẩm xây theo yêu cầu thay vì xây sẵn cũng sẽ triển vọng trong thời gian tới.
Ông Đinh Hoài Nam – Giám đốc phát triển kinh doanh toàn quốc Công ty SLP Việt Nam. Ảnh: BTC |
Ông Hardy Diec – Giám đốc điều hành Công ty KCN Vietnam cho biết nhà xưởng, nhà kho xây sẵn hiện đang là những sản phẩm mũi nhọn của công ty KCN.
Giám đốc KCN Vietnam cho biết thêm, Việt Nam hiện đang là tầm ngắm của các công ty đa quốc gia đang muốn đầu tư vào, nhưng còn đang ngại về các vấn đề thủ tục, pháp lý.
Địa phương nào sẽ có tiềm năng phát triển KCN thời gian tới?
Theo ông Trương An Dương, những địa phương có kết nối về đường bộ, sân bay, cảng biển ở phía Bắc là các khu vực xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hưng Yên,… Còn tại phía Nam, các địa phương gần TPHCM như Bình Dương, Long An, Đồng Nai hay Bà Rịa Vũng Tàu,… là những địa phương sẽ thu hút FDI thế hệ mới, cũng như tiên phong các KCN xanh.
Tuy nhiên, các khu vực gần trung tâm này thì quỹ đất đang còn hạn chế. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, ông Đinh Hoài Nam cho rằng bản thân mỗi địa phương phải chủ động kết nối cơ sở hạ tầng để tạo trục kinh tế mới phát triển công nghệp. Khi đó các nhà phát triển KCN sẽ nhìn thấy địa phương nơi có đủ tiềm năng đầu tư và sẽ đến.