“Tôi mong muốn kết nối khoa học thế giới với Việt Nam hơn nữa”

Đẩy mạnh nỗ lực kết nối các trí tuệ kiệt xuất trên thế giới với cộng đồng khoa học Việt Nam, hỗ trợ cho nhiều nhà khoa học nữ là hai mục tiêu lớn mà Giáo sư gốc Việt Nguyễn Thục Quyên (Đại học California, Santa Barbara - Đồng chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture) chia sẻ với phóng viên ngay sau khi được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ.

Chung tay xây dựng hạ tầng nghiên cứu Việt Nam

- Xin chúc mừng Giáo sư! Xin Giáo sư chia sẻ cảm xúc của mình khi được bầu chọn vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ (NAE)?

Thú thật, tôi chưa từng mơ ước hay tưởng tượng được rằng một ngày nào đó mình sẽ trở thành viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, bởi đây là một trong những sự công nhận cao nhất từ các đồng nghiệp dành cho một tiến sĩ chuyên về kỹ thuật hoặc nhà khoa học sau nhiều năm lao động sáng tạo và cống hiến.

Sau nhiều năm lao động và sáng tạo, GS. Nguyễn Thục Quyên vừa được bầu vào Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ
Sau nhiều năm lao động và sáng tạo, GS. Nguyễn Thục Quyên vừa được bầu vào Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ

Sau nhiều năm lao động và sáng tạo, GS. Nguyễn Thục Quyên vừa được bầu vào Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ.

- Công việc nghiên cứu của Giáo sư có thay đổi gì sau khi trở thành thành viên của NAE?

Công việc hàng ngày của tôi không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, một thành viên NAE sẽ cần có trách nhiệm và bổn phận nhiều hơn một khoa học gia bình thường. Trách nhiệm của tôi không chỉ về những công việc mình làm hàng ngày như là nghiên cứu, giảng dạy mà còn là trách nhiệm với cả xã hội. Tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy việc đào tạo và nghiên cứu về STEM, sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật cũng như hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Đồng thời tôi sẽ phối hợp sâu rộng với cả khối tư nhân hay các nhà hoạch định để thực hiện những chính sách có thể tạo ra tác động, thay đổi tích cực cho xã hội.

GS.Nguyễn Thục Quyên tham dự và trình bày tại một hội nghị do Humboldt Foundation tổ chức tại Đức năm 2022. (Ảnh NVCC)
GS. Nguyễn Thục Quyên tham dự và trình bày tại một hội nghị do Humboldt Foundation tổ chức tại Đức năm 2022. (Ảnh NVCC)

- Được biết, với vai trò là Đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo VinFuture, bà vừa có buổi hội thảo trực tuyến kêu gọi đề cử với gần 100 nhà khoa học trên thế giới. Đây có phải là một phần “trách nhiệm xã hội” như bà vừa chia sẻ?

Giải thưởng VinFuture đã qua 2 mùa thành công và giúp rất nhiều người, nhất là giới khoa học, biết đến Việt Nam. Bên cạnh đó, một trong những hoạt động chính của Quỹ VinFuture là giúp kết nối những trí tuệ khoa học trên toàn cầu, để chung tay giải quyết những vấn đề thực tiễn, góp phần mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhận loại.

Với vai trò viện sĩ, tôi mong muốn tạo ra sự kết nối giữa các thành viên của Viện Hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ với Giải thưởng VinFuture để chúng ta sẽ nhận thêm những đề cử chất lượng từ những viện sĩ có những công trình mang tính đột phá.

- Sắp tới Giáo sư có kế hoạch hay hợp tác cụ thể nào tại Việt Nam?

Ước mơ rất lớn của tôi chính là giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở hạ tầng hiện đại nhất để phục vụ nghiên cứu. Bởi những hạ tầng này mới có thể thu hút những nhà khoa học Việt Nam từ nước ngoài trở về. Chúng ta có thể bắt đầu với 3 cơ sở: ở Hà Nội, ở miền trung và ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều tôi tin rằng sẽ giúp đỡ thúc đẩy nền khoa học và kỹ thuật của Việt Nam. Bây giờ, chúng ta cần thuyết phục những nhà đầu tư và chính phủ để đầu tư vào những cơ sở như vậy.

GS Nguyễn Thục Quyên và GS Sir Richard Henry Friend (chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture) tại Lễ Trao giải VinFuture ngày 20/12/2022
GS. Nguyễn Thục Quyên và GS Sir Richard Henry Friend (Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture) tại Lễ trao giải VinFuture ngày 20/12/2022

“Tôi đang hoàn thành ước mơ không chỉ cho riêng mình”

- Là một nhà khoa học nữ về Hóa học - Vật lý có lẽ đã không hề đơn giản, bà lại chọn cho mình lĩnh vực khó là Năng lượng. Bà có gặp khó khăn hay áp lực gì trên con đường nghiên cứu khoa học của mình?

Tôi lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam khi đó chưa có điện. Ước mơ hồi nhỏ của tôi là làm cách nào để giữ lại một chút ánh nắng ban ngày để chiếu sáng khi học bài vào buổi tối. Sở thích về năng lượng mặt trời của tôi xuất phát từ thuở thơ ấu như vậy. Ông bà mình có câu “trong cái khó ló cái khôn”, bản tính tò mò cùng sự sáng tạo đã thúc đẩy tôi.

Tôi cũng là thế hệ thứ tư trong gia đình theo nghề giáo. Mẹ tôi là người luôn khát khao được học cao hơn nhưng việc kết hôn ở tuổi 18 và phải đi làm để nuôi nấng 5 đứa con khiến giấc mơ của mẹ là trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của thành phố Ban Mê Thuột không thành hiện thực. Tôi đã và đang hoàn thành ước mơ không chỉ của riêng bản thân, mà còn là cho mẹ tôi, cho cả những người phụ nữ Việt và trên thế giới phải gác lại giấc mơ do nhiều vấn đề cuộc sống.

GS Nguyễn Thục Quyên cùng đồng nghiệp tại một hội nghị của Viện Nghiên cứu Vật liệu (MRS) ở Boston, Hoa Kỳ, vào tháng 11/2022. (Ảnh: NVCC)
GS. Nguyễn Thục Quyên cùng đồng nghiệp tại một hội nghị của Viện Nghiên cứu Vật liệu (MRS) ở Boston, Hoa Kỳ, vào tháng 11/2022. (Ảnh: NVCC)

- Nhân dịp ngày 8/3 sắp đến, GS có muốn chia sẻ gì với các nhà khoa học nữ trong nước không?

Phần đông những người tôi giúp đỡ là phụ nữ và những nhà khoa học gia trẻ mới bắt đầu sự nghiệp của họ. Tôi mong các bạn hãy nỗ lực theo đuổi những đam mê của mình và hãy cố gắng thực hiện những công việc nhiên cứu thật tốt, rồi đồng nghiệp và cộng đồng khoa học sẽ ghi nhận những nỗ lực của mình. Đừng ngần ngại và sợ hãi vì bạn là phụ nữ, hãy nói chuyện nhiều với các nhà khoa học khác để có cơ hội làm việc chung và học hỏi lẫn nhau.

Nếu bạn cần sự hỗ trợ, muốn hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài thì đừng ngại liên lạc với họ. Về phần mình, tôi sẵn lòng giúp đỡ những nhà khoa học trẻ trên thế giới. Tôi hy vọng trong tương lai có thể giúp đỡ các nhà khoa học nữ ở Việt Nam, đặc biệt là đưa ra những lời khuyên để dẫn dắt và giúp họ thành đạt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Trong sự nghiệp khoa học, GS. Nguyễn Thục Quyên đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm:

- Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ của Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ (2005),

- Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia CAREER (2006), Giải thưởng Harold Plous (2007).

- Năm 2008, GS. Quyên nhận Giải thưởng Học giả - Giáo viên Camille Dreyfus, sau đó lần lượt là các giải Nghiên cứu viên Alfred Sloan năm (2009), Nghiên cứu viên Đổi mới và Năng lực Cạnh tranh Hoa Kỳ của Quỹ Khoa học Quốc gia 2010,

- Giải thưởng Nghiên cứu Cao cấp Alexander von Humboldt của Đức năm 2015, Nghiên cứu viên của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh năm 2016, Thành viên Hội trường danh vọng của Tạp chí Vật liệu Nâng cao và Thành viên của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ năm 2019.

- Năm 2020, bà nhận Giải thưởng cố vấn sinh viên Tiến sĩ tốt nghiệp xuất sắc của UCSB. Bà nằm trong Top 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được Trích dẫn Nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.

Lượt xem: 10
Tác giả: Huyền Anh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật