‘Gam màu sáng’ cho kinh tế Việt Nam giữa thách thức lớn của kinh tế thế giới

Năm 2022, những thành quả xuất khẩu, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, bước chuyển trong xu hướng tiêu dùng trực tuyến, những tín hiệu đáng khích lệ trong thu hút đầu tư nước ngoài… được xem như “gam màu sáng” cho kinh tế Việt Nam với môi trường kinh doanh ổn định giữa thách thức lớn của kinh tế thế giới.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bao bì hàng đầu của Việt Nam, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, việc cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 700 tỷ USD đã cho thấy độ mở của Việt Nam với thị trường thế giới như thế nào.

Một năm vượt khó thắng lợi

Con số này đã xác lập một đỉnh mới, bởi kim ngạch xuất nhập khẩu của năm 2021 mới là 668,5 tỷ USD. Nhất là kim ngạch xuất khẩu (XK), tính riêng trong 11 tháng 2022 ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

-8970-1671797984.jpg

Với “gam màu sáng” trong năm 2022 vừa là động lực vừa là bệ đỡ để các DN Việt Nam chuẩn bị một tâm thế đối diện với những thách thức mới trong năm 2023.

Điển hình như kim ngạch XK thuỷ sản ước đạt 11 tỷ USD trong năm 2022 được cho là một nỗ lực rất lớn. Như đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với XK thuỷ sản như hệ luỵ của đại dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng đến sản xuất và XK, xung đột Nga – Ukraine, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường thế giới, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ… Nhưng trong bối cảnh đó, XK thủy sản vẫn tăng tốc và về đích với thành tích kỷ lục của toàn ngành.

Theo ông Tiến, đó cũng là kết quả của một năm thuận lợi nhờ nền kinh tế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam ổn định, tạo điều kiện cho DN tận dụng cơ hội thị trường, vượt qua các khó khăn, thách thức.

Có thể nói, thành quả XK cần được đặt trong bối cảnh thị trường thế giới gặp vô vàn khó khăn, thách thức như năm 2022. Tuy vậy, trong một cuộc thăm dò gần đây, như chia sẻ của Ts. Phạm Đình Thưởng, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC, đó là có khoảng 85,8% DN thuộc nhóm chịu tác động từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho rằng hội nhập FTA đang mang lại tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ (năm 2016 chỉ là 46,8%). Như vậy, nhận thức của DN về tác động tích cực của tiến trình hội nhập FTA đang ngày càng được cải thiện.

Là một nhà XK nông sản hàng đầu vào thị trường EU, trao đổi với VnBusiness, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh nhận định, năm 2022 là năm mà công ty đã trở lại vị thế của mình với những cải cách rất lớn và doanh số cũng tăng 30%, lợi nhuận cũng rất tốt.

Theo đó, công ty đã tận dụng dụng tốt cơ hội từ FTA Việt Nam - EU (EVFTA) để gia tăng XK nông sản thực phẩm vào thị trường EU, nhất là tăng số lượng và giá trị đơn hàng, mở rộng thị trường, mở rộng khách hàng mới. 

Đồng thời, điều này còn giúp công ty phát triển sản phẩm chế biến sâu từ việc đầu tư 6 nhà máy chế biến nông sản, mỗi năm chế biến, XK khoảng 60 nghìn tấn cà phê, hạt tiêu, và XK nhiều mặt hàng nông sản khác như ớt, quế, hồi…

Những tín hiệu đáng khích lệ

Không chỉ có “gam màu sáng” trên hoạt động XK dù đôi lúc ở một số thời điểm gặp khó khăn về mặt thị trường, dưới góc độ quan sát của một chuyên gia kinh tế, Ts. Burkhard Schrage (Đại học RMIT) cho rằng, năm 2022 cũng khẳng định bước chuyển quan trọng trong hành vi của người tiêu dùng ở Việt Nam. 

Cụ thể, người tiêu dùng Việt Nam đã thể hiện rằng họ rất sẵn sàng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến. Theo số liệu khảo sát, hiện nay có gần 60% người dân Việt Nam cân nhắc mua sắm trực tuyến vì sự tiện lợi. Một khi những hành vi kỹ thuật số mới này trở thành thói quen lâu dài, thương mại điện tử và tất cả các loại hình giao dịch kỹ thuật số khác dự kiến ​​sẽ tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy thị trường kinh doanh số và thanh toán số của Việt Nam.

“Điều quan trọng không kém là DN Việt đã thích ứng với những hành vi tiêu dùng trực tuyến bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số các quy trình và thậm chí cả mô hình kinh doanh”, chuyên gia của RMIT đánh giá.

Trong năm 2022, theo ông Schrage, chúng ta đã chứng kiến ​​động thái của cộng đồng DN để tuân thủ theo “mệnh lệnh kỹ thuật số” này trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam đã tăng 4 bậc lên vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á trong một báo cáo gần đây về sức hấp dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ngoài ra, về hoạt động của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng cho thấy những tín hiệu xán lạn. Khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh của 600 DN Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam trong năm 2022 được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố mới đây cho thấy 59,5% DN kỳ vọng có lãi trong năm 2022. Do sự hồi phục sau đại dịch Covid-19 nên số DN có lãi ở cả ngành chế tạo và phi chế tạo đều tăng so với năm 2021.

Với những DN Nhật trả lời kinh doanh năm 2022 “cải thiện” so với năm 2021 phần lớn là phục hồi mạnh sau đại dịch, đặc biệt là ngành sản xuất hàng tiêu dùng và ngành dịch vụ trực tiếp.

Đối với thu hút vốn FDI, Ts. Burkhard Schrage đánh giá những khoản đầu tư lớn gần đây đến từ phía các nhà cung cấp của Apple, Samsung, Lotte hay cả nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch là những tín hiệu đáng khích lệ cho tương lai của Việt Nam. Chắc chắn, những nhà đầu tư này sẽ mang lại tiền và tạo việc làm cho Việt Nam.

Nhìn chung, với “gam màu sáng” cho kinh tế Việt Nam giữa khó khăn chung của kinh tế thế giới vừa là động lực vừa là bệ đỡ để các DN Việt Nam chuẩn bị một tâm thế đối diện với những thách thức mới trong năm 2023 sắp tới.

Thế Vinh

Lượt xem: 2
Tác giả: Ý kiến bạn đọc
Tin liên quan