Xuất khẩu cao su vẫn phụ thuộc vào độ hấp thụ của thị trường Trung Quốc
Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn cao su các loại sang Trung Quốc, thu về 2,27 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023, tăng gần 7% về lượng nhưng giảm gần 5% về giá trị so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất khi chiếm gần 80% về lượng và 78,5% về giá trị trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng lượng xuất khẩu nhưng giảm giá trị so với cùng kỳ của cao su Việt Nam trong năm ngoái là đến từ yếu tố giá cả. Cụ thể, năn 2023, giá cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1.331 đô la Mỹ/tấn, giảm 10,7% so với năm 2022.
Số liệu tổng hợp và đồ hoạ do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thực hiện. |
Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), chiếm hơn 84% về lượng và chiếm hơn 87% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su sang thị trường này. Đứng thứ 2 là chủng loại latex chiếm gần 10,5% về lượng và chiếm 7,45% về trị giá, còn lại là các mặt hàng khác.
Dù xuất khẩu cao su của Việt Nam đang phụ thuộc vào độ hấp thụ của thị trường Trung Quốc nhưng theo Bộ Công Thương, tại thị trường này, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà.
Trong giai đoạn 2018-2023, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đều tăng sau mỗi năm. Số liệu và đồ hoạ do Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thực hiện. |
Tuy nhiên, ngoài thị trường Trung Quốc thì cao su Việt Nam cũng chưa thể tăng thị phần ở những thị trường khác. Đơn cử như thị trường Mỹ, trong 11 tháng năm 2023, Việt Nam xuất sang đây chỉ có 22.860 tấn, trị giá 32,34 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 27% về lượng và giảm gần 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Vì thế, thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ chỉ chiếm 2,96%, giảm so với mức 3,1% của 11 tháng năm 2022. Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Mỹ, theo dữ liệu của Bộ Công Thương.