Vẫn phải dè chừng sức nóng tỷ giá trong năm 2025

Tỷ giá VND/USD đảo chiều liên tục và lập kỷ lục mới trong tuần cuối cùng của năm 2024. Giới phân tích cũng đã có cảnh báo về những “biến số” có thể làm gia tăng áp lực tỷ giá trong năm 2025.

Tỷ giá năm 2024 ghi nhận biến động rất mạnh với nhiều kỷ lục mới được thiết lập, khiến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khó khăn hơn. 

Tỷ giá thêm lần thử thách cuối năm

Tỷ giá nổi sóng lần đầu tiên vào tháng 4 và kéo dài sang tháng 5 khi chỉ số DXY đã kiểm định lại mốc 105 - 106 và kéo theo tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng vọt, tăng gần 5% so với đầu năm, buộc NHNN phải có động thái bán ngoại tệ để can thiệp thị trường.

Bước sang quý III, tỷ giá đảo chiều trở về mức “đáy” của quý I, rồi bất ngờ tăng vọt vào quý IV, và đặc biệt biến động mạnh trong 2 tuần cuối năm.

Ngày 25/12, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.320 VND/USD, tăng 12 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN là 23.400 - 25.450 VND/USD (mua vào - bán ra).

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá tăng mạnh chiều bán ra. Vietcombank, BIDV cùng tăng giá mua 13 đồng so với phiên giao dịch sáng hôm trước, lên lần lượt 25.207 đồng và 25.241 đồng; giá bán ra là 25.536 đồng - một trong những mốc “lịch sử” từ trước tới nay.

-4038-1735118349.jpg

Một số ý kiến cho rằng áp lực tỷ giá trong năm 2025 sẽ có chút "dễ thở" hơn.

Tính tới cuối tháng 12/2024, tỷ giá trong nước tăng khoảng 4,5%. Việc tỷ giá căng thẳng trong bối cảnh xuất nhập khẩu cuối năm tăng cao đang gây sức ép lớn cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, tuần từ ngày 16-23/12, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng 53.223 tỷ đồng, ở 3 kỳ hạn: 7 ngày (19.443 tỷ đồng), 14 ngày (24.500 tỷ đồng) và 28 ngày (5.580 tỷ đồng). Lãi suất ở 3 kỳ hạn đều cố định ở mức 4%/năm.

Ở chiều ngược lại, sau 4 ngày liên tiếp cho ngân hàng thương mại vay cố định 1.000 tỷ đồng/ngày ở kỳ hạn 7 ngày, nhà điều hành đã tăng cường cho vay qua kênh cầm cố kỳ hạn 14 ngày trong phiên cuối tuần 20/12 và đầu tuần 23/12 với khối lượng lần lượt 10.000 tỷ đồng và 20.000 tỷ đồng.

Theo ước tính của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect, NHNN đã phải bán ra khoảng 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.

Ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree, cũng cho rằng có xấp xỉ 2 tỷ USD bán ra trong 3 phiên từ thứ Tư đến thứ Sáu. Chênh lệch giữa lãi suất bằng VND và USD vẫn sẽ là nguyên nhân gây áp lực rất lớn đến tỷ giá. Trường hợp áp lực trên tiếp tục duy trì, các giải pháp NHNN có thể đưa ra hoặc là phải tăng lãi suất hoặc bán USD ra thị trường. Trong khi Chính phủ muốn duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, lựa chọn hiện tại là bán USD từ nguồn dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, với tốc độ bán USD tuần qua, ông Khang cho rằng dư địa để NHNN tiếp tục bảo vệ tỷ giá sẽ không còn nhiều. Theo số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan, với kim ngạch nhập khẩu đến ngày 14/12 đạt gần 361 tỷ USD, giá trị bình quân mỗi tuần nhập khẩu 7,35 tỷ USD. Trong khi theo tiêu chí đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô dự trữ ngoại hối phải tương đương từ 12 - 14 tuần nhập khẩu.

Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, dự trữ ngoại hối đang có nhiều thuận lợi như: trong giai đoạn trước Tết Nguyên đán, nguồn cung kiều hối thường tương đối mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất siêu đến 14/12 đạt 23,4 tỷ USD, cả năm dự kiến đạt trên 23,5 tỷ USD. Hoạt động xuất nhập khẩu khá tích cực với kim ngạch cả năm dự kiến sẽ xác lập kỷ lục mới. 

Tỷ giá liệu có dễ thở hơn trong năm 2025?

Có thể nói năm 2024 là một năm áp lực với tỷ giá, và đang có một số luồng ý kiến cho rằng áp lực tỷ giá trong năm 2025 sẽ có chút "dễ thở" hơn.

Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, tỷ giá dự kiến vẫn sẽ là một yếu tố cần theo dõi trong giai đoạn cuối năm 2024 và xuyên suốt năm 2025 khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm đáng kể. Dự trữ ngoại hối đã duy trì ở mức khoảng 2,4 tháng nhập khẩu tính đến tháng 8/2024, thấp hơn khuyến cáo 3 tháng của IMF.

Nguồn dự trữ ngoại tệ thấp cho thấy bộ đệm dùng cho việc can thiệp tỷ giá đã không còn dồi dào như trước, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho hay.

Tuy nhiên, trong năm 2025, các đợt cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ tạo điều kiện phù hợp cho NHNN trong hoạt động để tái tích lũy nguồn dự trữ ngoại hối và có thêm dư địa để hạ lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam, thặng dư thương mại tăng cũng là yếu tố hỗ trợ cho việc tăng dự trữ ngoại hối của nhà điều hành.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường tại VPBankS Research dự báo, tỷ giá năm 2025 sẽ tăng khoảng 3%, tức biến động nhẹ hơn năm nay.

Dù vậy, giới phân tích cũng cảnh báo về những “biến số” có thể gia tăng áp lực tỷ giá trong năm 2025. Đó là, tỷ giá trong nước tăng còn do nguyên nhân đầu cơ ngoại tệ, nếu chênh lệch lãi suất USD và VND tăng cao.

Ông Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho hay, tỷ giá trong những năm qua chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới.

Giai đoạn trước, Việt Nam đã giải quyết tương đối tốt vấn đề thâm hụt thương mại, với thặng dư thương mại mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chênh lệch lãi suất lại nổi lên như một yếu tố gây bất ổn tỷ giá, do hiện tượng dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, nhà điều hành cần theo dõi sát sao chênh lệch lãi suất giữa VND và USD để có giải pháp can thiệp kịp thời.

Thanh Hoa

Lượt xem: 4
Tác giả: Tỷ giá thêm lần thử thách cuối năm