Trung ương thiếu vốn, Bộ trưởng GTVT tư vấn Bắc Giang lấy tiền bán vải xây cầu

Cầu Cẩm Lý bắc qua sông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) là cây cầu duy nhất trên cả nước có đường bộ và đường sắt đi chung với nhau. Được xây dựng từ năm 1979 nhưng đến nay vẫn đang phải "gồng mình" cho hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn đi qua.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đã đề cập đến việc Bắc Giang còn 2 nút thắt giao thông mà cử tri đã phản ánh qua nhiều kỳ Quốc hội.

Một là cầu Cẩm Lý, được xây dựng từ năm 1979 có đường sắt đi chung với đường bộ duy nhất ở miền Bắc hiện nay, tuổi đời đã trên 40 năm, trên Quốc lộ 37. Đây là tuyến huyết mạch nối giữa Lạng Sơn, Bắc Giang với Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Đại biểu Lâm cho biết, hiện nay lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn, thường xuyên ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, có nguy cơ xảy ra thảm họa. "Dự án đang trong danh mục các dự án khẩn cấp được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có vốn bố trí cho dự án", đại biểu nói. 

Nút thắt thứ hai là cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đi vào hoạt động từ tháng 1/2016, đây là tuyến huyết mạch nối cửa khẩu hữu nghị với các tỉnh phía Bắc có lưu lượng rất lớn, tuy nhiên thường xuyên ùn tắc ở 2 cây cầu Như Nguyệt và Xương Giang. Lý do là 2 cây cầu này chỉ mới có hai làn xe.

Cầu Như Nguyệt hiện đã được Bắc Giang đầu tư mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương vào năm 2022 và tới đây sẽ hoàn thành trong tháng 6. Tuy nhiên tình trạng ùn tắc của các tuyến cao tốc sẽ vẫn tiếp tục diễn vì cầu Xương Giang chưa được mở rộng.

Đại biểu Trần Văn Lâm đã đặt vấn đề việc 2 nút thắt trên liệu có giải quyết trong nhiệm kỳ này hay không?

Liên quan đến cầu Cẩm Lý, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết việc cần sớm đầu tư để nâng cấp, mở rộng cầu này là rất hợp lý, bởi vì lưu lượng bây giờ đi lại qua cầu này rất cao, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn cũng lớn.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tư công trung hạn 2021-2025, Bộ đã đề xuất đưa vào bổ sung nguồn vốn đầu tư công, nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa bố trí được. "Bộ Giao thông Vận tải đã tính đến phương án làm việc với với các tổ chức quốc tế, cụ thể ở đây là EDCF để bố trí nguồn lực nhưng cuối cùng không thành công", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Thông báo số 199 và yêu cầu tỉnh Bắc Giang phối hợp với các Bộ, trong đó có Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, v.v. để thu xếp, bố trí nguồn vốn ODA triển khai nghiên cứu đầu tư cho phù hợp.

"Trường hợp thật sự cấp bách cần phải triển khai ngay thì tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn. Có 2 lựa chọn rất rõ ràng: một là nếu cấp thiết quá mà tỉnh có nguồn, mà đợt này giá vải lại đắt, có thể Bắc Giang dành một phần ngân sách để làm", Bộ trưởng gợi ý.

Còn trường hợp không còn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ để giải quyết vấn đề này của Bắc Giang.

Lượt xem: 4
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật