Triển vọng thị trường dầu ra sao sau khi OPEC+ siết chặt nguồn cung?
Theo các chuyên gia, giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 81,13 USD/thùng trong năm nay, giảm nhẹ so với mức đồng thuận trung bình 81,44 USD/thùng trong cuộc thăm dò thực hiện hồi tháng 1/2024.
Cơ sở khai thác dầu Aramco ở Riyadh, Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Giá dầu thô giao kỳ hạn trên thị trường thế giới tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 2/2024, do thị trường dự đoán Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+, sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, trong khi dữ liệu lạm phát mới nhất không nằm ngoài dự báo.
Động lực thúc đẩy đà tăng
Kể từ đầu năm 2024 tới nay, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) đã tăng khoảng 9%, còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng hơn 8%, sau khi chứng kiến sự khởi đầu năm mới đầy biến động.
Thậm chí, giá của hợp đồng dầu giao ngay đang giao dịch ở mức cao hơn so với các hợp đồng giao kỳ hạn, vốn được coi là dấu hiệu của thị trường dầu đang thắt chặt.
Mặc dù lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng tuần thứ 5 liên tiếp, song nhu cầu lớn hơn dự kiến từ châu Á cùng với kỳ vọng OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng sau tháng 3/2024 đã giúp duy trì giá dầu thô ở mức cao trong thời gian qua.
Bà Rebecca Babin, nhà kinh doanh năng lượng cấp cao của Mỹ tại CIBC Private Wealth, nói với Yahoo Finance: “OPEC+ sẽ rất chậm trong dỡ bỏ việc cắt giảm sản lượng. Tôi không nghĩ OPEC+ sẽ vội vàng đưa ra quyết định này trừ khi thị trường cho thấy lượng dầu tồn kho giảm mạnh và dầu Brent ở gần mức 90 USD/thùng. Điều này sẽ khiến thị trường thắt chặt hơn so với hầu hết các nhà phân tích đưa ra vào thời điểm này.”
OPEC+ đã cắt giảm sản lượng tổng cộng hơn 2 triệu thùng mỗi ngày. Phần lớn trong số đó là sự cắt giảm đơn phương từ Saudi Arabia.
Không nằm ngoài dự đoán, ngày 3/3, OPEC+ thông báo gia hạn chính sách giảm sản xuất tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày đến hết quý 2.
Quyết định này nhằm hỗ trợ thị trường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức và nguồn cung ngoài OPEC+ tăng lên.
Nhu cầu dầu thô cho năm 2024 cũng có thể tăng khi Trung Quốc tiếp tục kích thích nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao của BOK Financial, cho biết mặc dù kho dự trữ dầu thô đã tăng và sản lượng dầu thô ngoài OPEC đã được ghi nhận ở mức gần cao kỷ lục, nhưng nhu cầu toàn cầu vẫn lớn hơn dự kiến, đặc biệt là từ châu Á và chủ yếu là Ấn Độ.”
Ngoài ra, các nhà giao dịch đã phản ứng với diễn biến “nóng” tại Trung Đông trong hai tháng qua.
Lực lượng Houthi đã nhắm mục tiêu vào các tàu dọc Biển Đỏ, khiến các tàu chở dầu lớn phải tránh khu vực nối với Kênh đào Suez, con đường quan trọng giữa châu Á và châu Âu.
Các nhà phân tích đang theo dõi bất kỳ tác động nào đến eo biển Hormuz, nằm giữa Oman và Iran. Tuyến đường thủy này được coi là một trong những điểm nghẽn dầu lớn nhất thế giới.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: “Mặc dù sự gián đoạn vận chuyển đang diễn ra ở Biển Đỏ do căng thẳng leo thang ở Trung Đông chỉ có tác động khiêm tốn đến giá năng lượng, song việc đóng cửa eo biển Hormuz có thể sẽ tác động đáng kể hơn đến giá năng lượng và có khả năng làm giảm tăng trưởng toàn cầu”.
Những dự báo trái chiều
Cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích do Reuters tiến hành hàng tháng cho thấy nguồn cung đầy đủ và dòng chảy thương mại dầu không bị gián đoạn bất chấp xung đột ở Trung Đông sẽ giữ giá dầu gần ngưỡng 80 USD/thùng trong năm nay.
Cuộc thăm dò của Reuters cũng cho thấy các nhà phân tích và kinh tế tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ dự báo về mức giá trung bình của hai loại dầu chuẩn được giao dịch nhiều nhất là Brent và WTI trong tháng thứ tư liên tiếp.
Theo các chuyên gia, giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 81,13 USD/thùng trong năm nay, giảm nhẹ so với mức đồng thuận trung bình 81,44 USD/thùng trong cuộc thăm dò thực hiện hồi tháng 1/2024.
Đối với WTI, các nhà phân tích được khảo sát dự đoán mức giá trung bình sẽ là 76,54 USD/thùng trong năm 2024, giảm so với mức 77,26 USD/thùng dự kiến trong cuộc thăm dò tháng Một.
Theo dự đoán của công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,9 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay, gần với mức ước tính của OPEC.
Phó chủ tịch nghiên cứu dầu mỏ của Wood Mackenzie, ông Alan Gelder, dự đoán giống như hầu hết các nhà dự báo khác, rằng phần lớn sự gia tăng đó sẽ đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Các dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2024 có sự khác biệt đáng kể, phản ánh những quan điểm trái ngược nhau về tốc độ thế giới sẽ chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
OPEC tin rằng việc sử dụng dầu sẽ tiếp tục tăng trong hai thập kỷ tới, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đại diện cho các nước công nghiệp phát triển, dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030.
Dự đoán của Wood Mackenzie về tăng trưởng nhu cầu vào năm 2025 thấp hơn ở mức 1,4 triệu thùng/ngày.
OPEC dự kiến nhu cầu sẽ tăng trưởng 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025, trong khi IEA dự kiến sẽ công bố dự đoán về nhu cầu dầu năm 2025 vào tháng 4/2024.
Nhà phân tích trong lĩnh vực dầu mỏ Hunter Kornfeind thuộc công ty tư vấn Rapidan Energy nhận định rủi ro chính đối với thị trường dầu mỏ thế giới trong trung hạn sẽ là thiếu sự gắn kết trong OPEC.
Ông Kornfeind cũng cho rằng Saudi Arabia, nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu trong OPEC, đang có những ưu tiên khác có thể ngăn nước này tăng nguồn cung - động thái có thể khiến giá dầu và lợi nhuận từ dầu mỏ giảm.
Nhà phân tích trong lĩnh vực dầu mỏ Homayoun Falakshahi thuộc công ty nghiên cứu Kpler cho rằng Saudi Arabia có rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai vào cuối thập niên này như Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á 2029, Hội chợ Triển lãm thế giới 2030 (World Expo 2030), World Cup 2034, những hoạt động cần rất nhiều tiền và ngân sách của đất nước này vốn phụ thuộc vào dầu mỏ.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đang chịu tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng nợ và tăng trưởng yếu sau đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu giảm sút.
Nhà giao dịch Rebecca Babin tại công ty tư vấn tài chính CIBC Private Wealth cho rằng những hoài nghi về nền kinh tế Trung Quốc sẽ là mối quan ngại lớn nhất của thị trường dầu mỏ trong năm 2024. Sau đó là việc Mỹ tiếp tục duy trì sản lượng nhưng không ở mức tăng vọt như năm ngoái.
Tuy nhiên, nhà phân tích Falakshahi dự báo nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc vẫn sẽ tăng trưởng hàng năm, dù mức tăng không nhiều./.