Gót chân Achilles của ngành sầu riêng và bài toán công nghệ để đảm bảo chất lượng

Sầu riêng Việt Nam đang đứng trước cơ hội khi cánh cửa thị trường tỷ dân Trung Quốc rộng mở. Tuy nhiên, đằng sau những lô hàng xuất khẩu đầy hy vọng là một "gót chân Achilles" tiềm ẩn nguy cơ cản trở sự phát triển bền vững, đó chính là sự thiếu hụt công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ canh tác đến sau thu hoạch, đang khiến chất lượng quả sầu riêng khó đảm bảo, tạo ra rào cản không nhỏ trên hành trình chinh phục thị trường khắt khe này của HTX, doanh nghiệp.

Một vấn đề hiện nay đó chính là quy trình canh tác sầu riêng vẫn còn lạc hậu và thiếu chính xác, khó truy xuất được nguồn gốc và bảo đảm được chất lượng.

Những "điểm nghẽn" công nghệ

Bên cạnh những HTX đầu tư hệ thống giám sát và quản lý thông minh như HTX công nghệ số Bình Dương, HTX Krông Pắc… thì phần lớn nông dân và nhiều HTX vẫn canh tác theo kinh nghiệm truyền thống, thiếu các công cụ và hệ thống giám sát hiện đại về điều kiện môi trường (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng), dinh dưỡng cây trồng, tình hình sâu bệnh. Điều này dẫn đến việc khó kiểm soát chất lượng quả từ gốc, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan và khó dự đoán năng suất.

Như HTX Nông nghiệp Ko Siêr (Đắk Lắk) đang gặp khó khăn trong việc áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật do trên vườn của thành viên hiện có nhiều giống sầu riêng và trồng xen canh, dù vùng trồng sầu riêng của HTX có diện lớn và có tiềm năng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thường dựa trên kinh nghiệm hoặc khuyến cáo chung chung, dẫn đến nguy cơ lạm dụng, gây tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép, một trong những "lằn ranh đỏ" của thị trường Trung Quốc. Công nghệ tưới tiêu tiết kiệm và chính xác cũng chưa được áp dụng rộng rãi, ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều của cây và chất lượng quả.

-4763-1747642171.jpg

Muốn bảo đảm được chất lượng xuất khẩu, cần ứng dụng công nghệ vào các khâu của chuỗi sầu riêng.

Theo các chuyên gia, việc thiếu dữ liệu về quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, tình hình dịch bệnh, chất lượng đất đai khiến cho việc đưa ra các quyết định canh tác kịp thời và chính xác trở nên khó khăn. Nông dân và HTX không có cơ sở khoa học vững chắc để tối ưu hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng quả.

Chuyên gia kỹ thuật sầu riêng Huỳnh Văn Quới cho biết hiện nay, nông dân sản xuất sầu riêng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khâu thu hoạch sầu riêng của các nhà vườn phần lớn dựa vào kinh nghiệm thủ công và thiếu đồng đều. Vấn đề xác định độ chín của quả sầu riêng cũng thực hiện bằng cảm tính, kinh nghiệm dẫn đến tình trạng thu hoạch quả chưa đủ độ chín hoặc quá chín, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khi xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đòi hỏi độ chín đồng đều để đảm bảo hương vị và thời gian bảo quản tối ưu.

Việc thu hoạch và vận chuyển sầu riêng cũng thường được thực hiện thủ công, dễ gây dập nát, trầy xước vỏ, tạo điều kiện cho vi sinh vật xâm nhập và làm giảm chất lượng quả. Các quy trình làm sạch, phân loại và đóng gói còn thiếu tính chuyên nghiệp và đồng bộ.

Phần lớn sầu riêng sau thu hoạch chưa được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng, dẫn đến quá trình chín tiếp tục diễn ra nhanh chóng, làm giảm thời gian bảo quản và giảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng Trung Quốc. Việc thiếu các kho lạnh đạt tiêu chuẩn ngay tại vùng trồng và các điểm tập kết cũng chính là một bất lợi lớn trên con đường xuất khẩu.

Chậm trễ đồng nghĩa đánh mất cơ hội

Sự thiếu hụt công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng khi xuất khẩu mà còn mang đến nhiều hệ lụy khác. Bởi sầu riêng Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, những nước đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ trong chuỗi giá trị sầu riêng. Và khi chất lượng không đảm bảo có thể dẫn đến việc bị đối tác Trung Quốc trả hàng, gây thiệt hại kinh tế lớn cho HTX, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hiện, ngành sầu riêng Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn, xuất khẩu chậm bởi bị kẹt giữa những đợt tái kiểm 100% tại cửa khẩu. Chính vì vậy mà việc tiêu thụ sầu riêng của người dân đang không thuận lợi, giá sầu riêng ở nhiều địa phương đang không cao.

Để giải quyết bài toán này, cần có một chiến lược tổng thể và sự đầu tư đồng bộ vào công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị sầu riêng.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), ngành sầu riêng trong nước có thể tham khảo kinh nghiệm vượt qua khó khăn của Thái Lan. Vị này cho biết, Thái Lan hiện có số lượng lớn sầu riêng được thông quan hàng ngày tại các cửa khẩu Trung Quốc, với tỷ lệ rất nhỏ bị trả về do vấn đề tồn dư hóa chất. Chính tỷ lệ vi phạm thấp ấn tượng này đã tạo cơ sở vững chắc để chính phủ Thái Lan tiến hành đàm phán và đạt được những ưu thế nhất định từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Đặc biệt, Thái Lan chú trọng ứng dụng công nghệ và kiểm soát chất lượng từ đầu đến cuối của quy trình sản xuất, xuất khẩu. Ngay như khâu kiểm tra độ chín, thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm, các cơ sở ở Thái Lan đã sử dụng các thiết bị đo độ khô (dry matter) để xác định chính xác thời điểm thu hoạch sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu. Thái Lan đã quy định độ khô tối thiểu cho sầu riêng xuất khẩu và liên tục nâng cao tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, các dây chuyền phân loại và đóng gói hiện đại giúp Thái Lan lựa chọn những trái sầu riêng đồng đều về kích thước, trọng lượng và chất lượng, đồng thời đóng gói nhanh chóng, giảm thiểu hư hỏng.

Trong khi ngành sầu riêng của Việt Nam đang thiếu hụt việc ứng dụng công nghệ theo chuỗi. Quy trình canh tác thủ công có thể dẫn đến việc sử dụng không kiểm soát các loại thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến không bảo đảm chất lượng xuất khẩu theo yêu cầu.

Quá trình vận chuyển sầu riêng từ vùng trồng đến cửa khẩu và sau đó đến các thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc thường kéo dài, nếu không được thực hiện trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm kiểm soát, chất lượng quả sẽ suy giảm đáng kể. Nhưng hiện nay, việc sử dụng các container lạnh và hệ thống giám sát nhiệt độ trong quá trình vận chuyển sầu riêng Việt Nam còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Quân, đại diện một doanh nghiệp máy sấy cho biết, đã có lô sầu riêng rỗng ruột bị trả về. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nếu không sẽ khiến nông dân, HTX, doanh nghiệp rơi vào cảnh tự làm khó mình.

Bởi từ khâu thu hoạch đến xử lý sau thu hoạch nếu cứ thủ công, thiếu kiểm soát thì rất dễ gặp sự cố. Ngược lại, đầu tư vào công nghệ hiện đại không chỉ giúp nâng cao chất lượng mà còn là cách bảo vệ uy tín thương hiệu và giữ thị trường về lâu dài. Ngay khâu chọn sầu riêng, không chỉ cần chọn quả ngon mà phải minh bạch được nguồn gốc và làm đúng kỹ thuật. Muốn vậy, cần đầu tư vào các công nghệ hiện đại như Blockchain, AI, IoT với các máy móc tiên tiến.

Còn trong thu hoạch, nếu chỉ nhìn bên ngoài thì quả sầu riêng nào cũng xanh, cũng đẹp. Chỉ khi bổ ra hoặc dùng công nghệ kiểm tra như “soi X-quang” mới biết được ruột bên trong như thế nào. Vậy nên, mua sầu riêng, xuất khẩu sầu riêng hiện không chỉ cần kinh nghiệm mà còn cần sự minh bạch từ người sản xuất, người bán thông qua công nghệ tiên tiến.

Theo ông Nguyễn Văn Quân, thực trạng đang diễn ra của ngành hàng này đó là “sầu chung” chứ không còn là “sầu riêng” vì người tiêu dùng thì lo lắng về chất lượng, người dân-HTX trồng thật thì bị vạ lây. Chỉ vì một số người làm ăn gian dối, không bảo đảm theo quy trình mà cả ngành bị mang tiếng. Do đó, ai cũng cần nhìn lại để cùng nhau giữ chữ “riêng” - riêng chất lượng, riêng uy tín cho sầu riêng Việt Nam.

Bởi thị trường Trung Quốc là cơ hội vàng nhưng đầy thách thức. Thiếu công nghệ là “gót chân Achilles” kìm hãm tiềm năng xuất khẩu bền vững. Còn đầu tư và ứng dụng đồng bộ công nghệ là con đường tất yếu để sầu riêng Việt chinh phục thị trường tỷ dân, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu uy tín. Chậm trễ đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội vào tay các đối thủ.

Huyền Trang

Lượt xem: 5
Tác giả: Những "điểm nghẽn" công nghệ