Thị trường vốn toàn cầu chuyển hướng dòng tiền tới điểm đến mới

Bloomberg News đưa tin cùng với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy yếu, các nhà đầu tư đã rút hơn 1 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc, hiện nay hầu hết vốn đều chảy sang Ấn Độ.

Các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc, hầu hết vốn đang chảy sang Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường toàn cầu đang xảy ra sự thay đổi lớn, cùng với việc các nhà đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc, hầu hết vốn đang chảy sang Ấn Độ, quốc gia Nam Á này được coi là điểm đến đầu tư chủ yếu trong 10 năm tới.

Ngày 6/2, Bloomberg News đưa tin cùng với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suy yếu, các nhà đầu tư đã rút hơn 1 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc, hiện nay hầu hết vốn đều chảy sang Ấn Độ.

Quỹ phòng hộ Marshall Wace có tài sản 62 tỷ USD định vị Ấn Độ là quốc gia đặt cược mua ròng nhiều nhất chỉ xếp sau Mỹ.

Một công ty con của Ngân hàng Vontobel Hldg có trụ sở đóng ở Zurich-Thụy Sỹ đã liệt kê Ấn Độ là đối tượng đầu tư lớn nhất ở các thị trường mới nổi của mình.

Ngoài ra, tập đoàn quản lý quỹ toàn cầu Janus Henderson đang nghiên cứu mua lại các công ty quản lý quỹ, ngay cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ có truyền thống tương đối bảo thủ của Nhật Bản cũng bắt đầu theo đuổi Ấn Độ, đồng thời cắt giảm đầu tư đối với Trung Quốc.

Các ông lớn của Phố Wall như Goldman Sachs và Morgan Stanley… đều cho rằng Ấn Độ là điểm đến đầu tư chủ yếu trong 10 năm tới, trong khi 20 năm trước các nhà đầu tư phổ biến đặt cược Trung Quốc sẽ là thị trường tăng trưởng lớn nhất toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và giá trị thị trường chứng khoán của nước này luôn liên quan mật thiết với nhau. Nếu kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trên 7%, thì tốc độ tăng trưởng bình quân của quy mô thị trường ít nhất cũng sẽ đạt 7%. Trong vòng 20 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và vốn hóa thị trường của Ấn Độ tăng trưởng đồng bộ, từ 500 tỷ USD lên 3.500 tỷ USD.

Trên thị trường quỹ giao dịch của Mỹ, các quỹ chủ yếu mua cổ phiếu Ấn Độ đã nhận được dòng tiền kỷ lục trong quý 4 năm 2023, trong khi đó 4 quỹ lớn hàng đầu của Trung Quốc tổng cộng rút ra gần 800 triệu USD.

Số liệu của công ty nghiên cứu quỹ danh mục đầu tư mới nổi (EPFR) cho thấy từ năm 2022 đến nay, các quỹ trái phiếu đang hoạt động đã đầu tư 50 cent vào Ấn Độ cho 1 USD rút khỏi Trung Quốc.

Thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 1.200 tỷ USD của Ấn Độ sẽ được đưa vào chỉ số nợ toàn cầu của công ty JPMorgan Asset Management Real Assets vào tháng 6 năm nay.

Công ty quản lý tài sản của Ngân hàng HSBC cho rằng, động thái này có thể sẽ thu hút dòng vốn hơn 100 tỷ USD trong những năm tới.

Vào giữa tháng Một vừa qua, Ấn Độ từng vượt qua Hong Kong (Trung Quốc) trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 toàn cầu.

Morgan Stanley dự đoán đến năm 2030 thị trường chứng khoán Ấn Độ sẽ trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới./.

Lượt xem: 9
Tác giả: Thạch Bình
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật