Thị trường tê liệt, biệt thự nghỉ dưỡng Đà Nẵng ế nhất 5 năm qua
Trong năm 2023, biệt thự nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng và vùng phụ cận ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua và bằng 7% so với năm 2022.
Tập đoàn dịch vụ bất động sản DKRA (DKRA Group) vừa công bố Báo cáo thị trường Bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận năm 2023.
Theo DKRA Group, năm 2023, ngoại trừ phân khúc căn hộ đón nhận một số tín hiệu tích cực hơn so với năm 2022, hầu hết các phân khúc còn lại sụt giảm đáng kể về nguồn cung và sức cầu chung toàn thị trường.
Cụ thể, phân khúc đất nền ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung mới đạt khoảng 696 nền, giảm đáng kể 74% so với năm 2022.
Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 31% (khoảng 218 nền), chỉ bằng 15% so với năm trước. Giao dịch phát sinh chủ yếu trong 6 tháng đầu năm, tập trung ở nhóm sản phẩm có mức giá 44,5 – 59,5 triệu đồng/m2 (Đà Nẵng) và 10,6 – 11,3 triệu đồng/m2 (Quảng Nam).
Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức giảm trung bình 7% - 9% so với lần mở bán trước đó. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giảm trung bình 8% - 10% so với đầu năm.
Đối với thị trường căn hộ, ghi nhận 14 dự án triển khai bán hàng với nguồn cung sơ cấp toàn thị trường rơi vào khoảng 1.731 căn, tăng 29% so với năm 2022, chủ yếu phân bố tại Đà Nẵng.
Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 42%, tương đương 734 căn, tăng 66% so với năm trước.
Giao dịch tập trung ở những dự án tầm trung, mức giá từ 50 - 60 triệu đồng/m2. Giá bán sơ cấp ghi nhận tăng nhẹ 3% - 5%. Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, phần lớn người bán chủ động giảm giá phổ biến 2% - 6% so với đầu năm kỳ vọng gia tăng thanh khoản.
Phân khúc nhà phố/biệt thự ghi nhận nguồn cung sơ cấp đến từ 15 dự án, khoảng 882 căn, giảm 46% so với năm 2022.
Loại hình bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2023 tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm nguồn cung và lượng tiêu thụ ở tất cả các phân khúc. Hầu hết nguồn cung thị trường hiện nay đến từ lượng hàng tồn kho của những dự án đã mở bán trước đó.
Ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp duy trì ở mức thấp, bằng 62% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế - chiếm khoảng 86% tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường.
Sức cầu chung thị trường giảm đáng kể, ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua và bằng 7% so với năm 2022.
Ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp tiếp tục xu hướng giảm, chỉ tương đương 16% so với cùng kỳ, phần lớn đến từ dự án sơ cấp đã mở bán từ năm trước, tuy nhiên không có giao dịch nào được ghi nhận.
Phân khúc condotel trong năm 2023 ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về nguồn cung sơ cấp, chỉ bằng 61% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ lượng hàng tồn kho của các dự án cũ đã mở bán trước đó. Sức cầu chung thị trường ở mức thấp, lượng tiêu thụ chỉ bằng 3% so với năm 2022, giao dịch tập trung phần lớn ở những nhóm sản phẩm có giá bán dao động khoảng 3 - 4 tỷ đồng/căn.
Theo dự báo từ DKRA Group, nguồn cung phân khúc đất nền trong năm 2024 có thể sẽ giảm nhẹ so với năm 2023, dao động khoảng 450 - 550 nền, tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với năm 2023. Thanh khoản và mặt bằng giá thứ cấp tiếp tục đà giảm của năm 2023 đặc biệt ở nhóm dự án chưa hoàn thiện pháp lý, nhóm khách hàng có sử dụng vốn vay.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới có thể dao động ở mức 800 – 1.000 căn, tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động hoặc điều chỉnh tăng nhẹ trước áp lực các chi phí đầu vào.
Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố/biệt thự năm 2024 tiếp tục khan hiếm và tương đương năm 2023, dao động khoảng 200 - 250 căn, phần lớn đến từ giai đoạn tiếp theo của những dự án mở bán trước đó. Sức cầu chung có thể tăng nhẹ nhưng khó có sự đột biến trong ngắn hạn và tập trung hầu hết vào những dự án có pháp lý hoàn thiện.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, dự kiến nguồn cung tiếp tục duy trì ở mức thấp. Thanh khoản thị trường dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn.