Thị trường hàng hoá diễn biến trái chiều
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô đồng loạt lao dốc trong bối cảnh căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt và tâm lý thận trọng trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn. Đi ngược với xu hướng, nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận đà tăng mạnh, trong đó giá hai mặt hàng cà phê có tuần tăng ấn tượng.
Giá cà phê trải qua tuần tăng sốc
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh áp đảo trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, trong đó nổi bật nhất là hai mặt hàng cà phê.
Giá cả hai mặt hàng này có tuần tăng thứ 4 liên tiếp và xác lập thêm nhiều kỷ lục mới. Giá cà phê Arabica tăng hơn 5% lên 7.011 USD/tấn, có thời điểm chạm mức cao nhất trong 47 năm; giá cà phê Robusta đã từng vượt mốc 5.500 USD/tấn, thiết lập đỉnh lịch sử mới. Yếu tố đầu cơ kết hợp cùng lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất chính vẫn là những nguyên nhân quan trọng hỗ trợ giá.
Yếu tố đầu cơ tiếp tục được đẩy mạnh, một phần do sự dịch chuyển dòng tiền từ các thị trường trú ẩn sang các kênh đầu tư sinh lời như cà phê, phần khác đến từ kỳ vọng nguồn cung từ các nước sản xuất cà phê lớn chưa có sự cải thiện.
Thông tin cung - cầu cà phê chuyển dịch theo hướng gia tăng lo ngại về nguồn cung tại Brazil và Việt Nam. Điều này giúp gia tăng những hỗ trợ quan trọng với giá.
Lượng mưa tại Minas Gerais, bang trồng cà phê lớn nhất Brazil tiếp tục dưới mức trung bình lịch sử. Somar Meteorologia báo cáo lượng mưa trong tuần trước tại khu vực này chỉ ở mức 6 mm, tương đương 10% mức trung bình lịch sử. Lượng mưa quá thấp khiến thị trường lo ngại cây cà phê không thể phục hồi và phát triển toàn diện, dẫn đến sản lượng giảm mạnh so với vụ hiện tại. Trước đó, vùng trồng cà phê chính của Brazil đã trải qua giai đoạn khô hạn lịch sử kéo dài, khiến giới phân tích đồng loạt giảm dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2025 - 2026 cũng như niên vụ 2024 - 2025.
Hãng tư vấn Hedgepoint trong báo cáo thị trường toàn cầu dự đoán sản lượng cà phê niên vụ 2025 - 2026 của Brazil vào khoảng 65,2 triệu bao. Trong đó, sản lượng cà phê Arabica dự kiến ở mức 42,6 triệu bao loại 60kg, giảm nhẹ 1,4% so với vụ trước. Đơn vị này cũng cho biết dự báo có thể thay đổi dựa vào tình hình thời tiết thời gian tới.
Tại Việt Nam, hoạt động thu hoạch đã vào chính vụ nhưng nông dân chưa đẩy mạnh bán ra. Reuters trong bản tin hàng tuần về cà phê châu Á cho biết nông dân Việt Nam đã thu hoạch khoảng 30% sản lượng nhưng chưa bán nhiều vì đang trong quá trình phơi khô. Trước đó, Tổng cục Hải quan công bố lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11/2024 của nước ta chỉ đạt 20.933 tấn, giảm lần lượt 45% và 3% so với cùng kỳ năm 2023 và cùng kỳ tháng trước. Khối lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu tháng 11/2024 thấp hơn tháng 10/2024 phản ánh tình trạng chậm trễ trong hoạt động xuất khẩu.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (ngày 2/12) ghi nhận ở mức 129.500 - 130.500 đồng/kg, giảm nhẹ 200 đồng/kg so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê hiện đã tăng hơn gấp đôi.
Giá dầu thô lao dốc khi căng thẳng Trung Đông hạ nhiệt
Theo MXV, giá các mặt hàng dầu thô đồng loạt lao dốc trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại Trung Đông có dấu hiệu hạ nhiệt và tâm lý nghe ngóng của thị trường trước ngày OPEC+ họp bàn chính sách về sản lượng.
Giá dầu thô WTI giảm tới 4,55% trong tuần vừa rồi xuống còn 68 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 2,97% xuống dưới 73 USD/thùng.
Tại Trung Đông, Israel và nhóm vũ trang Hezbollah đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 27/11. Điều này giúp xoa dịu tâm lý lo ngại của thị trường về khả năng nguồn cung dầu thô từ khu vực này bị gián đoạn do chiến tranh đã gây áp lực lớn lên giá dầu trong tuần trước.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng giao dịch với tâm lý thận trọng, khi chờ đợi cuộc họp chính sách tháng 12/2024 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh (OPEC+). Tuần trước, OPEC+ thông báo sẽ lùi cuộc họp chính sách sang ngày 5/12, thay vì ngày 1/12 dự kiến ban đầu. Các nguồn tin cho biết, một số thành viên của OPEC+ đang thảo luận về việc tiếp tục trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng cho tới hết quý I/2025, do lo ngại nhu cầu tăng trưởng chậm trong khi nguồn cung dầu thô bên ngoài khối gia tăng.
Ngoài ra, dữ liệu tiêu cực về tồn kho nhiên liệu tại Mỹ cũng góp phần tác động “bearish” (giảm giá) lên giá dầu thô. Cụ thể, theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của nước này trong tuần kết thúc ngày 22/11 đạt 428,4 triệu thùng, giảm 1,8 triệu thùng so với một tuần trước. Tuy nhiên, mức giảm tồn kho chủ yếu do Mỹ nhập khẩu ít dầu hơn, khi nhập khẩu ròng dầu thô của nước này đạt trung bình 1,4 triệu thùng/ngày trong tuần đánh giá, giảm 1,9 triệu thùng/ngày so với tuần trước. Bên cạnh đó, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất trong tuần đánh giá tăng lần lượt 3,31 và 0,42 triệu thùng so với một tuần trước cho thấy nhu cầu nhiên liệu của Mỹ có sự sụt giảm.