Thị trường hàng hiệu Việt Nam nằm trong tay số ít ông lớn

Hầu hết công ty phân phối hàng xa xỉ tại Việt Nam đều giảm sút doanh số đáng kể trong năm 2023.

Theo thông tin từ báo cáo thị trường hàng xa xỉ của Vietdata, doanh số ngành hàng này trên toàn cầu suy giảm đáng kể trong năm 2023. Các nhà mốt trên thế giới, từ LVMH của Pháp đến Prada của Ý, đều ghi nhận tăng trưởng doanh số giảm tốc.

Xu hướng kinh doanh ảm đạm nói trên cũng phản ánh rõ nét ở kết quả kinh doanh các công ty chuyên phân phối hàng hiệu tại Việt Nam.

Doanh thu các doanh nghiệp phân phối đa thương hiệu hàng xa xỉ

Nguồn: Vietdata

Vietdata đưa ra một số lý giải về nguyên nhân cho giai đoạn kinh doanh suy yếu. Một mặt, về phía người mua, giới siêu giàu toàn cầu gặp khó khăn trong bối cảnh một loạt vấn đề kinh tế, chính trị biến động; mặt khác, các hãng hàng hiệu được cho là đã tăng giá quá nhanh.

Ngành công nghiệp hàng xa xỉ được giới quan sát nhận định ngày càng tập trung thu hút khách hàng siêu giàu. Các thương hiệu dường như bỏ quên tầng lớp trung lưu, trong khi phần lớn sự tăng trưởng của ngành này trong thập kỷ qua được thúc đẩy bởi người tiêu dùng trung lưu khu vực châu Á.

Đế chế hàng hiệu của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn

CTCP Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công Ty TNHH Thời Trang & Mỹ Phẩm Âu Châu (ACFC) là 2 trong số 3 đơn vị phân phối hàng loạt thương hiệu thời trang xa xỉ thuộc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Cả DAFC và ACFC đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2023.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, doanh nhân mệnh danh "vua hàng hiệu" tại Việt Nam.

Với mạng lưới 278 cửa hàng tại các trung tâm thành phố lớn, ACFC phân phối 26 thương hiệu quốc tế như Mango, Levi's, Calvin Klein, Tommy Hilfiger,... Đặc biệt, đầu năm 2024, ACFC chính thức đưa Sunnies Face - thương hiệu mỹ phẩm đình đám đến từ Philippines - về thị trường Việt Nam. Về kết quả kinh doanh, ACFC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận 2023 lần lượt giảm 5.6% và 39%.

Trong khi đó, DAFC được biết đến là công ty chuyên về các mặt hàng xa xỉ phẩm với hơn 60 thương hiệu hàng đầu thế giới. Một số thương hiệu cao cấp mà DAFC phân phối như Rolex, Versace, Montblanc, Burberry,...

Doanh thu của DAFC trong năm 2023 là 1.8 ngàn tỷ đồng, giảm 16.5%. Công ty này thậm chí ghi nhận khoản lỗ gần trăm tỷ đồng, kém xa mức lợi nhuận trên 135 tỷ đồng năm trước.

Sang năm 2024, số lượng thương hiệu mà DAFC phân phối giảm còn 38 thương hiệu, tương ứng giảm 37%. Doanh nghiệp phải thu hẹp hệ thống kinh doanh về còn 47 cửa hàng.

Tam Sơn

Ba nhà sáng lập của Tập đoàn Openasia, từ trái sang phải là ông Christian de Ruty, bà Nguyễn Thị Nhung, ông Đoàn Viết Đại Từ. Ảnh: Forbes Vietnam

CTCP Quốc Tế Tam Sơn, thành lập năm 2007, thuộc Tập đoàn Openasia. Tam Sơn là đơn vị đại diện phân phối cho các thương hiệu quốc tế nổi tiếng như Hermès, Saint Laurent, Kenzo, Boss, Hugo, Marc Jacobs, Patek Philippe,… với hệ thống 109 cửa hàng kinh doanh và trưng bày sản phẩm.

Năm 2023, bất chấp những khó khăn chung của ngành hàng xa xỉ toàn cầu, doanh thu của Tam Sơn vẫn tăng 6.5%. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp này giảm 25% theo xu hướng chung toàn ngành.

Maison International Retail

Nhà sáng lập Maison - Bà Phạm Thị Mai Son.

Cũng là đơn vị phân phối thời trang cao cấp lâu năm tại Việt Nam, Maison hiện sở hữu hơn 172 cửa hàng trên toàn quốc, phân phối 38 thương hiệu thời trang danh tiếng như Puma, Coach, Nike, MLB,...

Với sự tăng tốc trong năm 2022, quy mô doanh thu của Maison dao động trong khoảng 2.6-2.8 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2023, Maison cũng ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình chung toàn thị trường. Theo đó, doanh thu Maison giảm 4.2%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm đến 47% so với năm trước.

Bên cạnh bộ tứ ông lớn phân phối đa thương hiệu kể trên, các đơn vị phân phối độc quyền cho 1 thương hiệu cụ thể cũng ghi nhận sự sụt giảm doanh số, như Công ty TNHH Louis Vuitton Việt Nam, Công ty TNHH Chanel Việt Nam, Công ty TNHH Christian Dior Việt Nam, Công ty TNHH Gucci Việt Nam...

Doanh thu các doanh nghiệp phân phối độc quyền một thương hiệu xa xỉ

Nguồn: Vietdata

Sau 2 năm từ 2021-2022 thống trị thị trường xa xỉ Việt Nam, Louis Vuitton bất ngờ mất ngôi đầu vào tay Chanel trong năm 2023, khi doanh thu giảm sâu hơn so với đối thủ.

Trong khi đó, Christian Dior ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn so với nhiều doanh nghiệp phân phối độc quyền khác, khi doanh thu chỉ giảm 9.5% trong năm 2023. Đây cũng là đơn vị ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất trong phân khúc phân phối độc quyền thương hiệu. Christian Dior hiện sở hữu mạng lưới 8 cửa hàng tại Hà Nội, Hội An và TPHCM, bao gồm Christian Dior Couture Boutiques và Parfums Christian Dior Boutiques.

Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp phân phối hàng xa xỉ

Nguồn: Vietdata

Sự sụt giảm sức mua trên thị trường xa xỉ vẫn đang được kỳ vọng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Vietdata dẫn đánh giá mới đây của Savills cho rằng thị trường hàng xa xỉ đã đi qua vùng đáy và đang cho thấy tín hiệu phục hồi nhờ sự quay trở lại của khách du lịch quốc tế và xu hướng lạm phát giảm. Tuy nhiên, diễn biến tại mỗi quốc gia, khu vực khá khác biệt.

Tại châu Âu, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng cao cấp vẫn đang đối mặt thách thức khi chi phí mặt bằng quá cao và doanh số giảm. Những khách hàng giàu có và sẵn sàng chi những khoản tiền lớn cho thú vui mua sắm lại ngày một vắng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và đặc biệt thị trường bất động sản khó khăn.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho ngành hàng này khi số người thuộc tầng lớp trung lưu và siêu giàu đang tăng nhanh.

Theo ước tính của World Data Lab, trong danh sách 9 nước châu Á được dự báo có số người gia nhập tầng lớp trung lưu lớn nhất năm 2024, Việt Nam đứng thứ 5, với 4 triệu người.

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang chiếm khoảng 17% dân số và Bộ LĐTBXH dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. Điều này lý giải cho làn sóng đổ bộ Việt Nam của loạt thương hiệu bán lẻ ngoại, theo Vietdata.

Lượt xem: 2
Tác giả: Thừa Vân
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật