Thị trường đã trải qua nhịp điều chỉnh nào trong năm 2024?
Sau một đợt tăng dài và liên tục, nhiều quan điểm trên thị trường đã đề cập nhiều hơn đến thuật ngữ “điều chỉnh”. Tuy nhiên, nhà đầu tư liệu đã sẵn sàng khi điều chỉnh xuất hiện?
Thị trường đã thực sự có nhịp điều chỉnh nào trong năm 2024?
Với 5 tháng tăng điểm liên tiếp, xu hướng tăng của VN-Index đã được xác nhận và cũng giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất khu vực châu Á trong quý 1/2024.
Tuy nhiên, cũng chính bởi nguyên nhân này, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư trên thị trường đã cùng đưa ra chung một quan điểm là thị trường sẽ có thể cần một nhịp "điều chỉnh" để có thể đi tiếp.
Dường như khái niệm về "điều chỉnh" đang được sử dụng có phần khá dễ tính và chưa có sự thống nhất trong giới đầu tư. Thực thế, Correction hay còn gọi là điều chỉnh được các chuyên gia phân tích kỹ thuật được định nghĩa là một sự suy giảm của một cổ phiếu hay một chỉ số chứng khoán với biên độ trên 10% và dưới 20% từ đỉnh gần nhất.
Vì vậy, nhịp giảm của chỉ số VN-Index trong năm 2023 vừa qua, giai đoạn từ tháng 9 đến đầu tháng 11 dù khá khốc liệt nhưng thực tế chỉ là một nhịp điều chỉnh trong một năm tăng. Theo thống kê, mức giảm từ đỉnh của năm 2023 xuống mức thấp nhất (Drawdown) là 18.7% trong khi đó tính chung cả năm chỉ số vẫn tăng 12.2%.
Nhịp giảm khốc liệt gần nhất của VN-Index từ tháng 9-11/2023 đáp ứng tiêu chí của điều chỉnh |
Còn với năm 2024, tính đến hết quý 1/2024, VN-Index đã tăng được 13.6% và Drawdown tối đa đo được mới là 4.4%. Điều này cho thấy, thị trường chưa hết xuất hiện một nhịp điều chỉnh nào, thay vào đó chủ yếu chỉ là những nhịp thoái lui hay rung lắc để tiếp tục đi lên.
Nhà đầu tư cần thận trọng với điều ước của bản thân
Giống như mọi loại tài sản, cổ phiếu hay các chỉ số chứng khoán cũng không thể tăng mãi nên không thể tránh khỏi xuất hiện những kỳ vọng về sự hạ nhiệt. Tuy nhiên, xu hướng tăng cũng có thể kéo dài hơn sự tưởng tượng của nhà đầu tư dẫn đến hành vi đoán đỉnh của thị trường cũng là nhiệm vụ bất khả thi tương tự với việc đoán đáy.
Bên cạnh đó, việc không phân định rạch ròi giữa một nhịp giảm nhẹ hay điều chỉnh cũng có thể dẫn đến những hành động sai lầm như chốt lãi sớm hoặc bắt đáy quá sớm.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần tham khảo về lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam để có góc nhìn khách quan hơn về sự điều chỉnh trong những năm có uptrend.
Cụ thể, kể từ năm 2012 cho đến nay, thị trường đã có tổng cộng 11 lần tăng và xuất hiện mức giảm trên 10% trong 8/11 lần. Thậm chí, đã có tới 4 lần, chỉ số VN-Index vượt qua ranh giới điều chỉnh 20% để bước vào thị trường con gấu (bear market) là các năm 2012, 2014, 2015, 2020 với Drawdown tối đa đo được là 24.4%, 20.4%, 20.3% và 34.5%.
Nếu tách riêng năm 2020 - được xem là bất thường (do xuất hiện sự kiện Thiên nga đen là COVID-19), thị trường vẫn cho thấy tính chất khốc liệt cao khi hiện tượng điều chỉnh xuất hiện.
Bất chấp đó là những năm tăng điểm, nhà đầu tư hoàn toàn vẫn có thể chứng kiến một số khoản đầu tư có thể thiệt hại sâu hơn cả chỉ số trong một số thời điểm bởi đặc điểm của thị trường Việt Nam chịu sự chi phối của dòng tiền nhà đầu tư cá nhân.
Những sự kiện trong lịch sử thị trường như sự kiện bầu Kiên (2012), giàn khoan Hải Dương 981 (2014) hay gần hơn là phát hành tín phiếu và tin đồn hạ margin của một CTCK lớn (2023) thực tế chỉ là những điểm kích hoạt dẫn đến sự hoảng loạn của dòng tiền, qua đó dẫn đến hiện tượng giảm sâu.
Quay trở lại với trạng thái hiện tại của VN-Index sau quý 1/2024, cần phải khẳng định rằng nhịp điều chỉnh vẫn chưa hề xuất hiện nhưng đã có dấu hiệu chững lại sau 5 tháng tăng liên tiếp.
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC, thị trường đã có những cơ hội rất tốt để vượt hẳn vùng kháng cự mạnh quanh 1,300 điểm nhưng cuối cùng dòng tiền vẫn không lan tỏa đủ mạnh.
Tín hiệu dòng tiền theo phân tích kỹ thuật cũng cho thấy sự suy yếu rõ hơn với sự phân kỳ của nhiều chỉ báo, cho thấy rủi ro nhiều hơn cơ hội. Tuy nhiên, thị trường chưa tới điểm kích hoạt sự đảo chiều và bán tháo mạnh.
Theo ông Huy, trong mùa KQKD quý 1/2024 và ĐHĐCĐ thường niên 2024, dòng tiền sẽ xoay quanh những cổ phiếu cụ thể có tin và diễn biến theo ngành có thể không rõ nét. Nhìn chung, dòng tiền vẫn chưa suy yếu quá nhiều, nhưng với ngành nào cũng vậy, cổ phiếu nào cũng vậy, cần cân nhắc hết sức rủi ro và lợi nhuận.