Thị trường chứng khoán manh nha xuất hiện nhịp điều chỉnh mới?

Mặc dù VN-Index vẫn trong chuỗi đi lên, song nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận đã dâng cao khi áp lực bán bắt đầu gia tăng trên diện rộng, và khởi đầu mùa báo cáo tài chính quý III không mấy khả quan như dự báo trước đó của các chuyên gia.

Phiên 13/10 ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp của VN-Index, lên mức 1.154,73 điểm, nhưng thanh khoản chỉ đạt gần 14.000 tỷ đồng, giảm so với phiên trước đó.

Khả năng về 1.050 điểm

Diễn biến 2 phiên gần đây cho thấy, nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận đã dâng cao, ép chỉ số đỏ liên tục trong phiên. Theo một số chuyên gia, nói cách khác, chỉ số chính bắt đầu có dấu hiệu thoái trào khi áp lực bán đang gia tăng trên diện rộng.

-1926-1697191606.jpg

VN-Index vẫn chứng kiến chuỗi tăng giá, song nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận đã dâng cao.

Giới phân tích cho rằng thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn. Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật đã vào vùng quá mua cho thấy áp lực bán ngắn hạn có thể gia tăng trong các phiên giao dịch tới.

Trong khi đó, “sóng” kết quả kinh doanh quý III có vẻ không mang tới kỳ vọng lớn khi nhiều chuyên gia dự báo thị trường khó có thể có mùa công bố kết quả kinh doanh lạc quan trên diện rộng.

“Báo cáo quý III/2023 sẽ chưa có nhiều gam màu sáng, mà ở mức trung bình”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace nhận xét.

Trên thực tế, khởi đầu mùa báo cáo tài chính quý III không mấy khả quan khi nhiều doanh nghiệp niêm yết ghi nhận khoản lỗ lớn, tăng trưởng âm, thậm chí có công ty còn “trắng” doanh thu...

"Có thể thấy, hiện là thời điểm nhà đầu tư sẽ đánh giá lại kỳ vọng về sự phục hồi kết quả kinh doanh cũng như triển vọng trong tương lai. Vì vậy, bất kỳ tín hiệu bất lợi nào xuất hiện so với kỳ vọng trước đó cũng có thể khiến giá cổ phiếu suy giảm. Bởi, thị trường đang “bấu víu” vào mùa kết quả kinh doanh quý III để “dò đường”. Đồng thời, quý III cũng là quý bản lề để thị trường có thể đánh giá tốc độ hồi phục của lợi nhuận trong bối cảnh như hiện nay. Do đó, nhịp điều chỉnh là rất dễ xảy ra", một chuyên gia nêu vấn đề.

Theo quan sát của đội ngũ phân tích của Chứng khoán KIS,  từ tháng 7 - 9/2023, VN-Index đã xác lập mô hình hai đỉnh với hai đỉnh nằm trong vùng 1.240-1.250 điểm. Mẫu hình này được xác nhận nhờ phiên phá vỡ vào ngày 25/9 vừa qua, khi chỉ số giảm xuống dưới ngưỡng 1.160 điểm, cận dưới của mẫu hình. Điều quan trọng là sự gia tăng về khối lượng và sự phân kỳ đã củng cố độ tin cậy của mẫu hình này. Mục tiêu giá của mẫu hình được ước tính vào khoảng 1.050- 1.070 điểm.

Nhìn rộng hơn, VN-Index đang ở đáy chu kỳ 1 năm đầu tiên. Bản chất thị trường chứng khoán Việt Nam chịu chi phối bởi chu kỳ 3 năm, hàm ý về các đáy quan trọng sẽ được hình thành 3 năm một lần. Từ mức đáy thiết lập vào tháng 11/2022, đáy chu kỳ 3 năm tiếp theo dự kiến sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ năm 2025 - 2026.

Đáy của chu kỳ 1 năm dự kiến sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm nay đến tháng 1/2024. Do đó, thị trường hiện đang bước vào giai đoạn tạo đáy của chu kỳ 1 năm. Để xác nhận đáy này, trước tiên chỉ số phải giảm xuống dưới đường trung bình động MA125 và sau đó tăng lên trên đường này. Hiện tại, đường MA125 đang ở quanh mức 1.140 điểm.

“Chỉ số có thể nhanh chóng điều chỉnh về vùng 1.050-1.070 điểm, tương đương giảm gần 100 điểm từ mức điểm chốt phiên 12/10 là 1.151 điểm”, Chứng khoán KIS dự kiến.

VN-Index sẽ trở lại xu hướng tăng sau mùa báo cáo quý III?

Đó là về ngắn hạn. Còn trong trung hạn, nhiều ý kiến bảo lưu quan điểm cho rằng xu hướng tăng của thị trường vẫn được giữ nguyên do được hỗ trợ bởi các yếu tố cơ bản như nền kinh tế bắt đầu phục hồi, chính sách tiền tệ mở rộng, thúc đẩy đầu tư công và dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tăng.

Báo cáo mới đây của Dragon Capital đánh giá GDP quý III của Việt Nam tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước cho thấy đà phục hồi đang tăng trưởng cơ sở hàng quý (tăng 3,3% trong quý I, tăng 4,1% quý II). Kết quả này phần lớn nhờ vào lĩnh vực dịch vụ, với mức tăng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số bán lẻ trong quý III tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vận tải hành khách và hàng hóa tăng tương ứng 13,1% và 14,6%.

Quỹ ngoại này cho rằng kết quả kinh doanh quý III sơ bộ thấp hơn dự kiến. Lĩnh vực ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng nhưng nợ xấu được dự báo sẽ giảm từ quý IV sau khi đạt đỉnh vào quý III. Các doanh nghiệp có vay nợ nước ngoài gặp lỗ tỷ giá do đồng Việt Nam giảm giá. Điểm sáng là lĩnh vực bán lẻ, chứng khoán, thép và hóa chất có thể tăng trưởng so với quý II.

Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và điều kiện kinh tế toàn cầu đang yếu, Dragon Capital dự đoán sẽ có nhiều biến động cả trên toàn cầu và trong nước. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiền tệ của Việt Nam sẽ được duy trì. Hệ thống theo dõi lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi và lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của Dragon Capital vẫn chưa có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nào.

“Do đó, sau khi kết quả kinh doanh quý III được công bố và tình hình kinh tế toàn cầu ổn định, chỉ số VN-Index sẽ trở lại xu hướng tăng”, các nhà phân tích của Dragon Capital nhận định.

Dù vậy, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank vẫn đưa ra lưu ý việc thị trường tăng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thanh khoản.

Thực tế, thanh khoản ảm đạm là một trong những yếu tố chính đang khiến thị trường không còn mấy tích cực. Nếu như trong tháng 9, thanh khoản thị trường còn đạt trên 1 tỷ USD/phiên, thậm chí còn leo lên mức 1,5 tỷ USD, thì bước sang đầu tháng 10, thanh khoản chỉ còn chạm mốc 21.000 tỷ đồng, thậm chí các phiên sau đó liên tục lao dốc, dao động từ 12.000-14.000 tỷ đồng/phiên.

“Nếu thanh khoản đạt từ 20.000 - 25.000 tỷ đồng, thị trường có thể tăng mạnh, nhưng nếu dưới mức 25.000 tỷ thì đà phục hồi ở mức trung bình và sớm kiểm nghiệm vùng kháng cự phía trước là 1.169 – 1.180 điểm”, ông Sơn nói.

Hải Giang

Lượt xem: 6
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan