Thị trường chứng khoán ‘hụt hơi’, nhà đầu tư hoang mang

VN-Index liên tục kéo dài đà giảm mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư dần trở nên hoang mang, nhất là những nhà đầu tư “vô tình lướt sóng thành cổ đông”. Chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư cần giữ bình tĩnh, quan sát thị trường, tận dụng cơ hội này để tái cơ cấu danh mục bởi nhìn về dài hạn, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Chị Ánh Ngọc (Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, đang nắm giữ khá nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản và ngân hàng. Chị đang cảm thấy lo lắng khi các nhóm cổ phiếu đã giảm mạnh tới hơn 20% chỉ trong 4 phiên giao dịch gần nhất.

Cổ đông “ngồi trên đống lửa”

“Chứng khoán và bất động sản đã có mức tăng khá mạnh. Dù rằng phiên 26/9, nhóm chứng khoán đã hồi phục nhưng nhìn chung vẫn chưa thấm đâu với mức giảm sốc trong 3 phiên gần đây. Dự báo đà giảm điểm còn kéo dài. Tôi thực sự cảm thấy bất an vì chưa kịp cắt lỗ một phần danh mục”, chị Ngọc nói với VnBusiness.

-6788-1695721560.jpg

VN-Index liên tục kéo dài đà giảm mạnh khiến tâm lý nhà đầu tư dần trở nên hoang mang, nhất là những nhà đầu tư “vô tình lướt sóng thành cổ đông”. 

Đây chỉ là một trong số chia sẻ của các nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường rơi vào xu hướng giảm mạnh trong vài phiên giao dịch gần đây, sau giai đoạn bền bỉ đi lên kéo dài nhiều tháng. Những phiên giảm điểm mạnh bắt đầu xuất hiện dày đặc hơn, tình trạng “trắng bên mua” cũng trở nên phổ biến trên nhiều nhóm cổ phiếu tăng nóng trước đó.

Đáng chú ý, phiên 25/9, VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại mức 1.153,2 điểm, giảm gần 40 điểm (-3,34%). Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn một tháng kể từ phiên 18/8 “giông bão” vừa qua.

Mức giảm 3,34% cũng đưa VN-Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á vào ngày 25/9. Thậm chí, chứng khoán Việt Nam còn đi ngược diễn biến khả quan của nhiều thị trường lớn trong khu vực. Theo đó, vốn hóa HoSE bị "bay" gần 160.000 tỷ đồng (~7 tỷ USD), xuống còn 4,6 triệu tỷ đồng. Đi kèm với biến động mạnh về chỉ số, thanh khoản cũng dâng cao với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt 23.500 tỷ đồng.

Kéo theo đó, những cổ đông đang nắm giữ những cổ phiếu giảm mạnh như đang “ngồi trên đống lửa” khi nhìn tài khoản bay hơi trong phút chốc. Đối với những nhà đầu tư “đến muộn”, đu theo khi giá đã tăng mạnh lên đỉnh nhiều tháng, tình trạng “kẹp hàng” là điều khó tránh khỏi. Câu chuyện “vô tình lướt sóng thành cổ đông” lại trở thành đề tài nóng trên khắp các diễn đàn chứng khoán.

Trên các hội nhóm đầu tư chứng khoán, không hiếm thấy những bình luận là những câu hỏi: Thị trường đã kết thúc đợt điều chỉnh giảm chưa? Sắp tới nên làm gì? Nếu giảm là cơ hội mua tích lũy thì nhóm ngành nào sẽ tích cực?

Có thể thấy, trong bối cảnh VN-Index bước vào giai đoạn khó khăn khi áp lực chốt lời luôn trực chờ trên diện rộng, người cầm cổ phiếu nếu tiếp tục nắm giữ thì bất an vì sợ lỗ nặng hơn, bán thì sợ "mất hàng", còn người cầm tiền cũng không dám mua vào vì chưa biết đâu là đáy.

Cần bình tĩnh, chủ động

Giới phân tích nhận định, những phiên gần đây thị trường giảm sâu là do chỉ số bị bị ảnh hưởng về mặt tâm lý bởi các thông tin bất lợi liên tục xuất hiện thời gian qua, như tin đồn một công ty chứng khoán lớn sẽ cắt giảm danh mục margin; lo ngại tác động từ Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước với công ty chứng khoán, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến dòng vốn margin trên thị trường và cuối cùng là động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt khác, thời gian qua, thị trường đã tăng điểm khá mạnh. Một số nhà đầu tư đã lãi lớn và với tâm lý sợ hãi thị trường suy giảm, họ đã bán mạnh cổ phiếu để cơ cấu danh mục và chờ đợi thời điểm thích hợp để mua trở lại. Đây là điều bình thường, bởi khi thị trường trong xu hướng đi lên sẽ có những nhịp ngắt nghỉ và tạm thời điều chỉnh.

“Khi những thông tin bất lợi ổn định cùng việc dòng tiền đang chờ tham gia thị trường hiện nay, xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn sẽ sớm kết thúc và trở lại tăng thời gian tới. Đồng thời, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ thị trường trong những tuần giao dịch tới”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VnDirect nêu quan điểm.

Trong chia sẻ mới đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích Dragon Capital kỳ vọng, tăng trưởng lợi nhuận thị trường nửa sau năm 2023 có thể đạt mức 34% do mức nền thấp trong cùng kỳ năm trước. Tổng tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 có thể đạt khoảng 3-4%. Đặc biệt, sang năm 2024 Dragon Capital dự báo lợi nhuận ròng toàn thị trường sẽ hồi phục mạnh mẽ 25% so với cùng kỳ nhờ vào biên lợi nhuận ròng được cải thiện và VN-Index sẽ có mức tăng vượt trội so với dự đoán của nhiều người.

“Rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt, bởi sự biến động trong khoảng từ 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp”, ông Lê Anh Tuấn cho hay.

Do đó, nhà đầu tư cần có thấu kính để hiểu rõ thị trường và có sự kiên định, thoải mái trong việc đầu tư, đặc biệt nên giữ vững sự bình tĩnh và quan sát trong giai đoạn này, nhất là những nhà đầu tư đang lỡ “kẹp hàng”.

“Nhà đầu tư cần có tâm lý ổn định, bình tĩnh phân tích kỹ hơn những tiềm năng sắp tới của doanh nghiệp bởi nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, lãi suất vẫn thấp, dự kiến kết quả kinh doanh quý III/2023 khởi sắc hơn 2 quý đầu năm”, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam khuyến nghị.

Chuyên gia từ KIS cũng đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội này để tái cơ cấu danh mục của mình bằng cách bán những cổ phiếu chưa tốt để mua cổ phiếu tốt hơn. Khi thị trường hồi phục thì tỷ suất sinh lời sẽ tốt hơn.

Tương tự, ông Lê Tự Quốc Hưng, chuyên viên phân tích cao cấp Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, điều chỉnh sẽ là cơ hội tái định giá cổ phiếu, cơ hội sẽ đến từ những cổ phiếu có "câu chuyện" riêng và có tiềm năng tăng trưởng.

“Bất động sản khu công nghiệp là nhóm ngành dự báo đang hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia hay mới đây nhất là việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ kỳ vọng thu hút làn sóng FDI mới. Các doanh nghiệp ngành này có thể hưởng lợi trong dài hạn”, chuyên gia VDSC nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng)… Nhóm cổ phiếu hóa chất cũng được đánh giá tích cực khi nhu cầu xuất khẩu tăng trở lại. Nhóm cổ phiếu dịch vụ dầu khí được khuyến nghị nắm giữ về dài hạn.

Hải Giang

Lượt xem: 5
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan