Tăng diện tích, Việt Nam có giảm nhập khẩu ngô?

Để giảm thiểu tình trạng phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi, việc phát triển diện tích ngô (bắp) là điều được ngành chức năng khuyến khích. Muốn vậy, cần phải có tư duy, chính sách cởi mở hơn thì doanh nghiệp mới có thể mặn mà với việc thu mua ngô trong nước.

Hiện, Việt Nam phụ thuộc đến gần 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương… từ các nguồn nhập khẩu. Trong đó, ngô là một trong những nguyên liệu được Việt Nam tăng cường nhập khẩu. Chỉ riêng 2021, cả nước nhập khẩu 10,03 triệu tấn ngô, trị giá 2,88 tỷ USD, giá trung bình 287,4 USD/tấn.

Ưa nhập khẩu

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hầu hết các loại ngô nhập khẩu về Việt Nam đều là giống biến đổi gen, có năng suất tốt, mẫu mã đẹp, không dễ bị ẩm mốc và sâu hại. Giá các loại ngô này chỉ có giá thấp bằng một nửa so với ngô trong nước. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn và chăn nuôi thích nhập khẩu ngô, chứ không mặn mà với việc thu mua ngô trong nước với chi phí cao, trong khi sản xuất ngô hiện vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.

Đại diện Công ty thức ăn chăn nuôi ANT, cho biết hiện nay, gần như 100% doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đều nhập khẩu ngô ở Brazil, Ấn Độ, Argentina, Hoa Kỳ, Thái Lan… Đây là nước trồng ngô biến đổi gen với diện tích lớn và chất lượng cũng thuộc loại tốt nhất thế giới. Đặc biệt với chất lượng vượt trội, khi đưa những giống ngô này vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng sẽ cho chất lượng tốt hơn.

Ngoài chất lượng, giá rẻ, doanh nghiệp Việt ưa nhập khẩu ngô còn do tính chất hàng hóa của các nước xuất khẩu cao nên có thể nhập được với số lượng lớn. Trong khi hiện Việt Nam không chỉ cần ngô để sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, mà ngay ngành thủy sản cũng cần ngô biến đổi gen để sản xuất thức ăn cho tôm, cá.

Việc nhập khẩu một lượng lớn ngô về làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã khiến cho nhiều người tiếc nuối vì mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hàng tỷ USD mua ngô. Số tiền này thậm chí còn gần bằng số tiền Việt Nam thu được từ xuất khẩu gạo.

Cụ thể là chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,05 triệu tấn gạo, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD. Còn nhập khẩu ngô các loại riêng trong 4 tháng đầu năm 2022 đã đạt trên 2,57 triệu tấn, trị giá trên 851,63 triệu USD.

Theo các ngành chức năng, do ảnh hưởng bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine, giá ngô tăng nên và nguồn cung bị đứt gãy khiến việc nhập khẩu ngô trong 4 tháng qua thực chất là đã giảm giảm 24,6% về lượng, giảm 1,2% kim ngạch nhưng tăng 31% về giá so với cùng kỳ năm 2021. Còn nếu nhập khẩu thuận lợi và so với nhu cầu trong nước, lượng ngô và số tiền Việt Nam bỏ ra mua ngô chắc chắn còn lớn hơn.

ngo-9272-1654128110.jpg

Việt Nam cần ưu tiên trồng giống ngô biến đổi gen để gia tăng năng suất, tiết kiệm diện tích từ đó giảm phần nào sự phụ thuộc nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Trong khi Việt Nam là đất nước nông nghiệp đã đạt được những thành tựu nhất định trong xuất khẩu gạo nhưng lại được đánh giá là một trong những nước nhập khẩu ngô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do Việt Nam có sự lo ngại vô hình, thiếu khoa học về tác hại của ngô biến đổi gen nên chưa trồng mạnh loại ngô này. Đặc biệt là Việt Nam thiếu sự quyết liệt trong chính sách về nông nghiệp, bỏ qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên việc trồng ngô chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Đi cùng với đó là năng suất thấp, diện tích ngô liên tục giảm.

Số liệu thống kê cho thấy, nếu năm 2014 diện tích trồng ngô cả nước đạt xấp xỉ 1,2 triệu ha, thì đến nay chỉ còn dưới 900.000 ha. Sản lượng ngô chỉ đạt 4,6 triệu tấn ngô hạt (năng suất trung bình 4,84 tấn/ha/năm), trong khi năng suất ngô ở Mỹ lên đến 10 - 11 tấn/ha.

Có giảm phụ thuộc?

Không phải đến khi gặp khó khăn về nguồn cung cấp, Việt Nam mới có ý định gia tăng sản lượng ngô. Mà ngay từ năm 2016, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất ngô toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt khoảng 950.000 - 1.100.000 ha, sản lượng 4,8 - 5,5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt 32 triệu đồng/ha/vụ. Đến năm 2030 duy trì diện tích gieo trồng bắp cả nước ổn định như năm 2025, nhưng tăng năng suất lên 52 - 53 tạ/ha để sản lượng khoảng 5,0 - 5,7 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha/vụ.

Tuy nhiên, thực tế cây ngô hiện nay không chỉ giảm về số lượng mà còn không thể cạnh tranh được với nguồn ngô nhập khẩu vốn có giá rất rẻ, năng suất cao.

Để giảm nhập khẩu, nhất là khi giá nhập khẩu loại nông sản này đang tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh trồng ngô. Nhưng không phải trồng ngô giống cũ, ngô thông thường mà phải tập trung trồng ngô biến đổi gen. Bởi loại ngô này có khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh và có khả năng thích ứng với hạn hán và cho năng suất cao hơn.

Theo báo cáo của Croplife - tổ chức bảo vệ thực vật đa quốc gia, các nước xuất khẩu ngô, hàng đầu thế giới hiện nay đều sử dụng gần như 100% giống biến đổi gen để tăng sản lượng. Trong khi đó việc áp dụng tại Việt Nam mặc dù được công nhận vài năm qua nhưng vẫn khá dè dặt và quy mô mở rộng diện tích vẫn chưa có sự đột biến.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc áp dụng các giống cây trồng biến đổi gen được công nhận sẽ giúp Việt Nam gia tăng sản lượng mà không đòi hỏi quá nhiều diện tích đất, qua đó có thể hạn chế hoặc khắc phục việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhập khẩu mà vẫn bảo đảm được diện tích đất phục vụ những ngành chủ lực khác.

Ông Mai Xuân Triệu, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô, cho biết hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh tác hại của ngô biến đổi gen với sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường… nên Việt Nam cần có sự tin tưởng vào khoa học công nghệ.

Bên cạnh đó, để thu hút được doanh nghiệp thu mua, quá trình sản xuất ngô phải thực hiện theo hướng hàng hóa. GS-TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho biết ở các nước như Mỹ, Brazil, Argentina, Nga… mỗi cánh đồng trồng ngô của họ lên đến vài ngàn ha. Họ cũng đẩy mạnh cơ giới hóa toàn bộ quy trình sản xuất, hạ tầng cũng được đầu tư đồng bộ.

Ngoài ra các nước xuất khẩu còn sở hữu giống chất lượng cao thông qua công tác nghiên cứu khoa học, khí hậu, thổ nhưỡng…. Ngược lại, Việt Nam không có đầu tư nghiên cứu, không có giống tốt, không có hạ tầng, nông dân không có kiến thức chuyên sâu…

Để chủ động phần nào nguồn ngô, Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết người sản xuất, các HTX để hình thành các chuỗi, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi.

Nhà nước cũng khuyến khích mọi thành phần kinh tế huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ ngô, trong đó ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về sản xuất, sấy, bảo quản ngô…

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết một số tỉnh trước đây có diện tích ngô rất lớn như Sơn La, Điện Biên… nhưng do quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, diện tích ngô đã giảm mạnh, nhường chỗ cho cây ăn trái. Do vậy, việc hình thành các vùng nguyên liệu ngô ứng dụng công nghệ rất quan trọng. Việc này dù không thay thế được hoàn toàn nguyên liệu nhập khẩu, nhưng cũng giúp Việt Nam không quá phụ thuộc như hiện nay.

Hiện, Việt Nam mới chủ động được 35% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nghĩa là 65% phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì thế, theo ông Thắng, trong thời gian tới, cần có chính sách tái cơ cấu hệ thống cây trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn đưa các giống bắp, đậu tương biến đổi gen vào trồng để tiến tới chủ động được 50% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Tùng Lâm

Lượt xem: 88
Tác giả: Ưa nhập khẩu
Tin liên quan