Nguồn cung USD tích cực cũng khó triệt tiêu áp lực tăng tỷ giá

Theo các chuyên gia, nguồn cung USD tích cực nhưng cũng chỉ giúp “ghìm cương” tỷ giá USD/VND trong một khoảng thời gian ngắn, chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn áp lực tăng tỷ giá ở mọi thời điểm trong năm.

Trong báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”, các chuyên gia nhận định, các yếu tố tác động tổng thể nhìn chung vẫn ủng hộ cho xu hướng ổn định của tỷ giá trong nước dù chịu áp lực tăng.

Kinh tế Việt Nam dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và những năm tới. Theo đó, các dòng ngoại tệ cơ bản như xuất nhập khẩu, dòng vốn FDI, kiều hối, mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ được cải thiện đáng kể trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của nhiều hiệp định FTA với các đối tác lớn như CPTPP, RCEP, EVFTA...; và các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam (như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN...).

Ba-n-sao-ty-gia-jpeg-5991-1653873159.jpg

Các chuyên gia nhận định, sức ép lên tỷ giá USD/VND dần lớn hơn.

Nhóm nghiên cứu ước tính cán cân vãng lai có thể thặng dư khoảng 8-12 tỷ USD trong năm 2022. Ngoài ra, chính sách điều hành tỷ giá ngày càng chủ động, linh hoạt và có tính thị trường cao của Ngân hàng Nhà nước cũng là cơ sở để tỷ giá trong nước duy trì sự ổn định.

“Với các công cụ và giải pháp điều hành gần đây, cộng thêm nguồn dự trữ ngoại hối đang được bồi đắp mạnh mẽ trong nhiều năm qua sẽ là nguồn hỗ trợ để Ngân hàng Nhà nước thực hiện mục tiêu điều tiết ổn định tỷ giá khi cần”, Báo cáo nêu.

Báo cáo này phù hợp với diễn biến tỷ giá trong các tuần tháng 5/2022, có nhiều thời điểm VND hầu như đi ngang bất chấp quyết định tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Diễn biến này trái ngược với xu hướng giảm của các đồng tiền trong khu vực.

Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, do đồng USD mạnh lên quá nhiều nên nguồn cung USD dù tích cực (từ đầu tư nước ngoài, thặng dư cán cân thương mại, kiều hối) cũng chỉ giúp “ghìm cương” tỷ giá USD/VND trong một khoảng thời gian ngắn, chứ không thể triệt tiêu hoàn toàn áp lực tăng tỷ giá ở mọi thời điểm trong năm.

Thực tế cho thấy, tỷ giá USD/VND đang rục rịch tăng. Cụ thể, tuần từ 9/5 - 13/5/2022, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tăng 0,6% lên 23.095 VND, trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại tăng 140 VND, kết tuần ở mức 22.920/23.230 VND.

Kéo dài sang tuần từ 16/5 - 20/5/2022, giá USD trên thị trường liên ngân hàng đóng cửa tại 23.172 VND, tăng 78 VND so với phiên cuối tuần trước.

Trong khi đó, diễn biến tuần từ 23/5 - 27/5, tỷ giá USD/VND đã có những phiên điều chỉnh giảm trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới giảm. Nhưng tính chung cả tuần, giá USD tại hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng từ 20-25 đồng.

Tại hội thảo Cơ hội đầu tư tốt nhất năm 2022 được tổ chức mới đây, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty cồ phần chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong các tháng tới cho đến hết năm 2022, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi. Trong xu hướng ngắn hạn, VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 1% so với đầu năm khi FED vẫn còn một vài lần tăng lãi suất nữa trong năm 2022. Do đó, USD sẽ tiếp tục lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, bao gồm cả VND, khiến sức ép lên tỷ giá USD/VND dần lớn hơn.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo hướng linh hoạt kết hợp chính sách tiền tệ và tài khóa, thích ứng với những biến số mới trên thị trường sẽ giúp xu hướng trung và dài hạn của tỷ giá ổn định hơn với mức độ điều chỉnh sẽ không quá 2%/năm cho cả năm 2022.

Thanh Hoa

Lượt xem: 93
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan