Sinh viên chao đảo giữa cơn “bão giá”

Trong bối cảnh dịch bệnh, vừa chân ướt chân ráo trở lại Hà Nội để đi học trực tiếp thì giá xăng, giá gas và nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng khiến đời sống của nhiều người trẻ, đặc biệt là sinh viên lao đao.

"Chóng mặt" vì giá

Sau 6 lần tăng giá, giá xăng E5 RON92 hiện đang có mức bán lẻ là 26.077 đồng/lít và xăng RON95 là 26.834 đồng/lít. Mức giá này đang lập kỷ lục mới trong khoảng 8 năm trở lại đây. Giá gas cũng đã kịp thời tăng thêm 3.500 đồng/kg, tương đương với 42.000 đồng/bình 12kg từ ngày 1/3. Như vậy, giá bán lẻ mỗi bình gas 12 kg đã vượt mức 500.000 đồng.

Giá xăng dầu liên tục tăng “chóng mặt”

Giá xăng dầu liên tục tăng “chóng mặt”

Cùng với xăng, gas, nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, rau củ, thịt lợn, thịt bò… cũng đua nhau nhảy giá. Điều này khiến cho cuộc sống của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên lao đao, căng thẳng.

Bạn Nguyễn Mạnh Tiến, sinh viên năm thứ 3, Học Viện Tài chính chia sẻ: “Mình cũng hiểu rằng thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, giá các mặt hàng sẽ tăng, những cũng không nghĩ lại tăng nhiều như vậy. Chỉ trong thời gian ngắn mà giá xăng tăng chóng mặt, mọi khi đổ hơn 70.000 nghìn đồng là đầy bình, bây giờ đội lên hơn 100.000 nghìn đồng. Cứ tình hình như thế này, chắc mình cũng phải giảm đi lại để bù lại khoản đổ xăng mất”.

Nhiều sinh viên phải tìm việc làm thêm để gia tăng thu nhập

Nhiều sinh viên phải tìm việc làm thêm để gia tăng thu nhập (Ảnh minh họa)

Hà Anh Thư, sinh viên năm cuối, Đại Học Kinh doanh và Công nghệ cho biết: “Không chỉ giá xăng, gas tăng mà các mặt hàng như thuốc, thực phẩm cũng đội giá. Bây giờ, mình mua kit test COVID-19 cũng tăng hơn 20.000 đồng/test so với trước. Mỗi tháng phải sử dụng vài kit test chưa tính đến các khoản chi như tiền nhà, tiền điện nước, rồi chi tiêu ăn uống hằng ngày...

Từ hơn 1 tuần này, rau từ 5.000 đồng đã nhảy lên 10-12.000 đồng/mớ; Giá thịt bò cũng tăng từ 220-250.000 đồng/kg lên 250-280.000 đồng, thịt gà tăng từ 130.000 đồng lên 140.000 đồng/kg, thịt lợn tăng cũng tăng từ 5 - 7.000 đồng/kg (tuỳ từng loại)...

Khi mình thắc mắc sao giá thực phẩm tăng cao thế, mọi người đều nói xăng tăng nên cước vận chuyển cũng đội lên khiến giá cả theo đó cũng đua nhau nhảy múa. Cứ tình hình thế này thì hoang mang thực sự, mình mong rằng thời gian tới, giá cả sẽ giảm đi phần nào để bớt áp lực gánh nặng, đặc biệt với những sinh viên xa nhà”.

Chi tiêu sao cho hợp lý?

Trước tình hình giá cả liên tục “nhảy múa”, nhiều sinh viên mới quay trở lại Hà Nội để đi học cảm thấy “sốc”. Không ít bạn áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, cũng có những bạn đã chạy khắp nơi tìm việc làm thêm để thích ứng với tình hình thực tiễn.

Bạn Thùy Linh, sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Công nghiệp cho hay, trước kia giá xăng dầu không phải nỗi lo quá lớn trong chi tiêu hằng ngày. Bây giờ thì ngược lại, cô nàng phải thay đổi suy nghĩ. “Trước mắt mình có thể hạn chế, tiết kiệm bằng cách đi xe bus. Dù hơi bất tiện nhưng đó cũng là giải pháp giúp mình đỡ lo lắng hơn trong chi tiêu hằng ngày. Ngoài ra, mình cũng phải dè sẻn hơn trong việc ăn uống, hạn chế ăn ngoài để dành tiền cho những chi tiêu cần thiết.

Bình thường, mình hay ra cà phê ngồi học bài và làm việc nhưng chắc từ giờ cũng cần thay đổi để tiết kiệm hơn. Trước đây một ly cà phê 20 - 30.000 đồng, mình thấy không tốn kém lắm, mỗi tuần có thể ngồi 3, 4 lần thì bây giờ tính lại mỗi tháng cũng tốn không ít tiền”, Linh nói.

Sinh viên cần học cách chi tiêu tiết kiệm, phù hợp

Sinh viên cần học cách chi tiêu tiết kiệm, phù hợp (Ảnh minh họa)

Bạn Khánh An, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Y tế Hà Nội tâm sự: “Mình sẽ xin thêm một khoản chi phí nhỏ từ gia đình, kết hợp với việc làm thêm. Hiện tại, sinh viên học online nên vẫn sắp xếp được thời gian đi làm. Nếu như bình thường, mình lười nấu ăn và hay ăn ngoài thì bây giờ cũng phải tự tiết kiệm từ những khoản chi phí nhỏ nhất. Thay vì đi xe máy để lượn lờ khắp phố phường khi có thời gian rảnh thì mình sẽ hạn chế, vừa tiết kiệm xăng, vừa an toàn phòng dịch. Sau những đợt giá cả tăng chóng mặt như thế này, mình cũng học được cách tiết kiệm chi phí cho gia đình, cho bản thân để cân bằng cuộc sống”.

Ngoài xăng, gas, các mặt hàng thiết yếu tăng giá, hiện nay đang là thời điểm nhiều sinh viên trở lại thành phố để sinh sống và học tập nên giá phòng trọ và điện nước cũng có sự thay đổi lớn. Học cách chi tiêu tiết kiệm, phù hợp sẽ là vấn đề được nhiều bạn trẻ cần quan tâm để sinh sống tại Thủ đô trong thời điểm này.

Lượt xem: 177
Tác giả: Chi Mai
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết