Nhận diện những con sóng trên thị trường chứng khoán
“Sóng” là từ lóng quen thuộc được sử dụng bởi các nhà đầu tư chứng khoán. Mặc dù nghĩa gốc của từ này trong lĩnh vực vật lý là sự lan truyền của một dao động trong không gian theo thời gian, tuy vậy, nó lại được sử dụng khá thường xuyên trên thị trường chứng khoán, bởi đây là nơi nhà đầu tư kiếm lời từ những dao động lên xuống của giá chứng khoán như những con sóng. Sóng càng to có nghĩa là dao động càng lớn, rủi ro càng cao, cơ hội kiếm lời càng nhiều. Để theo đuổi lợi nhuận vượt trội, các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro để “cưỡi” trên những con sóng lớn.
Một trong những đặc trưng quan trọng của sóng là bước sóng (khoảng thời gian hoàn thành một con sóng) và sự lặp đi lặp lại của nó theo thời gian mang tính chu kỳ. Chuyển động sóng có thể được dự báo trước dựa trên dữ liệu quá khứ về bước sóng, và do đó chuyển động này không phải là ngẫu nhiên. Đây hóa ra lại là một giả định quan trọng của trường phái phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán.
Sóng trong phân tích kỹ thuật
Sóng trong lý thuyết Dow (được phát triển bởi Charles Dow). Theo lý thuyết Dow mọi xu hướng thị trường đều nằm ở một trong ba giai đoạn tích lũy, tăng trưởng và phân phối. Các giai đoạn này nối tiếp nhau theo chuỗi. Kết thúc của giai đoạn này là một sự khởi đầu cho giai đoạn tiếp theo, kéo dài và tạo nên những đợt sóng của thị trường.
Dựa trên tâm lý hành vi của con người trên thị trường, lý thuyết sóng Elliott (được phát triển bởi Ralph Nelson Elliot) đưa ra mẫu hình về 5 sóng động lực và 3 sóng điều chỉnh. Sóng Elliott có thể được áp dụng trong nhiều khung thời gian khác nhau từ cực ngắn (phút) tới cực dài (năm, thập kỷ, thiên niên kỷ) và thường được dùng để xác nhận hoặc giải thích những giai đoạn đã xảy ra của thị trường nhiều hơn là dùng để dự báo.
Sóng trong lý thuyết Gann (được phát triển bởi William Delbert Gann) đề cập tới yếu tố thời gian, theo đó thị trường giao dịch có tính chu kỳ, dựa vào những sự kiện lặp đi lặp lại trong quá khứ để xác định thời điểm và khung thời gian phù hợp từ đó đưa ra quyết định giao dịch.
Sóng trong lý thuyết Merrill (được phát triển bởi Arthur Merrill) mô tả thứ được gọi là “cấu trúc sóng” dựa trên nền tảng của lý thuyết Dow, theo đó coi chuyển động của giá giống như các đợt sóng. Theo phương pháp này, các mẫu hình phổ biến nhất của thị trường được chia làm 32 mẫu biểu đồ (sóng) khác nhau, 16 mẫu chữ M và 16 mẫu chữ W đối xứng nhau.
Sóng trong lý thuyết của Wyckoff (được phát triển bởi Richard Demile Wyckoff) dựa trên 3 quy luật cung cầu thị trường, quy luật nhân quả, quy luật nỗ lực. Phương pháp Wyckoff giải thích về cách vận động của giá thị trường như một mô hình tuần hoàn gồm 4 chu kỳ sóng: tích lũy, tăng trưởng, phân phối và suy thoái.
Những bước sóng kinh điển nhất mà nhà đầu tư không thể bỏ qua
4 năm – chu kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ. Bằng việc thống kê dữ liệu thị trường chứng khoán Mỹ trong nhiều năm qua cùng với các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, các nhà kinh tế học đã nhận ra một số quy luật biến động nhất định có thể xảy ra trên thị trường (suy yếu trong năm ngay sau bầu cử, tăng giá mạnh nhất trong năm thứ ba,…). Có thể giải thích bản chất đằng sau những quy luật này thông qua việc các nhà chính trị luôn mong muốn có một hồ sơ kinh tế đẹp trong nhiệm kỳ của họ để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri trong nhiệm kỳ tiếp theo, từ đó có những tác động nhất định tới việc điều hành các chính sách kinh tế.
Nếu như quy luật này đúng, những năm tiếp theo mà các nhà đầu tư cần chú ý đó là năm 2024 (năm bầu cử) và năm 2026, năm thứ 3 trong nhiệm kỳ tiếp theo.
7 năm – chu kỳ sinh học của con người. Bởi lẽ nhà đầu tư là những người ra quyết định có thể ảnh hưởng tới xu hướng tiếp theo của thị trường, vì vậy cũng giống như tâm lý học hành vi là cơ sở của lý thuyết sóng Elliott, những biến động về mặt sinh học của nhà đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng đối với kết quả đầu tư của họ.
Theo các nhà sinh lý học, cứ 7 năm một lần, cơ thể và tâm trí con người sẽ trải qua một cơn khủng hoảng và một sự thay đổi – sự thay đổi mang tính chu kỳ giống như các mùa trong năm.
Nếu như quy luật này đúng, các nhà đầu tư bước sang độ tuổi 28, 35, 42, 49 trong năm 2024 sẽ cần thận trọng hơn về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của mình để có những quyết định đầu tư đúng đắn.
10 năm – chu kỳ của nền kinh tế. Các nhà kinh tế học đã thống kê và nhận thấy rằng cứ mỗi khoảng 10 năm, nền kinh tế sẽ có chiều hướng biến động tiêu cực một lần, hoặc tệ hơn có thể biến thành một cuộc khủng hoảng. Một chu kỳ kinh tế điển hình diễn tiến theo 4 giai đoạn: suy thoái, hồi phục, tăng trưởng và suy giảm. Tuy nhiên, có rất nhiều biến cố khác nhau có thể tác động lên một chu kỳ kinh tế khiến nó có thể rút ngắn lại hoặc kéo dài ra. Để xác định chính xác chúng ta đang ở chu kỳ kinh tế nào, cần xem xét toàn diện các biểu hiện của nền kinh tế (các chỉ báo) và xem xét chúng trong một khu vực quy mô (một quốc gia) cụ thể và những chính sách kinh tế mà khu vực đó đang áp dụng. Hiện nay, đa số các chuyên gia kinh tế đồng thuận cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục.
18 năm – chu kỳ giá trị của đất đai trong nền kinh tế. Theo dõi số liệu của nền kinh tế Mỹ trong suốt 200 năm qua, nhà kinh tế học người Anh là Fred Harrison đã rút ra nhận xét về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản, theo đó giá trị đất đai đã vận hành với chu kỳ 18 năm trong nhiều thế kỷ. Ông đã dự báo đúng về một sự sụp đổ của thị trường bất động sản tại Mỹ vào năm 2008, và tiếp tục dự báo về một cuộc suy thoái giữa chu kỳ sẽ xảy ra vào năm 2019 cũng như các vấn đề của thị trường bất động sản Trung Quốc trong giai đoạn này. Ông cũng dự đoán thị trường bất động sản sẽ đạt đỉnh vào năm 2026 và có thể kéo theo đó một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng có thể tương tự khủng hoảng 2008.
60 năm – sóng Kondratieff. Sóng Kondratieff được đặt theo tên nhà kinh tế học người Nga Nikolai Kondratieff, chỉ các chu kì kinh tế kéo dài khoảng 40 đến 60 năm trong các nền kinh tế thị trường. Sóng Kondratieff là một chu kì kinh tế dài hạn được cho là xuất phát từ các đổi mới trong công nghệ dẫn đến một thời kì thịnh vượng kéo dài. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu về lý thuyết của Kondratieff, thế giới đã trải qua 5 chu kỳ Kondratieff gồm: (i) 1780 đến 1830 – đặc trưng bởi động cơ hơi nước; (ii) 1830 đến 1880 – đặc trưng bởi công nghiệp thép và đường sắt; (iii) 1880 đến 1930 – đặc trưng bởi điện khí hóa và hóa chất; (iv) 1930 đến 1970 – nền kinh tế được thúc đẩy bởi công nghiệp ô tô và hóa dầu; (v) 1970 đến nay – đặc trưng bởi công nghệ thông tin. Nhiều nhà nghiên cứu đang tranh cãi về việc liệu chúng ta đã bước qua sóng thứ 6 theo lý thuyết sóng Kondratieff hay chưa.
Nếu lý thuyết này đúng, rất có thể sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 60 năm tiếp theo sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo AI.
84 năm – chu kỳ của các cuộc xung đột lớn của Mỹ. Lịch sử hình thành và phát triển của Mỹ đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Chúng đã được khái quát hóa lên thành quy luật của lịch sử, trong khoảng 84 năm nước Mỹ thường trải qua một cuộc xung đột lớn. Những mốc thời gian chính có thể kể đến như: năm 1776 – cách mạng Mỹ, năm 1861 – nội chiến Mỹ, năm 1941 – chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ chính thức tham chiến.
Đối với nước Mỹ, chiến tranh thường có tác dụng như một liều thuốc giúp sắp xếp lại cấu trúc kinh tế chính trị xã hội đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, các ngành khoa học phát triển và đạt được những tiến bộ vượt bậc mang tính cách mạng, từ đó duy trì vị thế thống trị thế giới của Mỹ.
Có một sự trùng hợp đáng kinh ngạc là tính chu kỳ 84 năm cũng được chứng minh thông qua chiêm tinh học (một bộ môn mang tính huyền bí, nhưng hiện đã tách ra thành một nhánh nhỏ gọi là cosmoeconomics), theo đó tính chu kỳ 84 năm của các cuộc chiến cũng ứng với quy luật chuyển động của các hành tinh, cụ thể ở đây là sự kết hợp giữa Sao Hỏa và Sao Thiên Vương (chu kỳ quỹ đạo của Sao Thiên Vương bằng 84 năm Trái Đất, và mất 7 năm để hành tinh này đi qua hết một chòm sao trong hoàng đạo). Nếu đúng theo quy luật này, năm 2026 sẽ là năm chứng kiến sự kết hợp giữa Sao Hỏa và Sao Thiên Vương tương tự như các năm 1776, 1861, 1941.
Bài viết này là kết quả của quá trình tổng hợp thông tin, tài liệu của tác giả từ nhiều nguồn khác nhau được cho là đáng tin cậy, chỉ nhằm cung cấp thêm thông tin, quan điểm, góc nhìn về một vấn đề mà các nhà đầu tư có thể quan tâm, không nhằm mục đích khuyến nghị, tư vấn sử dụng các công cụ để đầu tư chứng khoán. Những công cụ, lý thuyết và mẫu hình nêu trên là sự đúc kết dựa trên dữ liệu, mẫu hình quá khứ, do vậy luôn hàm chứa sự không chắc chắn, xác suất không đáng tin cậy, có thể thay đổi tùy thuộc sự biến đổi của môi trường, cấu trúc kinh tế xã hội, vì vậy cần phải được áp dụng một cách thận trọng và có sự tự kiểm nghiệm, hoàn thiện theo thời gian.