Mối lo giá thành sản phẩm cao tiếp tục ‘đeo bám’ hàng Việt

Khả năng tăng giá thành sản phẩm sẽ tiếp tục “đeo bám” hàng Việt trong năm 2025 từ áp lực các loại chi phí đầu vào neo ở mức cao như vận chuyển, nguyên vật liệu, giá điện, lãi suất cho vay… Điều này cần các doanh nghiệp sản xuất chế biến và khâu chính sách lưu tâm nhiều hơn, cũng như có sách lược phù hợp.

Báo cáo cập nhật trong thượng tuần tháng 1/2025 về ngành thủy sản của Công ty chứng khoán ABS đã lưu ý ngành hàng này sẽ vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong năm 2025 như nguồn cung cá, tôm khan hiếm, đẩy giá tăng lên trong khi chi phí vận chuyển tiếp tục neo ở mức cao.

Chi phí vận chuyển tiếp tục neo ở mức cao

Chẳng hạn như với cá tra, theo Agromonitor, hiện giá cá tra nguyên liệu đã tăng, trong khi đó giá cá tra giống tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng liên tục tăng do thời tiết lạnh, cá giống khan hiếm, cá bột suy giảm, sản lượng dự báo khan hiếm trong giai đoạn sắp tới.

-1850-1736507647.png

Trước khả năng tăng giá thành sản phẩm sẽ tiếp tục “đeo bám” trong năm 2025 đang cần các DN sản xuất chế biến có sách lược phù hợp.

Đáng chú ý là chi phí vận chuyển có khả năng vẫn đi ngang ở mức cao trong năm 2025. Hiện nay, tuy một số cuộc xung đột đã có dấu hiệu hạ nhiệt, cước vận tải container trong năm 2025 được cho rằng sẽ vẫn neo ở mức cao. Do vậy, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục phải chịu chi phí vận chuyển cao tương đương năm 2024.

Nhìn lại năm 2024 vừa qua, theo ABS, doanh thu của các DN thủy sản tăng trưởng tốt trong năm 2024 tuy nhiên lợi nhuận không tăng trưởng tương ứng do chi phí vận chuyển tăng cao. 

Ở những giai đoạn cao điểm của hồi năm rồi, chi phí vận chuyển các DN thủy sản ghi nhận tăng mạnh với mức tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước đó, đặc biệt như trường hợp CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) đã tăng đến 124,6%.

Và với chi phí vận chuyển tăng cao làm bào mòn lợi nhuận DN, nếu tính riêng trong 9 tháng đầu của năm 2024, có thể kể đến trường hợp lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của CTCP Vĩnh Hoàn, Sao Ta đã giảm 4,8% và 1,0% so với cùng kỳ, CTCP tập đoàn thủy sản Minh Phú vẫn ghi nhận lỗ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I giảm 19,7%, trong khi con số này của CTCP Nam Việt (ANV) chỉ tăng 0,3%.

Trong chi phí vận chuyển, riêng với các DN xuất khẩu, điều mà họ lo ngại nhất chính là giá cước container quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, đặc biệt trong các thời điểm cao điểm.

Như lưu ý gần đây của Flexport (một tập đoàn đa quốc gia tập trung vào quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần), trong năm 2025, biến động cung cầu trong vận tải biển sẽ vẫn phức tạp, với các xu hướng phát triển và biến động khó lường định hình thị trường. Thị trường có thể sẽ chứng kiến​​ nhiều biến động hơn ở các mức giá cước.

Và một khi giá cước container biến động mạnh sẽ khiến giá hàng hóa bị đội chi phí lên cao, tác động đến giá thành sản phẩm của DN. Chẳng hạn như với DN xuất khẩu theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển), khi cước phí vận tải biển tăng lên buộc họ phải chịu chi phí tăng thêm, thậm chí chịu lỗ với giá đơn hàng đã hợp đồng từ trước.

Chờ sách lược phù hợp

Ngoài ra, một mối lo khác trong giá thành sản phẩm của DN sản xuất chế biến chính là giá điện. Trong phát biểu mới đây tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho rằng tinh thần chung là giá điện phải tăng để bù đắp chi phí.

Còn trong báo cáo cập nhật về ngành điện, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS nhận định việc EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ cải thiện môi trường huy động các nhà máy từ 2025, đặc biệt tạo dư địa lớn hơn để huy động nhóm điện giá cao như điện khí.

Cũng nên nhắc lại, giá điện tăng 4,8% hồi năm 2024 đã làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,16%. Không những vậy, giá điện (vốn chiếm khoảng 20-30% trong cơ cấu giá thành phẩm) khi tăng lên đã tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất của các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, dẫn tới giá thành, giá bán sản phẩm cũng tăng theo.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, trong báo cáo điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến của Tổng cục Thống kê cho thấy có tới 92,5% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (trong đó có 21,3% tăng, 71,2% giữ nguyên) trong quý 1/2025 so với quý 4/2024, trong khi đó, chỉ có 7,5% DN dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.

Để giảm áp lực chi phí đầu vào và được tạo điều kiện có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, có 33,3% DN kiến nghị Nhà nước cần có các biện pháp nhằm bình ổn giá nguyên vật liệu và năng lượng để DN yên tâm sản xuất. Về địa phương, có 32/63 địa phương có tỷ lệ DN mong muốn được hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng cao hơn mức bình quân chung của cả nước (33,3%).

Mặt khác, có 42% DN kiến nghị nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có tỷ lệ DN kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao nhất với 50,3%; thứ hai là ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) với 50,1%; thứ ba là ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác với 47,3%.

Theo địa phương, có tới 36/63 địa phương có tỷ lệ DN kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao hơn mức bình quân chung của cả nước (42,0%). Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có tỷ lệ DN kiến nghị giảm lãi suất cho vay cao gồm: Tp.HCM 51,6%; Hà Nội 48,8%; Bắc Ninh 40,5%; Đồng Nai 35,6%. 

Trao đổi với VnBusiness về vấn đề hỗ trợ của khâu chính sách để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm cho các DN nhỏ và vừa trong năm 2025 nhằm tăng sức cạnh tranh, ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hiệp hội DN Tp.HCM, nhấn mạnh đến những kiến nghị chính sách tiếp tục hạ lãi suất cho vay, kết nối ngân hàng phục vụ các chương trình lớn dành cho DN nhỏ và vừa (như chương trình xuất khẩu, phát triển nông nghiệp).

Như băn khoăn của ông Tuệ, mặc dù lãi suất cho vay đã “nới” hơn, việc kết nối giữa DN với ngân hàng thuận lợi hơn, tuy nhiên nhu cầu vay của DN để sản xuất kinh doanh cũng chưa được nhiều. 

Suy cho cùng, trước nhiều mối lo giá thành sản phẩm neo cao tiếp tục “đeo bám” trong năm 2025 đang đòi hỏi các DN sản xuất chế biến cần lưu tâm nhiều hơn và có sách lược phù hợp. Song song đó là sự hỗ trợ kịp thời, linh hoạt điều chỉnh ở khâu chính sách để giảm áp lực chi phí đầu vào nhằm giúp hàng Việt không yếu thế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

                                                                                          Thế Vinh

Lượt xem: 4
Tác giả: Chi