Nhà thầu xây dựng sắp qua ngày tàn tháng hạn?

Bất chấp sức ép bủa vây, các “ông lớn” thầu xây dựng vẫn cho thấy tham vọng lớn trong năm 2023. Để đạt mục tiêu thu hàng nghìn tỷ giữa thời khó, các doanh nghiệp đang xoay đủ chiều, từ bán bớt công ty con đến dồn lực vào các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội...

Một trong những động thái đáng chú ý nhất của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vào những ngày cuối tháng 6/2023 là thông qua nghị quyết chuyển nhượng 100% vốn góp của tập đoàn tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng MATEC - công ty con quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của Hòa Bình cho nhà đầu tư Ashita Group.

Xoay đủ chiều để "vượt bão"

Ông Lê Văn Nam, người vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc HBC vào đầu tháng 6 vừa qua, cho hay đây là một quyết định mang ý nghĩa lớn tới tương lai mà Hòa Bình đang hướng tới.

Sau thương vụ trên, Hòa Bình bổ sung thêm 1.100 tỷ đồng nguồn vốn vào các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, vốn chủ sở hữu của HBC cũng sẽ tăng gần 500 tỷ đồng nhờ định giá lại gần 10.000 m2 đất đang làm nhà xưởng, văn phòng đã mua từ nhiều năm trước tại TP.HCM.

“Việc bán công ty con nằm trong kế hoạch tái cấu trúc của doanh nghiệp”, ông Nam nói, đồng thời khẳng định việc tái cấu trúc toàn diện lúc này là hết sức cấp bách, tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng để giúp Hòa Bình vượt “bão dữ” và trở lại vị thế số 1 ngành xây dựng.

-5304-1687342615.jpg

Các nhà thầu xây dựng vẫn đang gặp nhiều thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 (Ảnh minh họa).

Tương tự Hòa Bình, nhiều “đại gia” ngành xây dựng khác cũng đang trở lại đường đua trong năm 2023 với những dự án lớn. Đơn cử như Đèo Cả Group, bên cạnh hàng chục nghìn tỷ rót vào thi công, xây lắp các dự án đầu tư công, “ông lớn” này còn muốn lấn sân sang cả các dự án sân bay, đường sắt.

Cụ thể, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa được tổ chức ngày 20/6, lãnh đạo Đèo Cả tiết lộ trong năm nay, công ty tiếp tục được chỉ định là tổng thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài 88 km, tổng mức đầu tư 20.469 tỷ đồng.

Đèo Cả đứng đầu liên danh thực hiện gói thầu XL1 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong với giá trị hơn 4.300 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2022, Đèo Cả đã trúng nhiều gói thầu tại các dự án đường ven biển Bình Định, dự án nâng cấp, mở rộng Đèo Prenn tại Lâm Đồng, dự án cầu Hải Giang…

Với những dự án lớn tập trung vào mảng đầu tư công, hạ tầng giao thông, Đèo Cả đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 dự kiến đạt hơn 6.700 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2022.

Giai đoạn 2023 - 2025, doanh nghiệp này tập trung hoạt động chủ đạo là thi công xây lắp, tiếp cận và tham gia đấu thầu các dự án sân bay, đường sắt và một số đường cao tốc ở nhiều địa phương khác nhau… Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 26.000 tỷ đồng.

“Cơn bĩ cực” sắp đi qua?

Có thể thấy, giữa khó khăn bủa vây, để đạt mục tiêu doanh thu nghìn tỷ trong năm 2023, các doanh nghiệp xây dựng đang làm đủ mọi cách. Điển hình, Coteccons (CTD) trúng thầu xây dựng nhà máy LEGO, hướng tới các dự án lớn, trong khi các nhà thầu khác dồn lực cho mảng hạ tầng, nhà ở xã hội...

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons, trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, nhấn mạnh với những tín hiệu tích cực về thị trường, Coteccons tự tin đặt kế hoạch doanh thu cả năm đạt 16.249 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2022.

Để đạt mục tiêu, bên cạnh mảng xây dựng truyền thống, Coteccons sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, giá trị cao (Mega) từ doanh nghiệp FDI với vai trò tổng thầu. Doanh nghiệp cũng phải tập trung cho các dự án hạ tầng như cao tốc, metro, các dự án đường bộ, đặc biệt là sân bay Long Thành…

Một “ông lớn” khác của ngành thầu xây dựng là Fecon (FCN) cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 3.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 125 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2022.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Fecon, thừa nhận thị trường đang có vấn đề lớn. "Cứu cánh" cho các doanh nghiệp xây dựng hiện tại là đầu tư công, nhưng cũng có rào cản nhất định.

“Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xây dựng hiện tại là chi phí đầu vào quá cao. Không làm thì không có việc, nhưng làm thì gần như chắc chắn lỗ. Cho nên, một số dự án đầu tư công sẽ khó có thể đẩy nhanh tiến độ như chủ đầu tư mong muốn”, ông Tùng nhấn mạnh.

Có thể thấy, sau thời tăng trưởng thần tốc, những khó khăn của thị trường chung buộc các nhà thầu xây dựng từ chính đến phụ phải “xoay trục” sang các lĩnh vực mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng.

Theo Bộ Xây dựng, hết quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nhiều nhà thầu đang chấp nhận làm dưới giá vốn, tức chưa làm đã biết là lỗ, để duy trì hoạt động dẫn đến tình trạng luôn “thiếu trước hụt sau”.

Nhìn chung, dù đã có những cải thiện nhất định, song các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang trong tình thế khốn khó. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực tự thân của các nhà thầu, nếu không có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong các vấn đề về pháp lý, vốn vay, chi phí không tên, hoãn, giãn nợ..., quá trình phục hồi của doanh nghiệp khó có thể tính trong ngày một ngày hai.

Hưng Nguyên

Lượt xem: 6
Tác giả: Hưng Nguyên
Tin liên quan