Người dân chật vật thời “bão giá”

Trong khi người dân vẫn đang trăn trở nỗi lo “cơm áo, gạo tiền” sau đại dịch chưa nguôi thì cơn “bão giá” đã ập tới. Giá xăng liên tục tăng kéo những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng đồng loạt tăng giá theo. Sống giữa Thủ đô, mọi thứ vốn đắt đỏ nay càng trở nên khó khăn hơn khiến nhiều người dân phải thay đổi cách sinh hoạt cũng như cách chi tiêu để đảm bảo đời sống.

Giá cả nhiều mặt hàng leo thang

Trong kỳ điều hành xăng dầu mới nhất ngày 21/6, giá xăng dầu tiếp tục lập kỉ lục khi giá bán lẻ xăng E5 RON 92 là 31.302 đồng/lít; xăng RON 95 là 32.873 đồng/lít; dầu diesel 30.019 đồng/lít; dầu hỏa 28.785 đồng/lít và dầu mazut 20.735 đồng/kg. Đây là lần thứ 7 giá xăng trong nước tăng sau khi được điều chỉnh giá bởi liên Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Giá xăng tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân.

Hai vợ chồng anh Trần Trí Thành (35 tuổi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) hàng ngày đi làm cách nhà khoảng 18km. Mặc dù hai vợ chồng làm cùng cơ quan nhưng việc giá xăng tăng gần 33.000 đồng/lít cũng khiến anh chị có phần xót xa.

“Sợ thật. Trước kia đổ đầy bình xăng có khi đi được 1 tuần. Bây giờ đổ xăng chỉ khoảng 3 ngày đã hết bình. Đó là chưa kể những hôm có việc ra ngoài gặp khách hàng hoặc đi công việc cá nhân ngoài giờ thì tiền xăng còn tốn hơn, có thể 2 ngày đã hết một bình xăng khoảng 120 nghìn”, anh Thành chia sẻ.

Những người đi làm bằng ô tô thì cũng “xót xa” không kém. Anh Việt Anh, là công chức đi làm từ khu đô thị Linh Đàm đến phố Duy Tân chia sẻ: “Với dòng xe của tôi, di chuyển cả đi và về mỗi ngày khoảng hơn 20km, so với trước khi xăng tăng giá thì chi phí tăng khoảng từ 1,5 đến 2 lần. Trước kia một tháng chi phí xăng xe rơi vào khoảng 2 triệu đồng thì nay rơi vào khoảng 3,5 triệu đồng. Nếu di chuyển nhiều hơn thì có tháng tôi chi hết khoảng 4 triệu đồng tiền xăng”.

Không chỉ có xăng tăng giá, lương thực, thực phẩm khô và tươi sống cũng đã điều chỉnh sang mức giá mới, tăng giá từ 5% đến 20%. Trong đó, có nhiều mặt hàng thiết yếu với nhiều gia đình như trứng, dầu ăn, mì tôm… cũng điều chỉnh tăng giá bán từ 5% đến 10%. Trước sức ép giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, không chỉ người dân gặp khó khăn mà các tiểu thương cũng bị ảnh hưởng.

Hơn 1 tháng nay, việc kinh doanh tạp hóa của chị Minh, 36 tuổi (huyện Thanh Trì) sụt giảm hơn nhiều so với trước. Chị Minh cho biết các mặt hàng nhập vào đều tăng từ dầu ăn, gia vị, mì tôm, giấy vệ sinh… nhưng chị vẫn cố gắng không thay đổi giá bán quá nhiều và chấp nhận lãi ít đi bởi chị cũng sợ “nếu tăng giá, khách sẽ bỏ đi, hàng cũng ế thì không có thu nhập".

Người dân Thủ đô chật vật thời “bão giá”

Cửa hàng tạp hóa của chị Minh tại Thanh Trì cũng đối mặt với việc kinh doanh khó khăn hơn vì giá cả các mặt hàng leo thang

“Những mặt hàng thiết yếu trong gia đình giá có tăng theo từng đợt nhập nên tôi cũng dễ giải thích với khách hàng nhưng những mặt hàng như rau xanh, thịt, trứng… tôi nhập hàng ngày thì mỗi ngày một giá. Rau muống hôm trước 8 nghìn đồng một mớ, có khi hôm sau đã lên 10 nghìn đồng. Nhiều khi người mua cũng thắc mắc vừa hôm qua mua giá như vậy, sao nay đã tăng. Tôi cũng chỉ biết trả lời, giờ cái gì cũng tăng, chẳng lãi được bao nhiêu. Thời gian gần đây tôi lấy về bán để duy trì khách quen chứ thực sự lãi rất ít”, chị Minh chia sẻ.

Tại một chợ dân sinh quận Hoàng Mai, nhiều tiểu thương chia sẻ rằng sức mua của người tiêu dùng đã chững lại đáng kể so với thời điểm đầu năm.

Người dân Thủ đô chật vật thời “bão giá”

Giá cả leo thang khiến đời sống của một bộ phận người dân có phần ảnh hưởng

“Tôi bán thịt lâu năm thấy người dân hiện nay chi tiêu thắt chặt hơn. Trước kia, họ mua 1 kg thịt nhưng bây giờ chỉ mua ít hơn. Trước kia cắt thừa một chút họ cũng sẵn sàng lấy nhưng bây giờ thì nhất định chỉ mua từng ấy, cắt thêm họ cũng từ chối. Bên cạnh đó, thay vì đi chợ sớm thì người dân lại đi chợ vào buổi trưa hoặc chiều muộn vì cho rằng lúc đó giá thịt rẻ hơn”, anh Nguyễn Văn Chung, một tiểu thương ở chợ cho biết.

“Cân đo, đong đếm” để thích ứng và vượt qua thời "bão giá"

Trở lại câu chuyện của anh Việt Anh ở trên, anh cho biết, giá xăng như hiện nay nếu kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu và đời sống của những gia đình làm công ăn lương như anh.

“Tôi đã gặp rất nhiều người phải bán xe vì giá xăng tăng. Vì có thể xe mua trả góp nên việc “cõng” cả hai khoản lớn trên một chiếc ô tô là quá tải. Tình hình này kéo dài có khi tôi cũng tính bán ô tô quay trở lại đi xe máy. Hơn một tháng nay, ngoài đi từ nhà đến cơ quan, tôi hầu như cũng không dám đi đâu. Vì đi nhiều ngoài việc tốn tiền xăng còn cả tiền tiêu nữa. Ngày trước cứ mỗi tháng gia đình lại ra ngoài ăn hàng 1-2 lần nhưng giờ đành chịu. Số tiền này phải dành cho chi phí xăng xe hết rồi”, anh Việt Anh ngậm ngùi chia sẻ.

Cũng giống như anh Việt Anh, chị Thu Hiên, 40 tuổi, quận Hoàng Mai và gia đình cũng đang trong thời kỳ “thắt lưng buộc bụng” để không rơi vào tình trạng “âm tiền” vào cuối tháng. Nếu như ngày trước chỉ với 100 nghìn đồng đi chợ là chị đã đủ mua thịt cá, rau củ cho một bữa tối tinh tươm thì giờ phải 150 nghìn đồng mới được một mâm cơm tươm tất. Hay như xăng xe, thường chị đi đổ gần 100 nghìn đồng là đầy bình thì giờ phải hơn 150 nghìn đồng.

Để vượt qua “bão giá” này, gia đình chị Hiên cũng phải lên kế hoạch chi tiêu hàng ngày cho hợp lý. “Thay vì mua đồ ăn trong siêu thị như trước kia, tôi chịu khó ra chợ đầu mối gần nhà vào cuối tuần mua hết thức ăn cho một tuần. Với những loại củ quả để được lâu thì cứ mua theo giá bán buôn nên cũng đỡ được phần nào. Cũng có khi, tôi nhờ mẹ ở dưới quê gửi thực phẩm lên như gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng…theo tuần bằng xe khách”, chị Hiên cho biết.

Người dân Thủ đô chật vật thời “bão giá”

Thay đổi cách sinh hoạt chi tiêu là lựa chọn của nhiều người dân Thủ đô hiện nay để vượt qua thời "bão giá"

Chị Hiên cũng cho biết, để đỡ tiền xăng xe, chị đã quyết định lựa chọn chuyển từ xe máy sang xe buýt đi làm. Theo chị, cách này vừa tiết kiệm tiền xăng mà còn đỡ phải hít khói bụi những ngày hè nắng nóng như thế này.

“Tôi cũng mới thực hiện việc thắt chặt chi tiêu này tầm hơn tháng nay và kết quả rất khả quan. Trung bình một tháng, tiền sinh hoạt của gia đình cũng không tăng nhiều. Thậm chí có những tháng còn để dư ra được một ít. Tất nhiên, thời “bão giá” này không dư dả lắm nhưng không âm là tôi mừng rồi”, chị Hiên tâm sự.

Giữa thời vật giá leo thang, sống giữa Thủ đô đắt đỏ, bên cạnh những bí quyết riêng của mỗi gia đình thì đây cũng là dịp chúng ta học cách giảm thiểu sự lãng phí trong cuộc sống. Bên cạnh đó, để tránh các khoản phát sinh không đáng gây hoang phí tiền bạc, mỗi gia đình cần lên sẵn ngân sách chi tiêu theo tuần, theo tháng; Phân ra những khoản tiền cố định cho từng mục như điện nước, ăn uống, đi lại, tiền học; còn những khoản như mua sắm, phát sinh… thì có thể linh hoạt; Đặc biệt cố gắng chi tiêu đúng theo kế hoạch, hạn chế chi dư số tiền đã đề ra.

Trong bối cảnh vật giá leo thang, “túi tiền” của nhiều gia đình bị siết chặt, ảnh hưởng không nhỏ đến mức sống thế nhưng “bão giá” sẽ không phải là một bài toán khó nếu như cả gia đình có cách chi tiêu hợp lý trong thời điểm này.

Lượt xem: 97
Tác giả: Ánh Dương - Hoàng Yến
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan