Nga cảnh báo giá khí đốt châu Âu lên tới 3.500 USD/1.000m3 khi nguồn cung hạn chế
“Tại châu Âu, giá khí đốt có thể tăng lên 3.500 USD/1.000m3”, hãng tin Izvestia dẫn lời ông Dmitry Polokhin, Thư ký điều hành của Ủy ban Chiến lược Năng lượng và Phát triển Tổ hợp Nhiên liệu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) của Nga.
Cụ thể, đại diện CCI cho rằng trong 10 ngày Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng, các công ty Đức có thể phải mua khí đốt với giá giao ngay cao gấp 2-3 lần so với giá dựa trên các hợp đồng dài hạn.
Ông Vladislav Antonov, nhà phân tích tài chính của BitRiver, thậm chí cho rằng giá khí đốt có thể vượt quá 3.500 USD/1.000m3 nếu thời tiết nắng nóng kéo dài ở châu Âu từ ngày 11-21/7, thời gian Dòng chảy phương Bắc đang được bảo dưỡng.
Còn theo ông Carsten Fritsch, nhà phân tích về năng lượng, nông nghiệp và kim loại quý tại ngân hàng Commerzbank, việc Dòng chảy phương Bắc tạm dừng hoạt động để sửa chữa là một sự kiện thường niên và đã lên kế hoạch rõ ràng. Tuy nhiên “điều đáng lo là các lô khí đốt có thể còn giảm hơn nữa hoặc thậm chí không được nối lại sau bảo trì".
Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu ngày càng gia tăng trong bối cảnh Nga cắt nguồn cung khí đốt với 3 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng một số công ty năng lượng vì từ chối thanh toán bằng đồng ruble. Thời gian gần đây, Nga cắt giảm lượng khí đốt đến châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc. Và việc một trong những nhà khai thác lớn nhất của Na Uy buộc phải đóng cửa ba mỏ dầu và khí đốt sau khi công nhân đình công là cú sốc về năng lượng mới nhất với EU.
Ông Carsten Fritsch lo ngại rằng nếu các cuộc đình công ở Na Uy tiếp tục, thị trường khí đốt Châu Âu "vốn đã khan hiếm" sẽ trở nên tồi tệ hơn, khiến giá khí đốt tiếp tục tăng.
Theo Trading Economics, giá khí đốt tại châu Âu ngày 5/7 đã tăng 7,6% so với ngày 4/7 lên tới 175 euro/mwh (180 USD/mwh), mức cao nhất trong 4 tháng qua.
Thống kê của Bloomberg cho thấy giá khí đốt đã tăng khoảng 700% ở châu Âu kể từ đầu năm ngoái, đẩy châu lục này đến bờ vực suy thoái.
“Trong kỷ nguyên đối đầu giữa các cường quốc, sự căng thẳng đã lên đến mức độ các thủ đô trên khắp phương Tây dần loại bỏ các kế hoạch chống lại biến đổi khí hậu để đáp ứng nhu cầu năng lượng mới”, các chuyên gia của Bloomberg nhận định.
Các nhà phân tích và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thì cho rằng dù cố gắng nhập khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các nước khác, châu Âu sẽ vẫn phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt này nếu không thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.