Liệu thị trường chứng khoán có mất đi trợ lực từ dòng vốn ngoại?

Trong những phiên thị trường chứng khoán hồi phục liên tiếp gần đây đều có dấu ấn mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Đà mua ròng của khối ngoại được đánh giá như một lực cầu quan trọng trong việc hồi phục của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, từ phiên 21/3, thị trường bắt đầu ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ, giao dịch của khối ngoại khá tích cực với tổng giá trị mua ròng gần 107 tỷ đồng trên toàn thị trường và tiếp tục mua ròng trong 3 phiên tiếp theo.

Lực cầu quan trọng

Đáng chú ý, trong phiên 23/3, dòng tiền vào thị trường ảm đạm với giá trị giao dịch trên HoSE chỉ đạt 7.700 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên trước đó, song khối ngoại vẫn không ngần ngại mua ròng với tổng giá trị gần 328 tỷ đồng trên toàn thị trường.

-9965-1679651075.png

Đà mua ròng của khối ngoại được đánh giá như một lực cầu quan trọng trong việc hồi phục của TTCK Việt Nam. (Ảnh: Int)

Có thể thấy, trong khoảng 2 tuần gần đây, mặc dù khối ngoại ghi nhận việc mua và bán ròng đan xen, song nhìn chung chiều mua vẫn chiếm ưu thế. Cũng chính nhờ dòng vốn này, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có những cú chuyển mình bất ngờ. Chẳng hạn như việc liên tục mua ròng khối lượng lớn cổ phiếu VHM (CTCP Vinhomes) trong 4 phiên liên tiếp đã giúp cổ phiếu này không ngừng “thăng hoa”, là yếu tố chính nâng đỡ thị trường cũng như dẫn dắt nhóm cổ phiếu bất động sản hồi phục tích cực.

Đà mua ròng của khối ngoại được đánh giá như một lực cầu quan trọng trong việc hồi phục của TTCK. Và động thái mua ròng mạnh của khối này chủ yếu từ Fubon ETF và Van Eck mua ròng.

Theo số liệu từ Fubon ETF, số lượng chứng chỉ quỹ tại ngày 23/3 đã tăng thêm 19 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hút ròng 6,9 triệu USD.

Luỹ kế từ khi bắt đầu đợt gọi bổ sung lần 5 (15/3), Fubon ETF đã phát hành tổng cộng 122 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng hơn 44 triệu USD (~1.000 tỷ đồng) đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam.

Trong đợt huy động bổ sung lần 5, Fubon ETF dự kiến phát hành thêm thêm 333,3 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương số tiền giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam ước tính 5 tỷ TWD (~165 triệu USD). Như vậy, Fubon ETF sẽ còn phát hành thêm khoảng 211,3 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng gần 121 triệu USD (~2.800 tỷ đồng) có thể giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam trong thời gian tới. Với tốc độ như hiện tại, quá trình giải ngân ước tính sẽ kéo dài trong khoảng 15 phiên nữa.

Trong một báo cáo cuối năm ngoái, Fubon ETF từng nhấn mạnh: “thời điểm hiện tại cho tới tháng 2/2023 sẽ là giai đoạn vô cùng tốt để đầu tư vào TTCK Việt Nam”. Quỹ ngoại này tự tin chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng hợp lý sau những động thái quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường.

Mặc dù đã qua giai đoạn tốt nói trên nhưng động thái tiếp tục huy động để “bơm” tiền vào cổ phiếu Việt Nam cho thấy tiềm năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với quỹ ngoại này. Và đây được đánh giá sẽ là bệ đỡ quan trọng hỗ trợ thị trường thời gian tới trong bối cảnh VNM ETF đã hết dư địa sau khi hoàn tất cơ cấu đổi chỉ số, còn các quỹ chủ động vẫn đứng ngoài.

Lo bị "rời bỏ"

Tuy nhiên, xét về ngắn hạn, SSI Research vẫn duy trì quan điểm về trung lập đối với dòng vốn ngoại sau một thời gian giải ngân liên tục.

"Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức từ tình hình vĩ mô trong nước và cũng không thể loại trừ việc dòng tiền chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc khiến cho dòng vốn vào các nước lân cận yếu dần", SSI Research nhận định.

Thực tế, việc khối ngoại mua ròng mạnh trở lại chủ yếu là từ Fubon ETF và Van Eck, nhưng dự tính đến khoảng ngày 28 – 30/3 thì Fubon ETF sẽ mua ròng chậm lại. Mặt khác, việc công bố báo cáo tài chính quý I/2023 dự báo kém khả quan có thể khiến P/E VN-Index tăng mạnh và điều này sẽ tạo áp lực rút ròng từ khối ngoại. Dự báo, dòng tiền tham gia thị trường vẫn sẽ thận trọng.

“Với mức thanh khoản thấp, khối ngoại bán ròng sẽ là điều đáng lo ngại cho TTCK”, ông Lã Giang Trung – CEO Passion Investment nhấn mạnh.

Mặt khác, DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) - từng là thỏi nam châm hút vốn ngoại bậc nhất thị trường đã có dấu hiệu “hụt hơi” rõ rệt trong thời gian gần đây. Ngay cả các ETF mô phỏng theo rổ chỉ số này cũng khó hút tiền. Dòng tiền vào FUEVFVND liên tục thu hẹp 4 tháng liên tiếp, thậm chí còn đang bị rút ròng gần 254 tỷ đồng từ đầu tháng 3 đến nay. Nguyên nhân một phần là bởi động thái “quay xe” của nhà đầu tư Thái Lan sau thời gian dài liên tục mua gom qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR).

Không chỉ DCVFM VNDiamond ETF, “tân binh” MAFM VNDiamond ETF do Công ty TNHH Quản lý quỹ Mirae Asset (Việt Nam) cũng không hút thêm được tiền kể từ khi ra mắt đầu tháng 3. Lượng chứng chỉ quỹ đến hiện tại vẫn là 5,4 triệu đơn vị (vốn điều lệ 54 tỷ đồng). MAFM VNDiamond ETF là quỹ hoán đổi đầu tiên ra mắt năm 2023 và ETF thứ 12 trên TTCK Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, để thu hút thêm dòng vốn ngoại cần phải cải thiện sự minh bạch của thị trường và có thêm nhiều loại sản phẩm. Vì rất khó tiếp cận thông tin quan trọng nên khối ngoai phải gánh chịu thêm rủi ro không cần thiết. Do đó, cải thiện sự minh bạch có thể là "chìa khóa" giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam với các sản phẩm khá hạn chế. Thị trường phái sinh tuy có quy mô gia tăng từng năm nhưng nếu so với thị trường cổ phiếu thì còn khá khiêm tốn, các sản phẩm chứng quyền hầu như không được khối ngoại quan tâm. Vì thế, chiến lược đầu tư của khối này trên thị trường Việt Nam là khá hạn chế, đặc biệt khi Việt Nam chưa cho bán khống. Sự thiếu hụt các sản phẩm đầu tư có thể làm giảm sự hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư nước ngoài. Và nếu có nhiều sản phẩm hơn, khối ngoại cũng có thể thực hiện nhiều chiến lược đầu tư hơn. 

Hải Giang

Lượt xem: 5
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan