Lệch pha giữa thanh khoản thị trường chứng khoán và dư nợ margin
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu chững lại, sự gia tăng cho vay không thúc đẩy VN-Index tăng điểm cho thấy rủi ro đang tiềm ẩn đối với thị trường, nhất là khi tình trạng khối ngoại bán ròng vẫn diễn ra mạnh mẽ.
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của 70 công ty chứng khoán (CTCK) đại diện 99,2% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành cho thấy dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt gần 243 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024, tăng nhẹ so với cuối quý III. Margin cuối quý III đạt 14,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với quý II.
Thanh khoản sụt giảm, dư nợ margin vẫn đạt kỷ lục
Trong đó, Chứng khoán SSI dẫn đầu về mức tăng tuyệt đối dư nợ margin: tăng 2,8 nghìn tỷ đồng so với quý trước, tiếp đến là VPBankS, VIX, HSC, VCI, ACBS, Mirae Asset. Đáng chú ý, SSI và VPBankS cùng có tăng trưởng về dư nợ margin nhưng sụt giảm về số dư tiền gửi của nhà đầu tư.
Xét theo tốc độ tăng trưởng dư nợ margin, Chứng khoán HD dẫn đầu với mức tăng vượt trội 82,7% so với quý trước, đưa quy mô margin lên mức 1.241 tỷ đồng trong quý IV. Ở chiều ngược lại, dư nợ margin giảm mạnh ở Chứng khoán KB Việt Nam: giảm 609 tỷ đồng, tương đương giảm 9,8% so với quý trước; VDS giảm 535 tỷ đồng, tương đương giảm 17,2%.
Dư nợ margin tiếp tục tăng cao. |
Đáng nói, mặc dù dư nợ margin tăng, nhưng thực tế sự gia tăng này không đi kèm với sự tăng trưởng tương ứng của thị trường chứng khoán (TTCK). VN-Index đi ngang với biên độ hẹp trong phần lớn thời gian của quý IV/2024.
Không chỉ vậy, thanh khoản giảm về mức thấp nhất trong 7 quý. Thanh khoản bình quân quý IV chỉ đạt 15.000 tỷ đồng mỗi phiên, giảm đáng kể so với mức 16,6 nghìn tỷ đồng của quý III liền trước; 22,2 nghìn tỷ đồng của quý II và 21,4 nghìn tỷ đồng của quý I.
Tỷ lệ đòn bẩy (tỷ lệ giữa margin/tổng giá trị vốn hóa điều chỉnh theo free-float) chạm mức 10,2% - mức cao nhất từ trước đến nay.
Quy mô tài sản của nhà đầu tư giảm mạnh trong quý IV/2024: giảm 61 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 3,8%.
Cụ thể, tổng tài sản tài chính bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… được quản lý bởi các CTCK giảm 43,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm 2,9%. Với số dư tiền gửi, dữ liệu cho thấy lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK giảm quý thứ 3 liên tiếp: giảm 17,8 nghìn tỷ đồng về hơn 73,5 nghìn tỷ đồng - mức thấp nhất trong 6 quý gần đây.
Tiềm ẩn rủi ro
Theo các chuyên gia, sự mở rộng về quy mô dư nợ cho vay tập trung tại 10 CTCK, nhưng phần lớn không thuộc phân khúc bán lẻ, tức là không có nhiều khách hàng là nhà đầu tư cá nhân.
“Lượng tiền margin trên thị trường hiện tại đúng là cao, nhưng với thanh khoản thấp thì có lẽ margin đến phần nhiều từ deal (thỏa thuận) với CTCK, còn lượng margin thực tế của nhà đầu tư cá nhân có lẽ không cao so với 1 - 2 năm trước”, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định.
Không chỉ vậy, diễn biến dư nợ margin cùng với quy mô tài sản của nhà đầu tư trong quý IV/2024 cho thấy dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch sang các loại tài sản khác, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước đối với TTCK.
Dù vậy, dưới góc nhìn tích cực, một số ý kiến cho rằng nhà đầu tư không cần quá lo lắng vì điều này phù hợp với diễn biến tăng vốn của các CTCK trong giai đoạn trước và sự mở rộng của số lượng nhà đầu tư.
Thống kê cho thấy dư địa cho vay margin từ các CTCK còn rất lớn sau những đợt tăng vốn trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, danh mục cho vay margin ở CTCK hiện khá lành mạnh.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, dư nợ căng nhất chủ yếu ở bất động sản - là nhóm rủi ro, nhưng dư nợ ở các công ty bất động sản hiện không nhiều, ít CTCK dám cho vay. Hiện, danh mục margin tại các CTCK chủ yếu là cho vay nhóm sản xuất và ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý khi margin tập trung vào các khoản cho vay có thỏa thuận riêng lẻ, rủi ro cũng gia tăng, đặc biệt trong trường hợp giá cổ phiếu biến động mạnh, có thể dẫn đến tình trạng “call margin” chéo. Hiện tại, tỷ lệ đòn bẩy margin/tổng vốn hóa thị trường đã duy trì ở mức cao, khoảng 9,2%. Với tỷ lệ này, khi thị trường gặp biến động, nguy cơ “call margin” và “force-sell” có thể tạo ra làn sóng bán tháo, làm suy yếu tính ổn định của thị trường.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC cảnh báo, rủi ro này dễ xảy ra trong bối cảnh dòng tiền margin tập trung vào các cổ phiếu của nhóm ngân hàng và thực phẩm - vốn nhạy cảm với biến động thị trường.
Đáng chú ý, với dư nợ cho vay margin tăng cao nhưng thanh khoản vẫn yếu đã thể hiện một bức tranh phân hóa của TTCK Việt Nam.
Mặt khác, trong bối cảnh khối ngoại tiếp tục bán ròng, triển vọng ngắn hạn của thị trường sẽ trở nên kém tích cực hơn nữa.
Vì thế, các nhà đầu tư cần nhận thức rõ ràng về rủi ro từ việc gia tăng margin khi thanh khoản không được cải thiện và tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường. Nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ thị trường bền vững, việc duy trì lãi suất cho vay ở mức hợp lý và tăng cường tính minh bạch trong quản lý margin sẽ là những yếu tố then chốt giúp ổn định thanh khoản và tăng trưởng lành mạnh cho TTCK Việt Nam.
Hải Giang