Khởi công rồi 'treo', bao giờ nguồn cung nhà giá bình dân tăng?

Bất chấp việc nhiều “ông lớn” địa ốc đang xoay dòng vốn về phân khúc bình dân, nguồn cung nhà giá rẻ được dự báo vẫn sẽ khó cải thiện trong ngắn hạn. Đặc biệt, hàng loạt dự án khởi công xong rồi “treo” càng khiến những người mua nhà ở thực cạn kiệt niềm tin.

Sau thời gian dài trầm lắng, cơn khát lên tới đỉnh điểm, phân khúc nhà ở bình dân thời gian qua với sự tham gia của loạt doanh nghiệp địa ốc đầu ngành, có dòng vốn mạnh như Vinhomes, Hưng Thịnh, Thắng Lợi, Đồng Tâm, Hòa Bình… đang dần sôi động trở lại.

Khó như… mua nhà ở xã hội

Sự tham gia của loạt đại gia giàu tiềm lực rõ ràng là một tín hiệu đầy tích cực cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực, tuy nhiên niềm vui này, nếu có, cũng sẽ chỉ đến trong tương lai xa. Còn hiện tại, việc mua được nhà ở xã hội với công nhân, người thu nhập thấp vẫn vô cùng gian nan.

Quê Nghệ An, anh Trần Văn Công (40 tuổi) đến Bình Dương làm công nhân tại một công ty sản xuất đồ gỗ đã gần 10 năm. Gia đình anh 4 người, 2 vợ chồng và 2 con nhỏ, từ lâu đã xác định sẽ định cư lâu dài ở quê hương thứ hai này.

Để thực hiện ước mơ định cư ở Bình Dương, vợ chồng anh Công luôn khát khao mua được nhà ở xã hội. Nhưng với tổng thu nhập 13 triệu đồng/tháng, đủ loại chi phí phải lo, để mua được nhà theo hình thức này không hề dễ.

“Nhà tôi đang ở thuê, nộp hồ sơ hai lần để mua nhà ở xã hội nhưng đều thất bại. Họ bắt phải chứng minh thu nhập, phải có xác nhận chưa có nhà ở cả quê quán và nơi tạm trú. Tuy nhiên, để được xác nhận không dễ. Vô cùng nản nhưng “cực chẳng đã” tôi đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội lần thứ 3”, anh Công chia sẻ.

-3269-1669973029.jpg

Rổ hàng bất động sản vẫn vắng bóng nhà giá rẻ vì những điểm nghẽn pháp lý, vốn ưu đãi.

Trong bối cảnh người dân mỏi mắt chờ đợi, nguồn cung khan hiếm, một thực trạng đáng buồn đang xảy ra là hàng loạt dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khởi công xong rồi… nằm bất động.

Minh chứng rõ ràng nhất cho thực trạng này là trong hai dịp 30/4 và 2/9 vừa qua, hàng loạt dự án nhà ở cho người thu nhập thấp làm lễ động thổ, mang lại niềm hy vọng lớn, nhưng cho đến nay không ít dự án trong số này vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm, “treo” vô thời hạn.

Đơn cử, đã hơn 6 tháng trôi qua, dự án nhà ở xã hội ở Khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh, TP.HCM) hiện vẫn đang ì ạch, dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất chỉ là hơn chục chiếc cọc bê tông cắm xuống đất.

Trước đó, vào cuối tháng 4, dự án được Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp cùng Tập đoàn Nam Long làm lễ khởi công. Công trình triển khai trên khu đất rộng gần 3.700 m2, với quy mô 242 căn theo chính sách thuê, mua, được cam kết triển khai đúng tiến độ, nhưng với tình trạng hiện nay, nhiều dấu hỏi đang được đặt ra.

Cũng trong tình cảnh tương tự là loạt dự án nhà ở xã hội MR1 của công ty Xuân Mai Sài Gòn (quận 7), Dragon E-Home (TP.Thủ Đức), dự án nhà lưu trú công nhân tại Khu chế xuất Linh Trung II do công ty Thiên Phát làm chủ đầu tư, dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP.Thủ Đức)...

Doanh nghiệp vẫn chờ "cởi trói"

Nguồn tin từ chủ đầu tư dự án MR1 cho hay pháp lý dự án đến nay chưa xong nên chưa có kế hoạch thi công. Còn đại diện Dragon Village, chủ đầu tư dự án Dragon E-Home cũng tiết lộ pháp lý vướng mắc là nguyên nhân chính khiến công trình không biết đến bao giờ mới có thể triển khai xây dựng.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết hầu hết các dự án pháp lý chưa hoàn chỉnh nhưng đã được "khởi công để lấy ngày", sau đó sẽ hoàn thiện thủ tục để thi công. Từ đầu năm đến nay, chính quyền TP.HCM tạo điều kiện để dự án có thể triển khai, song trên thực tế vẫn còn vướng ở một số sở, ngành khác.

Những diễn biến từ thực tế cho thấy, vướng mắc lớn nhất của nhà ở xã hội hiện tại là pháp lý. Những chồng chéo giữa Luật Nhà ở và các Luật khác liên quan đến những chính sách ưu đãi, giá bán, quy định quỹ đất tối thiểu 20% cho nhà ở xã hội... vẫn là bài toán cần tháo gỡ.

Cùng với đó là khó khăn về dòng tiền. Chính phủ đã dành hai gói tín dụng ưu đãi gồm gói 15.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất 4,8%/năm, và hỗ trợ 2% lãi vay ngân hàng thương mại cho các chủ đầu tư vay để xây nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ và nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, để kích thích việc phát triển nhà ở xã hội đáp ứng kỳ vọng thì vẫn cần động lực lớn hơn. Trong đó có đơn giản các thủ tục vay vốn, loại bớt các "chi phí không tên" cho doanh nghiệp.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam nhận định do thị trường bất động sản vẫn còn những vấn đề như quỹ đất hạn chế, vấn đề tài chính và pháp lý, dẫn đến giá trị sản phẩm bán ra có xu hướng tăng dần.

Do đó, để nguồn cung hạng C (phân khúc bình dân) được cải thiện, cần những chính sách hỗ trợ từ chính phủ trong việc giải quyết, tháo gỡ những nút thắt này trong thời gian tới. Cụ thể, ông Khương cho rằng cần hỗ trợ bổ sung quỹ đất mới, hỗ trợ về nguồn vốn và pháp lý, từ đó thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp với phân khúc giá bình dân dù biên lợi nhuận chỉ đạt ở mức thấp.

Hưng Nguyên

Lượt xem: 52
Tác giả: Hưng Nguyên
Tin liên quan