Cam Lâm hậu 'cơn lốc' phân lô bán nền

Từng được mệnh danh là “thủ phủ” phân lô bán nền trong giai đoạn 2020 - 2021, Cam Lâm (Khánh Hòa) hiện rơi vào trầm lắng, không còn cảnh xe đậu kín đường, cò đất cũng dần tháo chạy. Nhiều nhà đầu tư "lướt sóng" không kịp về "nơi trú ẩn" giờ rơi vào cảnh “dở sống dở chết”.

Cuối quý III/2022, thông tin Cam Lâm chính thức được “bấm nút” thông qua quy hoạch trở thành đô thị sân bay được giới đầu cơ nhà đất đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, sự kiện này có vẻ chưa đủ để kích thích thị trường bất động sản khu vực nóng trở lại trong bối cảnh khó khăn bủa vây.

Qua thời “lướt sóng ăn tiền”

Anh Lân, một môi giới “thổ địa” tại Khánh Hòa, chia sẻ thời điểm này năm 2021, điện thoại của anh gần như liên tục đổ chuông, giá đất nền dù đã qua thời “tăng từng giờ, từng ngày” nhưng mỗi ngày vẫn có vài lô đất được anh “chốt trong vài nốt nhạc”, kiếm về bạc triệu.

Đỉnh điểm của cơn sốt đất ở Cam Ranh, theo anh Lân, là vào cuối năm 2020 và 2 quý đầu năm 2021. Sau khi một vài tập đoàn lớn công bố ý định đầu tư dự án khủng ở Cam Lâm đã khiến giá đất nơi này tăng vọt. Hàng chục “dự án” hoành tráng mọc lên hoặc được "vẽ" ra.

Điển hình có thể kể đến như Cam Lâm Future, Cam Lâm Sky Lake, Cam Lâm Daimond, Cam Đức New Town, Cam Lâm Riverside... Các dự án dù chưa có quy hoạch cụ thể, chưa được thông qua, nhưng được “cò” giới thiệu với những "lời có cánh".

“Nền của các dự án “bánh vẽ” này thực chất là các đầm nuôi trồng thủy sản, hoặc các khu trồng cây lâu năm, có giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi được vẽ theo những dự án triệu USD, giá đất được thổi lên từ 10-20 triệu đồng/m2”, anh Lân kể.

-3339-1669885917.jpg

Bất động sản huyện Cam Lâm hậu sốt đất đang rơi vào trầm lắng, nhiều nhà đầu tư rơi vào thế khó (Ảnh minh họa: TL).

Tuy nhiên, sau cơn sốt đất điên cuồng, thị trường nhà đất Cam Lâm rơi vào ảm đạm, nhiều khu vực gần như đóng băng, những “dự án” triệu USD được quảng cáo một thời bằng những "lời có cánh" thì nay cỏ dại mọc um tùm, đường sá hư hỏng, xuống cấp.

Khảo sát thông tin tại các văn phòng môi giới trong huyện, lượng người tìm kiếm thông tin vẫn khá đông, tuy nhiên lượng người đến xem đất, đi tìm hiểu thực tế rất ít, các hợp đồng được chốt thành công lại càng hiếm hoi vì tâm lý “phòng thủ” lên ngôi, khách hàng ngại xuống tiền.

Hiện tại, giá đất nền trung bình tại Cam Lâm vào khoảng 9 triệu/m2, đất nền dự án khoảng 25 triệu/m2, đất biệt thự liền kề khoảng 40 triệu/m2, đất rừng Cam Lâm với các lô lớn vài ha hiện có giá 100-150 ngàn đồng/m2, đất lẻ do người dân tách thửa bán sau đợt sốt đầu năm 2022 vào khoảng 1,2-1,5 triệu/m2 (trước khi sốt, giá chỉ khoảng 700-800 triệu/1000m2).

“Loạn” phân lô chưa dứt

Anh Hoàng Nam, chủ một sàn giao dịch nhà đất tại Cam Lâm, cho hay dù giao dịch khá ít nhưng giá đất trên địa bàn vẫn neo ở mức cao. Kể từ đầu tháng 10 đến nay, số lượng hồ sơ ký gửi bán đất đang gia tăng mạnh, nhiều trường hợp đuối tài chính đã chấp nhận giảm giá 15-20%.

Những trường hợp muốn “thoát hàng”, theo anh Nam, hầu hết là những người mua vào lúc đỉnh sốt. Thời điểm đó, các nhà đầu "lướt sóng" vô cùng đông đảo, nhiều người mua chỉ cần số tiền 50-100 triệu đồng đặt cọc, sau vài ngày, thậm chí vài tiếng đã thu về vài trăm triệu tiền sang tay.

“Chính việc kiếm tiền quá dễ khiến nhiều người “tất tay”, đi vay lãi cao về gom đất, ôm cả chục lô một lúc. Thời gian đầu thanh khoản tốt, tiền về như nước, nhưng sau chính quyền vào cuộc, thị trường bị siết quá nhanh khiến không ít nhà đầu tư giờ “chết” trên đống tài sản, núi nợ đè nặng. Có khách hàng của chúng tôi hiện đang nhờ bán gần 30 lô, giá cả trăm tỷ. Có lô xấu dù đã giảm về dưới giá mua vào nhưng 2 tháng nay chưa tìm được người mua”, anh Nam kể.

Các kết quả thăm dò cho thấy đang có không ít nhà đầu tư rót tiền vào các dự án “bánh vẽ” triệu USD ở Cam Lâm rơi vào thế khó, đứng ngồi không yên vì áp lực thanh khoản, lãi suất tăng. Tuy nhiên, nghịch lý là vấn nạn hiến đất làm đường, phân lô, bán nền trên vùng đất này chưa được “trị tận gốc”.

Minh chứng là vào cuối tháng 11 vừa qua, UBND huyện Cam Lâm đã ra “tối hậu thư” yêu cầu các cơ quan chức năng tạm dừng thực hiện các thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với 2.385 thửa đất thuộc 114 khu vực liên quan việc “hiến đất mở đường”, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, theo văn bản của UBND huyện Cam Lâm do Chủ tịch huyện Ngô Văn Bảo ký ngày 23/11/2022, việc yêu cầu dừng làm các thủ tục đối với hàng ngàn thửa đất đã nêu của cá nhân, doanh nghiệp dựa trên ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc khắc phục hậu quả các sai phạm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại huyện này.

Trước đó, theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm, sau nhiều hành động siết chặt quản lý, tại thị trấn Cam Đức, các xã Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Suối Cát và Suối Tân vẫn có gần 30 trường hợp xây dựng nhà ở, khu nhà cho thuê trọ, quán cà phê… ở những nơi “hiến đất” làm đường để phân lô, bán nền.

Các diễn biến thực tế cho thấy dù thị trường đang chững lại, vấn nạn hiến đất làm đường để phân lô, bán nền vẫn đang âm ỉ diễn ra tại Cam Lâm, nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy cho thị trường, nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Nhật Minh

Lượt xem: 88
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan