Hướng tới cơ chế thị trường cho điều hành giá điện
Trong đó, giá điện sinh hoạt tăng 1%, chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam, do thời tiết nắng nóng. Hiện đã vào tháng 5, thời tiết các tỉnh phía Bắc cũng bước vào cao điểm nắng nóng nên giá điện sinh hoạt chắc chắn sẽ còn tăng cao. Tình trạng này đặt ra câu hỏi cấp thiết về công tác quản lý giá điện.
Nghị định số 72/2025/NĐ-CP ngày 28/3/2025 của Chính phủ quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân quy định:
Hằng năm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện năm N-2, giá bán lẻ điện bình quân năm N được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào.
Theo đó, khi giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng; giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.
Thứ nhất, giá điện chưa được vận hành theo cơ chế thị trường, chưa phản ánh đúng và đủ các chi phí đầu vào để sản xuất một kWh điện, với tình trạng "mua cao, bán thấp" kéo dài nhiều năm.
Thứ hai, giá điện đang phải gánh vác đa mục tiêu, từ hỗ trợ tăng trưởng ngành điện, thu hút đầu tư, đến kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Những mục tiêu này thường xung đột, gây khó khăn trong việc điều hành.
Thứ ba, cơ chế bù chéo giữa các nhóm khách hàng như hộ sinh hoạt, sản xuất, vùng miền… kéo dài đã cản trở việc áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa nhận định, cơ chế này khiến giá điện trở thành giá bao cấp cho toàn xã hội, dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
Hơn nữa, còn khiến ngành điện chịu dòng tiền âm, khó tái đầu tư và phát triển bền vững.
Cơ chế giá điện hiện khiến ngành điện khó tái đầu tư. Ảnh minh hoạ: EVN
Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, giá điện trung bình tại Việt Nam hiện tương đương với Trung Quốc và Ấn Độ, cao hơn Bangladesh và Malaysia - những nước có lợi thế tài nguyên thủy điện hoặc dầu khí, nhưng thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Singapore và Philippines. Đặc biệt, Thái Lan sau khi chuyển sang cơ chế tính giá điện theo giờ đã chứng kiến giá điện tăng mạnh, thậm chí gấp rưỡi so với vài năm trước.
Ông Hà Đăng Sơn nêu rõ, việc duy trì giá điện thấp hơn chi phí thực tế có thể mang lại lợi thế tạm thời cho sản xuất và an sinh xã hội, nhưng về lâu dài sẽ gây mất cân bằng trong đầu tư hạ tầng, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng điện ổn định. Do vậy, giải pháp căn cơ là xây dựng một lộ trình điều chỉnh giá điện minh bạch, phản ánh đúng chi phí, đồng thời có chính sách giảm thiểu tác động xã hội khi giá tăng.
Để giải quyết các bất cập, ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất chuyển điều hành giá điện sang cơ chế thị trường, trong đó giá điện phải được tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh. Quan trọng hơn, cơ chế bù chéo cần được xóa bỏ, thay bằng các chính sách hỗ trợ riêng biệt cho các nhóm yếu thế.
Trước đó, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.
Ngày 31/3/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã ký ban hành Quyết định số 07/2025/QĐ-TTg quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) có mức tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và mức tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.