Giá vàng trong nước đang bị tác động bởi tâm lý nhà đầu tư

Phản ứng tức thì trước dữ liệu lạm phát của Mỹ và EU, giá vàng thế giới hôm nay (11/3) tăng cao trở lại mức 1.998 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng trong nước lại theo “lối đi riêng”. Các chuyên gia cho rằng, giá vàng trong nước đang bị tác động chính bởi tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, người dân nên thận trọng giao dịch vàng, cần cân nhắc kỹ, tránh chạy theo xu hướng đám đông.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có vẻ trở nên tồi tệ hơn, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2022 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong 40 năm qua. Đây là yếu tố tiếp tục đẩy lạm phát lên cao. Trong khi đó, tại khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - bà Christine Lagarde cho biết lạm phát tại EU đang tăng cao và các rủi ro đến từ lạm phát có thể có thể làm cho tăng trưởng kinh tế khu vực này chậm lại.

gia-va-ng-11-3-jpeg-1646960749-9977-1646

Giá thế giới tăng trở lại, trong khi giá vàng trong nước lại theo "lối đi riêng" .

Đêm qua, giá dầu thô giảm mạnh, giao dịch quanh mức 106 USD/thùng, USD tăng giá so với nhiều đồng tiền đối thủ, lãi suất trái phiếu Mỹ vọt lên 1,95%/năm. Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu giảm điểm rất mạnh cho thấy nhiều người đã dịch chuyển vốn vào thị trường vàng để phòng ngừa rủi ro do lạm phát gây ra. Giá vàng vì thế có động lực đề bật tăng.

Trước các thông tin trên, giới kinh doanh nhận thấy thị trường vàng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ. Thế nên khi giá vàng giao dịch tại 1.980 USD/ounce, họ đã dồn vốn vào kim loại quý này. Giá vàng thế giới có lúc tăng 30 USD/ounce để leo lên 2.010 USD/ounce lúc 21 giờ ngày 10/3.

Ở mức giá này, một số người chuyên lướt sóng vàng bắt đầu bán ra chốt lời. Giá vàng buộc phải hạ nhiệt và đến 6 giờ ngày 11/3 giao dịch tại 1.998 USD/ounce, tăng 6 USD/ounce so với mức giá cùng thời điểm hôm trước là 1.992 USD/ounce.

Tại Việt Nam, giá vàng ghi nhận ngày thứ 3 liên tiếp giảm sâu với mức giảm cao nhất lên tới 4 triệu đồng/lượng, đưa giá vàng trong nước xuống quanh mức 70 triệu đồng/lượng.

Đầu giờ sáng nay (11/3), tại Hà Nội Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,4 - 70,2 triệu đồng/lượng; tại TP HCM niêm yết 68,0 - 70,22 triệu đồng/lượng, đều giảm 1,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào, giảm 2 triệu đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng hôm qua.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 67,5 - 69,8 triệu đồng/lượng, giảm 1,7 triệu đồng/lượng chiều mua vào, giảm 2 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Trước đó, giá vàng SJC đã quay đầu lấy lại xu hướng tăng trong chiều qua (10/3) sau khi liên tục lao dốc thẳng đứng trong phiên buổi sáng với mức giảm lên tới 3,5 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, giá vàng tăng mạnh từ 350.000 đồng/lượng đến 1,5 triệu đồng/lượng so với xu hướng giảm trong buổi sáng. Trong đó, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn tăng mạnh nhất khi giá vàng SJC đồng loạt tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tập đoàn Doji ghi nhận sự điều chỉnh ít hơn, giá vàng SJC tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng nhiều hơn ở chiều bán ra là 1,4 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Phú Quý và hệ thống PNJ cùng điều chỉnh giá vàng SJC tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, còn chiều mua vào tăng 500.000 đồng/lượng tại hệ thống PNJ nhưng tăng tới 1,3 triệu đồng/lượng tại Tập đoàn Phú Quý.

Giá vàng SJC có sự điều chỉnh ít nhất tại Bảo Tín Minh Châu, khi lần lượt tăng chỉ 500.000 và 350.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra.

Nhìn chung, sau khi lên đỉnh trong phiên giao dịch ngày 8/3, giá vàng trong nước giảm gần 5 triệu đồng mỗi lượng.

Giới phân tích trong nước nhận định, những biến động mạnh của giá vàng SJC những ngày qua cho thấy, vàng trong nước biến động rất mạnh nhưng không bị chi phối nhiều bởi giá vàng thế giới. Bằng chứng là, có những thời điểm giá vàng thế giới chỉ tăng vài chục USD/ounce nhưng giá trong nước lại tăng tới 6 - 7 triệu đồng/lượng. Ngược lại, lúc giá vàng thế giới tăng mạnh, vượt mốc 2.050 USD/ounce, giá trong nước lại giảm 3 - 4 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng trong nước hiện nay không đi cùng nhịp với giá thế giới mà bị tác động chính bởi tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt tâm lý mua vàng tích trữ do xung đột Nga-Ukraine và có yếu tố phòng thủ của các công ty kinh doanh kim loại quý. Bởi vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân nên thận trọng giao dịch vàng vì giá kim loại quý này liên tục biến động. Trước khi ra quyết định mua bán vàng cần cân nhắc kỹ, tránh chạy theo tâm lý đám đông.

Tại thời điểm khảo sát giá vàng, USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,58% lên 98,525 điểm.

Tỷ giá Euro so với USD tăng 0,26% lên 1,1012. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,15% lên 1,3104. Tỷ giá USD so với Yên Nhật tăng 0,04% lên 116,18.

Theo Reuters, tỷ giá USD tiếp tục tăng cao, trong khi đồng Euro suy yếu so với phiên trước đó trong bối cảnh giới đầu tư chờ đợi các cuộc đàm phán cấp cao giữa Ukraine và Nga cũng như cuộc họp chính sách của ECB.

Trên thị trường, tỷ giá đồng đô la Úc vốn nhạy cảm với tâm lý đầu tư rủi ro đã tăng 0,3%so với USD lên mức 0,7340. Tỷ giá USD so với đồng Rouble tăng 0,4% lên 120,47 do đồng tiền của Nga bị ảnh hưởng sau các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp dụng đối với nước này sau cuộc xung đột với Ukraine.

Trong nước, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 11/3 là 23.164 VND/USD. Giá USD tại các ngân hàng thương mại giao dịch ở mức 22.670 VND/USD chiều mua vào và 22.980 VND/USD chiều bán ra.

Trên thị trường tự do, tỷ giá USD đang giao dịch ở mức 23.485 - 23.540 VND/USD.

Châu Giang

Lượt xem: 200
Tác giả: Châu Giang
Tin liên quan