Giá tiêu đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay (6/6) trong khoảng 71.000-74.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với cùng thời điểm ngày hôm qua. Việc vụ thu hoạch ở Brazil và Indonesia bắt đầu sẽ tác động đến giá tiêu nội địa.

-2777-1686016468.jpg

 Bộ Công Thương cho rằng giá tiêu sẽ đi lên trong nửa cuối năm.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 72.500 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 71.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Đồng Nai, giá tiêu ở mức 71.500 đồng/kg. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 74.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Phước, tiêu được thu mua với mức 73.500 đồng/kg.

Việc giá tiêu giảm phù hợp với nhận định và dự đoán giá tiêu tuần này không có nhiều khởi sắc. Thị trường có đi lên cũng chỉ trong khoảng hẹp khi những lo ngại về nguồn cung vẫn lớn.

Giá hồ tiêu đã từng xuống mức thấp 34.000 đồng/kg vào tháng 3/2020, mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Từ nửa cuối năm 2020, giá tiêu đã tăng trở lại và đạt mức 89.000 đồng/kg vào đầu năm 2022. Từ tháng 3/2022 giá hồ tiêu liên tục giảm và thời điểm đầu tháng 1/2023 đứng ở mức 60.000 đồng/kg.

Đến nay, giá tiêu một số vùng trồng đã đạt mức 74.000 đồng/kg trước lo ngại nguồn cung giảm khi sản lượng không cao.

Tuy giá tiêu hiện tại đang ở mức cao nhưng chi phí đầu tư cũng cao do giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công tăng mạnh nên người trồng tiêu thực chất không lãi nhiều. Trong khi đó, năng suất và diện tích nhiều vùng giảm mạnh, khiến những lo ngại về nguồn cung càng hiện rõ.

Thị trường hiện đứng trước thực trạng, khi vụ thu hoạch tại Việt Nam kết thúc cũng là lúc vụ thu hoạch ở Brazil và Indonesia bắt đầu. Có dự báo cho thấy, tiêu Indonesia và Brazil sẽ giảm 10-15% sản lượng. Điều này dẫn đến giảm mức dự trữ toàn cầu và sẽ tác động ngược lại với giá tiêu nội địa.

Nhận định về thị trường hồ tiêu trong nửa cuối năm, Bộ Công Thương cho rằng giá sẽ đi lên, thị trường trở nên sôi động khi nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, Papua New Guinea, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ..., bù đắp cho nhu cầu nhập khẩu vẫn trầm lắng của thị trường Mỹ và EU.

Tuy nhiên, để nâng vị thế và giữ vững hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực, các cấp ngành ở một số địa phương cần có giải pháp chiến lược lâu dài để người dân không chặt tiêu chuyển sang trồng những cây khác. Trong đó, cần hỗ trợ người trồng tiêu giải quyết khó khăn, yên tâm sản xuất và có điều kiện duy trì những vườn tiêu còn sinh trưởng tốt.

N.Y

Lượt xem: 1
Tác giả: N.Y
Tin liên quan