Điều chỉnh giá nước, thu hút nhà đầu tư là cần thiết

Đến hết năm 2022, mạng lưới cấp nước tập trung của thành phố Hà Nội đã bao phủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% người dân khu vực đô thị và khoảng 85% người dân nông thôn. Từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu nâng tỷ lệ cấp nước cho người dân khu vực nông thôn lên 100%. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt việc điều chỉnh giá nước, thu hút nguồn lực từ nhà đầu tư trong các dự án xây dựng hệ thống cấp nước là việc làm cần thiết.

Bài 1: Hà Nội nâng cao chất lượng nước sạch phụ vụ Nhân dân

Để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được tiếp cận nước sạch như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước "phủ sóng" nguồn nước sạch, đồng thời nâng cao chất lượng nước phục vụ người dân.

Hiệu quả từ các chính sách đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2018 trở về trước, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố khoảng 897.000m3/ngày - đêm, mới cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước cho khu vực đô thị. Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao (tăng 5-10% trong những ngày cao điểm nắng nóng), cộng với tốc độ phát triển đô thị (số khách hàng đấu nối tăng thêm trung bình khoảng 50.000 - 60.000 khách hàng/năm) nên tình trạng thiếu nước xảy ra. Nước sạch không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là khu vực có địa hình bất lợi, cuối nguồn, chung cư cao tầng.

Điều chỉnh giá nước, thu hút nhà đầu tư là cần thiết

100% người dân đô thị được sử dụng nước sạch

Thiếu nước sạch, nhiều hộ gia đình đã phải sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, nước ngầm có hàm lượng asen, amoni, sắt cao, thậm chí có nơi bị nhiễm khuẩn coliforms, E.coli…, nên chất lượng nước không bảo đảm cho mục đích ăn, uống, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Chị Hoàng Thị Quyên (46 tuổi, ở Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày trước, khi chưa có công trình cấp nước sạch, các hộ gia đình ở đây phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào và nước mưa. Nước bơm từ giếng khoan sâu hun hút mấy chục mét lên bể, sau đó được lọc bằng cát, than. Lọc xong những thứ dùng để lọc nước sền sệt, quánh đặc chất bùn vàng chóe do nước để lại. Nghĩ lại vẫn thấy hãi hùng. Bây giờ thì sướng hơn nhiều, có nước sạch dùng tại nhà, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa không phải lích kích lọc rửa bể”.

Để đảm bảo người dân được sử dụng nguồn nước sạch chất lượng, bên cạnh các chính sách chung của Chính phủ như: Hỗ trợ đầu tư các công trình ngoài hàng rào; Chi phí giải phóng mặt bằng; Ưu tiên nguồn tài chính cho các dự án cấp nước; Ưu tiên hỗ trợ lãi suất sau đầu tư các dự án cấp nước sử dụng nguồn vốn vay thương mại...; Hà Nội cũng đã có nhiều quyết nghị cụ thể trong nội dung chi đầu tư phát triển của ngân sách cấp thành phố vào "Đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt" (Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 5/12/2016).

UBND thành phố cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch như: Ưu đãi về đất đai, ưu đãi về thuế, ưu đãi trong huy động vốn, hỗ trợ về vốn…

Điển hình, ngày 28/12/2021, Hà Nội ban hành kế hoạch số 311/KH-UBND về việc hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng nước sạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 125-160 lít/người/ngày; Tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh được sử dụng nước sạch đạt 100% với 100-125 lít/người/ngày; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 98%-100%, với 105-110 lít/người/ngày. Hà Nội cũng phấn đấu giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch xuống dưới 15%.

Theo kế hoạch, thành phố xác định các danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo định hướng điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô; Đồng thời huy động và tập trung các nguồn lực cho phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố, đặc biệt là mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn.

Song song đó, Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước; Từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý hệ thống nước sạch; Điều chỉnh, bổ sung công nghệ xử lý nước hiện đại...

Đã “phủ” nước sạch tới 274 xã khu vực nông thôn

Với sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố, các cấp, ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp, đến năm 2019, đã có 5 dự án nguồn hoàn thành, bổ sung 623.000m3 nước/ngày-đêm, nâng tổng công suất các nguồn cấp nước của thành phố đạt 1.520.000m3/ngày-đêm.

Trong khi đó, việc triển khai các dự án cấp nước tại khu vực nông thôn Hà Nội cũng đã đem lại những kết quả nhất định. Nếu thời điểm tháng 6/2016, chỉ có 37,2% người dân nông thôn có nước sạch thì đến nay, đã có 274/413 xã, tương đương khoảng 85%, người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch nhờ việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung của thành phố.

Vận hành hệ thống bơm tăng áp cung cấp nước tại Công ty Nước sạch Hà Đông

Vận hành hệ thống bơm tăng áp cung cấp nước tại Công ty Nước sạch Hà Đông

Thông tin về kết quả đầu tư các dự án nước sạch, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay, tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn thành phố đạt trên 1.530.000m3/ngày - đêm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cho 100% Nhân dân khu vực đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn.

Tại huyện Đông Anh, đã có thêm 5 xã được “phủ mạng” cấp nước. Trong đó, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đã triển khai dự án tại xã Cổ Loa, một phần các xã Bắc Hồng, Thụy Lâm; Liên danh Aqua One - Công ty cổ phần Nước sạch sông Đuống đang thi công mạng cấp nước cho xã Liên Hà và Vân Hà.

Tại huyện Phú Xuyên, với việc hoàn thành mạng cấp nước tới xã Văn Hoàng, Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam đã hoàn thành phủ mạng cấp nước cho toàn huyện. Tại huyện Chương Mỹ, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã thi công mạng cấp nước cho 7 xã: Hòa Chính, Lam Điền, Phụng Châu, Quảng Bị, Tốt Động, Thanh Bình, Thụy Hương và đang thi công cho các xã còn lại của huyện...

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp về việc phát triển hệ thống cấp nước của Hà Nội, 10 năm qua, lĩnh vực cấp nước của Thủ đô đã có bước tiến vượt bậc. Chất lượng nước được nâng cao, phạm vi phục vụ nước được mở rộng, đáp ứng nhu cầu nước sạch cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Thành phố cũng đã đi rất đúng hướng trong việc phát triển hệ thống nước mặt, giảm dần khai thác nước ngầm. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ tiến tới giảm dần khai thác nước ngầm để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên nước.

(Còn nữa)

Lượt xem: 5
Tác giả: Diệu Linh
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật