Giá khí đốt châu Âu lại lập đỉnh sau động thái của Nga
Giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã thiết lập mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 22/8, cao hơn 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, theo dữ liệu từ Sàn trao đổi ngoại tệ quốc tế (ICE) của London, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 9 tại trung tâm TTF ở Hà Lan đã lên tới 280,24 euro/MWh. Con số này cao gấp hơn 10 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái khi khí đốt được giao dịch dưới mức 27 euro/MWh.
Giá khí đốt tăng mạnh ngay sau khi Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo rằng nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) sẽ bị ngừng hoàn toàn từ ngày 31/8-2/9 để bảo trì thiết bị nén khí còn vận hành duy nhất của hệ thống.
Trong khoảng gần 3 tháng trở lại đây, tập đoàn Gazprom đã liên tục siết khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc tới Đức với lý do hạn chế về các vấn đề kỹ thuật trong công tác bảo trì và do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.
Điều này khiến cho giả thuyết về một mùa đông không có khí đốt của Nga có thể trở thành hiện thực và điều này sẽ là một thảm kịch đối với lục địa già. Cú sốc năng lượng đang đẩy nền kinh tế châu lục này tiến gần hơn đến suy thoái nếu không kịp thời đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để duy trì hoạt động của nền kinh tế.
Việc Nga cắt giảm khí đốt sẽ buộc các chính phủ phải chia tỷ lệ sử dụng nhiên liệu và các doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy, khiến hàng nghìn người mất việc làm.
Trước đó, sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, các bộ trưởng năng lượng thuộc khối EU đã đồng ý với kế hoạch cắt giảm 15% khí đốt sử dụng trong mùa đông, tương đương 45 tỷ m3. Điều này được cho là sẽ làm giảm tác động tổng thể trong trường hợp xảy ra khủng hoảng khí đốt toàn diện.
Thỏa thuận được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi công ty năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc xuống chỉ còn 20% từ ngày 27/7 với lý do kỹ thuật.
Trước thông báo từ Gazprom, bà Ursula Von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) cũng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin cố gắng “tống tiền” các nước châu Âu bằng khí đốt và cho rằng việc công ty này cắt giảm khí đốt do kỹ thuật là lý do không thoả đáng.
Theo kế hoạch tiết kiệm năng lượng, tất cả các nước thành viên EU sẽ phấn đấu giảm tiêu thụ khí đốt 15% từ tháng 8 năm nay đến cuối tháng 3/2023. Trong trường hợp lượng khí đốt của Nga ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc khi nhu cầu lên cao quá mức, các quốc gia EU có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng nhằm kích hoạt tiết kiệm bắt buộc ngay lập tức.
Xem thêm >> Gặp quan chức Mỹ, Đài Loan cam kết đảm bảo nguồn cung bán dẫn cho đối tác