Fed giữ lãi suất cao nhất 23 năm: Chứng khoán toàn cầu tăng vọt, USD trượt dốc
Chứng khoán thế giới và giá vàng tăng trong khi đồng USD trượt dốc sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất như dự đoán và báo hiệu vẫn có kế hoạch cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết chỉ số lạm phát cao gần đây không làm thay đổi câu chuyện cơ bản về việc áp lực giá giảm dần, nhưng ông cũng cho biết thêm rằng dữ liệu gần đây cũng không củng cố niềm tin của ngân hàng trung ương rằng cuộc chiến chống lạm phát đã thắng.
Về bối cảnh, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) ấn định lãi suất cho vay qua đêm của ngân hàng trung ương giữ nguyên ở mức 5,25% -5,5%, mức cao nhất trong vòng 23 năm. Đồng thời, FOMC tái khẳng định kế hoạch cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay mỗi lần tương ứng 0,25 điểm %.
Phố Wall trước đó lo sợ về một chính sách "diều hâu" của Fed khi đối mặt với rủi ro lạm phát ngày càng tăng giờ đã thở phào nhẹ nhõm trước phản ứng kiềm chế của ngân hàng này.
Ông Irene Tunkel, chiến lược gia trưởng về chứng khoán Mỹ tại BCA Research ở Florida, cho biết: “Thị trường cảm thấy nhẹ nhõm khi Fed vẫn dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Cho đến nay, các chỉ số lạm phát quá nóng gần đây vẫn chưa làm kế hoạch của Fed bị chệch hướng".
Chứng khoán tăng
Chỉ số MSCI, thước đo chung về cổ phiếu của các thị trường phát triển toàn cầu, đã tăng 0,61% khi chứng khoán Phố Wall lập đỉnh sau thông báo của Fed.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 1,03%, S&P 500 tăng thêm 0,89% và Nasdaq Composite tăng vọt tới 1,25%.
Triển vọng giảm lãi suất đè nặng lên lợi suất trái phiếu kho bạc. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm 7,9 điểm cơ bản xuống còn 4,6129%. Lãi suất trái phiếu 10 năm chuẩn giảm 1,5 điểm cơ bản xuống 4,281%.
Chỉ số Nikkei của Tokyo đã đóng cửa nghỉ lễ tại Nhật Bản vào ngày 20/3, trong khi chỉ số rộng nhất của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản của MSCI kết thúc ở mức ổn định mặc dù chứng khoán Hàn Quốc tăng 1,3%, được thúc đẩy bởi giá cổ phiếu của Samsung tăng 5,6% sau khi Nvidia cho biết họ đã đủ tiêu chuẩn sản xuất chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) của nhà sản xuất chip Hàn Quốc.
Chứng khoán Trung Quốc đóng cửa tăng nhẹ. Shanghai Composite tăng 0,5%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,2%.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu không thay đổi trong ngày, mặc dù cổ phiếu của Kering, nhà sản xuất hàng xa xỉ Gucci, lao dốc sau cảnh báo sụt giảm doanh số khổng lồ.
Các nhà ấn định lãi suất hàng đầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã xác nhận tháng 6 là tháng có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất và một số người muốn có tới 4 đợt cắt giảm trong năm nay.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu tại một hội nghị ở Frankfurt ngày 20/3 rằng: “Các quyết định của chúng tôi sẽ phải phụ thuộc vào dữ liệu và từng cuộc họp. Điều này có nghĩa là ngay cả sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên, chúng tôi không thể cam kết trước về một lộ trình lãi suất cụ thể".
Rạng sáng 21/3, giá vàng thế giới giao ngay tăng 1,2% lên 2.183,02 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 2.161 USD/ounce.
Đồng USD đảo chiều
Đồng USD đảo chiều giảm giá sau cuộc họp của Fed. Chỉ số đồng USD giảm 0,433%, điều này đã giúp đồng yên nhật bớt trượt giá. Đồng yên đã giảm 0,30% so với đồng bạc xanh ở mức 151,29 yên/USD.
Đồng yên đã gặp khó khăn kể từ khi Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm trong tuần này, một động thái mà các nhà giao dịch tin rằng sẽ giữ chênh lệch lợi suất giữa Kho bạc và trái phiếu chính phủ Nhật Bản đủ rộng để duy trì áp lực bán đối với đồng yên.
Đồng euro tăng giá so với đồng USD vào cuối ngày, tăng 0,51% ở mức 1,092 USD.
Tuy nhiên, giá dầu đã giảm từ mức cao nhất trong nhiều tháng do đồng USD tăng giá gần đây. Dầu Brent giảm 1,95% xuống 81,68 USD/thùng.
Xem thêm >> Fed thông báo cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm, cả Phố Wall 'dậy sóng'