Điều kiện vĩ mô cải thiện sẽ mở ra cơ hội đầu tư trên thị trường giao dịch hàng hóa năm 2025

Bước sang năm 2025, lạm phát được kỳ vọng tiếp tục hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương tiếp tục hạ lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Yếu tố vĩ mô cải thiện dự kiến sẽ mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn, góp phần tích cực vào việc duy trì và phát triển hoạt động giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Đây là nhận định được ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) chia sẻ với Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ dịp đầu xuân.

Phóng viên: Nhìn lại năm 2024, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế vĩ mô toàn cầu có nhiều biến động?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Năm 2024 có thể nói là một năm biến động lịch sử của thị trường giao dịch hàng hóa. Tất cả các mặt hàng đều biến động rất mạnh. Chỉ số MXV-Index chốt năm 2024 với mức tăng 5% so với năm 2023. Một số nguyên liệu như giá cà phê Robusta liên tục vượt đỉnh lịch sử, hiện đang ở vùng giá cao gấp đôi năm ngoái. Giá cà phê Arabica cũng vượt đỉnh vào đầu tháng 12. Trong khi đó, giá đồng và giá bạc cũng lần lượt chạm đỉnh vào tháng 5 và tháng 10.

Điều này đã minh chứng cho một năm giao dịch sôi động của thị trường. Khối lượng giao dịch hàng hóa tại Việt Nam năm 2024 tăng hơn 10% so với năm 2023, với giá trị giao dịch trung bình đạt 5.000 tỷ đồng/ngày. Đặc biệt, ngày 19/4 ghi nhận giá trị giao dịch kỷ lục, đạt gần 11.000 tỷ đồng, một con số chưa từng có trong lịch sử thị trường.

Bên cạnh đó, năm 2024 cũng chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng tài khoản giao dịch, với hơn 10.000 tài khoản được mở mới, nâng tổng số tài khoản trên thị trường lên 40.000 tài khoản. Điều này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư đối với thị trường giao dịch hàng hoá.

Hiện nay, MXV đang quản lý 30 thành viên với các văn phòng và chi nhánh khắp cả nước, đồng thời liên thông giao dịch 46 sản phẩm với các sở giao dịch hàng hóa (Sở GDHH) lớn nhất thế giới.

Về hạ tầng, MXV đã không ngừng nâng cấp hệ thống giao dịch, cải tiến các tính năng tự động hóa, đảm bảo giao dịch ổn định và không gặp bất kỳ sự cố hay gián đoạn nào trong năm 2024. Hệ thống công nghệ MXV đang áp dụng có thể đáp ứng khối lượng giao dịch cao gấp nhiều lần so với hiện nay, mà vẫn đảm bảo sự ổn định và thông suốt.

ong-nguyen-ngoc-quynh-pho-tong-giam-doc-mxv.jpg

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)

Phóng viên: Trong năm 2024, Sở Giao dịch Hàng hóa đã triển khai những giải pháp gì để thúc đẩy sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Với bất kỳ thị trường tài chính nào thì hành lang pháp lý vững chắc chính là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển bền vững. Mặc dù Luật Thương mại 2005 cùng các nghị định hướng dẫn thi hành đã tạo nền tảng pháp lý ban đầu cho thị trường, nhưng nhiều quy định hiện tại đã không còn phù hợp, đòi hỏi sự điều chỉnh kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Do đó, trong năm 2024, MXV đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến có giá trị vào việc xây dựng Nghị định mới về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở; đồng thời đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định liên quan đến hoạt động của thị trường. Trong đó, Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Điện lực sửa đổi đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cũng trong năm 2024, MXV đã có những chuyến thăm và làm việc với Sở Giao dịch Hàng hóa Đại Liên, Sở Giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải, Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải, từ đó mở ra cơ hội hợp tác chiến lược với Trung Quốc để niêm yết giao dịch các sản phẩm của thị trường tỷ dân. Việc liên thông với thị trường Trung Quốc sẽ mở ra những cơ hội chưa từng có đối các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước, giúp tối ưu hóa hiệu quả trong nghiệp vụ bảo hiểm giá và đầu tư

Tháng 12/2024, MXV đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi là đại diện Việt Nam duy nhất tham dự hội nghị các Tổ chức phái sinh châu Á 2024 tại Singapore với sự tham dự của 1.200 khách mời quốc tế, khẳng định nỗ lực hội nhập toàn cầu.

Bên cạnh đó, MXV đã ký kết các thỏa thuận hợp tác quan trọng về logistics trong giao dịch hàng hóa với 2 đối tác lớn là Tập đoàn Logistics quốc tế CWT và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng hàng hóa toàn diện, cả trong và ngoài nước.

MXV cũng đang tích cực phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để sớm triển khai việc niêm yết giao dịch các sản phẩm đặc thù của Việt Nam trong năm 2025.

Phóng viên: Các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tỷ giá và chính sách tiền tệ có ảnh hưởng ra sao đến thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam trong năm qua? Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường năm tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Là nền kinh tế có độ mở cao và hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những ảnh hưởng của biến động vĩ mô toàn cầu. ​​Về lạm phát, sau khi đạt đỉnh vào năm 2022, lạm phát toàn cầu đã giảm nhẹ trong năm 2023 và dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tạm ngừng tăng lãi suất và bắt đầu xoay trục chính sách sang nới lỏng tiền tệ nhằm phục hồi tăng trưởng. Tính đến nay, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã trải qua 3 lần hạ lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ 4 lần, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) hạ 2 lần, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ hạ 4 lần…

Như vậy, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro như diễn biến khó lường của xung đột địa chính trị, tình hình kinh tế vĩ mô thế giới đã đón nhận nhiều điểm sáng trong năm qua, điều này đã có những tác động tích cực lên bức tranh kinh tế trong nước.

Tại Việt Nam, nhờ chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá được giữ ở mức tương đối ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát… Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao dịch hàng hóa tại MXV trong năm 2024.

Sang năm tới, lạm phát thế giới được kỳ vọng tiếp tục hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương tiếp tục hạ lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự cải thiện của yếu tố vĩ mô dự kiến sẽ mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn, góp phần tích cực vào việc duy trì và phát triển hoạt động giao dịch hàng hóa tại MXV.

Phóng viên: Ông nhận định gì về triển vọng của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam trong năm 2025?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Trong năm 2025, thị trường giao dịch hàng hóa dự báo sẽ tiếp tục biến động khó lường với nhiều yếu tố tác động như sự bất ổn địa chính trị, xung đột Trung Đông, các chính sách điều hành kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính sách tiền tệ của FED, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc… Những biến động mạnh mẽ này có thể sẽ tiếp tục tạo ra diễn biến hết sức sôi động trên thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.

Quá trình phát triển của thị trường trong suốt quãng thời gian vừa qua đã chứng minh được sự ổn định trong nhiều bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau. Bởi giao dịch hàng hóa là giao dịch 2 chiều cả mua và bán, dù giá tăng hay giảm thì các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều có thể mở vị thế để bảo hiểm giá và thu về lợi nhuận. Do vậy, điều quan trọng không nằm ở giá lên hay xuống, mà nằm ở việc thị trường được tổ chức minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Phóng viên: Năm 2025, MXV dự định triển khai những kế hoạch gì nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Bên cạnh mục tiêu phát triển quy mô giao dịch, MXV đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng khung pháp lý vững chắc. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn. Trong năm 2025, MXV sẽ tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện các luật và nghị định liên quan, xây dựng một hành lang pháp lý đồng bộ và phù hợp với các quy chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, MXV đã tập trung nghiên cứu và tạo nền móng cho việc tổ chức, niêm yết giao dịch các sản phẩm đặc thù của Việt Nam như cao su, thịt heo,... Việc niêm yết giao dịch tập trung trên MXV giúp giải quyết nhiều bài toán đối với từng mặt hàng cụ thể. Đây là một trong những kế hoạch trọng tâm của MXV trong giai đoạn 2023 – 2028, giúp phát triển thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam lên tầm cao mới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, MXV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác trong nước và quốc tế, trọng tâm là các sở giao dịch hàng hóa và các đối tác công nghệ lớn trên thế giới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!