Dấu ấn nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán Việt

Trái ngược với đà bán ròng của nhà đầu tư nội trước nhiều thông tin thiếu tích cực, khối ngoại lại cho thấy động thái mua ròng “chiếm sóng” từ đầu năm đến nay. Thậm chí, con số mua ròng còn lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong giai đoạn cuối năm 2022. Nhờ đó, VN-Index đã không bị rớt quá sâu, thậm chí còn bứt phá mạnh mẽ trở lại.

Chỉ trong khoảng gần 2 tháng cuối năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 26.600 tỷ đồng trên HoSE. Đây cũng là một trong những giai đoạn, khối ngoại mua ròng nhanh và mạnh nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Mua ròng tỷ đô

Tính riêng tháng 11/2022, khối ngoại đẩy mạnh mua vào trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt với tổng giá trị mua ròng đạt 16.900 tỷ đồng - mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018. Nhờ sự tham gia tích cực, tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đạt 14% trong tháng 11. Con số này cao hơn mức 11,1% ở tháng 10 và bỏ xa mức 8,3% bình quân 11 tháng đầu năm nay. Lũy kế cả năm 2022, khối ngoại đã mua ròng khoảng hơn 1 tỷ USD cổ phiếu Việt.

-4950-1672392057.jpg

Lũy kế cả năm 2022, khối ngoại đã mua ròng khoảng hơn 1 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam. (Ảnh: Int)

Bên cạnh động thái giải ngân trở lại của các quỹ chủ động lớn như Dragon Capital, VinaCapital…, dòng vốn ngoại đổ vào thị trường qua kênh ETF (quỹ hoán đổi danh mục) cũng ghi nhận những động thái tích cực. Các quỹ ETF chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị khối ngoại mua ròng khớp lệnh.

Cụ thể, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại có đóng góp phần lớn từ Fubon ETF với khoảng 4.500 tỷ. Khoảng 13.400 tỷ đồng là được khối ngoại mua ròng thông qua P-Notes - một loại công cụ tài chính phái sinh được gọi là chứng chỉ tham gia đầu tư, do các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BSC, khối ngoại đã có những động thái đáng ngạc nhiên khi suốt nhiều tháng, ngày nào họ cũng mua ròng với khối lượng lớn, trong khi trước đây mức mua ròng chỉ vài ba phiên với khối lượng vừa phải.

“Dòng tiền khối ngoại vào mạnh cho thấy dù thị trường đang chịu ảnh hưởng bởi trái phiếu, lãi suất, thanh khoản… nhưng nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vì góc nhìn về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn tốt trong 5-10 năm tới. Mặt khác, nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 và tháng 11 cũng kích hoạt dòng vốn giải ngân vào TTCK Việt”, ông Long nhấn mạnh.

Tương tự, ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ đầu tư PYN Elite Fund nhìn nhận, trong các nước Đông Nam Á, triển vọng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thu nhập của các công ty niêm yết trong vài năm tới ở Việt Nam là mạnh nhất. Nhà đầu tư nước ngoài đã chớp thời cơ để mua vào cổ phiếu Việt Nam trong bối cảnh bất ổn của thị trường.

Mặt khác, kỳ vọng TTCK Việt sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi cũng là yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại sau giai đoạn bán ròng triền miên suốt 2 năm 2020-2021.

“Theo các thống kê, một khi TTCK được nâng hạng, các quỹ sẽ đổ vào thị trường khoảng 5 tỷ USD”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) thông tin.

Học được gì từ giao dịch của tổ chức ngoại?

Có thể thấy, sự trở lại của khối ngoại mang dấu ấn đậm nét nhất mang tên ETF. Và do các tổ chức đầu tư này có quy mô lớn nên ảnh hưởng khá lớn đến xu hướng đầu tư của nhà đầu tư cá nhân trong nước. 

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, năm 2022, TTCK giảm mạnh từ đầu năm khiến cho không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả các tổ chức đầu tư cũng lao đao. Kết quả sinh lời của phần lớn các quỹ giảm mạnh, thậm chí một số quỹ còn có mức giảm nhiều hơn chỉ số VN-Index. Dù vậy, rất hiếm quỹ đầu tư nào, đặc biệt là các quỹ ngoại thua lỗ trên TTCK Việt Nam trong 10 năm qua.

Nếu quan sát danh mục của các quỹ ngoại trong nhiều năm trở lại đây có thể thấy, mức sinh lời của các quỹ nhìn chung không quá lớn so với mức tăng của thị trường chung, nhưng ngược lại, trong các giai đoạn rủi ro lớn, mức sụt giảm của các quỹ đầu tư lại thấp hơn hoặc không giảm nhiều hơn so với mức giảm của thị trường chung. Như vậy, mức sinh lời của các quỹ nhìn chung vẫn bền vững, đây chính là điều cần thiết tạo nên sự thành công tương đối trên TTCK.

Sự khác biệt trong mức sinh lời của các quỹ đầu tư so với mức trung bình của thị trường dù không lớn, nhưng lại tạo ra sự khác biệt rất đáng kể trong dài hạn. Mức sinh lời tốt hơn của các quỹ đầu tư trong dài hạn thể hiện sự khác biệt giữa kỹ năng phân tích đầu tư và may mắn. 

Một điều thường thấy, trong khi các nhà đầu tư cá nhân rất khó thực hiện việc duy trì nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn thì các quỹ đầu tư sẽ dựa trên triết lý đầu tư và chiến lược đầu tư của mình để luôn nắm giữ một nhóm cổ phiếu mục tiêu mà họ cho rằng có thể đạt mức tăng trưởng tốt trong dài hạn nhờ vào triển vọng kinh doanh tốt.

Cho nên, nếu xét trong ngắn hạn, mức sinh lời của các nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ cao hơn so với hiệu quả sinh lời của các nhà đầu tư tổ chức. Song, mức sinh lời cao hơn mà không có được sự ổn định và bền vững thì các giai đoạn thị trường tương đối xấu có thể sẽ xóa sạch thành quả mà các nhà đầu tư cá nhân tích lũy được trong những năm về trước. Điều này cũng nhắc nhở các nhà đầu tư cá nhân nhìn nhận lại bản chất của việc đầu tư là tìm kiếm sự ổn định trong dài hạn hay đánh cược trong ngắn hạn với các đợt tăng giảm bất thường và khó dự báo của thị trường.

Dù vậy, từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất thì nguồn vốn của các quỹ ngoại không ổn định, khiến một số quỹ “lướt sóng” nhiều hơn để cân đối danh mục. Do đó, nhà đầu tư cũng không nên xem biến động giao dịch của khối ngoại làm chỉ báo, mà chỉ nên lấy đó để tham khảo cho chiến lược đầu tư cá nhân của mình. Và điều kiện tiên quyết nhất khi bước vào đầu tư là phải có cho mình một chiến lược và kỳ vọng cụ thể.

Hải Giang

Lượt xem: 16
Tác giả: Hải Giang
Tin liên quan