Năm 2023, tăng trưởng cung tiền sẽ hồi phục?

Tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12 đã tăng 3,85% so với cuối năm 2021, tăng chậm hơn nhiều năm trước nhưng cải thiện đáng kể so với cuối quý III. Theo đó, nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng cung tiền năm 2023 sẽ hồi phục lại dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng phương tiện thanh toán tính đến thời điểm 21/12/2022 đã tăng 3,85% so với cuối năm 2021. Con số trên thấp hơn nhiều mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2021 (8,31%). Tuy nhiên, cung tiền đã cải thiện đáng kể so với cuối quý III.

Trước đó, tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán so với cuối năm trước đã đi lùi trong quý III, từ mức 3,3% thời điểm 20/6/2022 xuống còn 2,49%. Lượng tiền trong nền kinh tế trở lại ngang thời điểm ngày 20/3/2022. Trong nhiều năm, quý III/2022 là quý đầu tiên tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng âm trong nhiều năm.

-9440-1672358096.jpg

Nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng cung tiền năm 2023 sẽ hồi phục lại dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022.

Tổng phương tiện thanh toán gồm, tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng cùng các khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam thuộc khu vực phi tài chính, khu vực hộ dân cư, khu vực thể chế không vì lợi nhuận phục vụ hộ dân cư; các loại giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ do các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành cho các tổ chức, cá nhân là người cư trú của Việt Nam.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán tại thời điểm cuối năm 2021 là 13.402.097 tỷ đồng. Lượng tiền cung ứng trong lưu thông được bơm vào từ 20/9/2022 đến 21/12/2022 ước khoảng 182.270 tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng huy động chậm hơn nhiều tăng trưởng tín dụng. Cập nhật đến 21/12, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,99% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,73%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,87% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 12,53%).

Trong báo cáo triển vọng mới đây, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, năm 2022, tăng trưởng cung tiền M2 đạt mức thấp kỷ lục ước tính đạt 6-7%, so với mức bình quân 14% cho giai đoạn 2012- 2021 và là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam lao dốc.

Theo đó, việc M2 tăng ở mức thấp kỷ lục trong năm 2022 khiến điều kiện thanh khoản thị trường, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế căng thẳng, đẩy mặt bằng lãi suất lên nền cao phần nào khiến chỉ số VN-Index diễn biến tiêu cực.

Nhìn lại giai đoạn 2006 - 2007, 2009, 2016 -2017, 2020 – 2021, TTCK Việt Nam đều có xu hướng tăng trưởng mạnh đi kèm với cung tiền M2 tăng cao (lớn hơn 14%). Ngược lại, ở các giai đoạn 2011, 2018, và 2022, TTCK Việt Nam đều có xu hướng điều chỉnh đi kèm cùng tiền M2 tăng trưởng thấp (thấp hơn 12,5%) trước các yếu tố bất lợi bên trong và bên ngoài.

Theo KBSV, cung tiền sụt giảm do hai nguyên nhân. Thứ nhất là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), khi tỷ giá và thị trường ngoại tệ bị chịu áp lực do cân đối cung cầu ngoại tệ và thị trường quốc tế có diễn biến bất lợi đã gây áp lực lên thị trường trong nước, buộc NHNN phải bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường.

Thứ hai, chi tiêu giải ngân đầu tư công của Chính phủ ở mức thấp. Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Trong khi đó, tiền của Kho bạc Nhà nước (KBNN) để tại NHNN và hệ thống ngân hàng ước đạt hơn 900.000 tỷ đồng chưa được đẩy vào lưu thông. Cụ thể, tiền gửi của KBNN ở NHNN là khoảng 600.000 tỷ đồng và hệ thống ngân hàng là 300.000 tỷ đồng.

Năm 2023, KBSV dự báo tăng trưởng cung tiền sẽ hồi phục lại dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022 như: Tác động tích cực bao gồm NHNN sẽ có dư địa để nới lỏng chính sách hơn trong năm 2023 khi áp lực tỷ giá và lạm phát được dự báo bớt căng thẳng; NHNN có thể thực hiện lại nghiệp vụ mua USD; Tỷ lệ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công kỳ vọng cải thiện dự báo đạt trên 80% kế hoạch.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sẽ chịu tác động trái chiều như: Thanh khoản vẫn còn căng thẳng. Bên cạnh đó, một lượng tín dụng đáng kể sẽ được sử dụng để phục vụ mục đích tất toán TPDN, khiến nguồn cung tín dụng thực tế bị thu hẹp…

Thanh Hoa

Lượt xem: 20
Tác giả: Thanh Hoa
Tin liên quan