Chủ tịch FED Powell có thể bất chấp áp lực của Tổng thống Donald Trump và giữ nguyên lãi suất
Với mục tiêu tập trung vào lạm phát, các quan chức FED có xu hướng giữ nguyên lãi suất khi họp tại Washington trong 2 ngày 6-7/5 tới, bất chấp áp lực cắt giảm lãi suất của Tổng thống Donald Trump.
Mọi thứ đang trở nên khó xử đối với Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Với mục tiêu tập trung vào lạm phát, các quan chức có xu hướng giữ nguyên lãi suất. Nhưng nỗi lo về sự suy thoái đang gia tăng và Tổng thống Donald Trump cùng một số cấp phó của ông tiếp tục gây sức ép với ngân hàng trung ương để cắt giảm lãi suất.
Bị mắc kẹt trong tình thế khó khăn đó, Chủ tịch FED Jerome Powell có thể đã được an ủi bởi dữ liệu của chính phủ vào cuối tuần trước cho thấy mức tăng trưởng lành mạnh 177.000 trong bảng lương tháng 4. Chừng nào thị trường lao động còn được giữ vững, FED có thể dễ dàng biện minh cho việc giữ nguyên lãi suất như vậy.
Trong khi đó, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân – PCE- thước đo lạm phát được FED ưa chuộng cho thấy áp lực giá cả tiếp tục giảm dần. Trong khi FED thường hoan nghênh sự hạ nhiệt như vậy, thì thuế nhập khẩu cao hơn của Mỹ có nguy cơ làm đảo lộn tiến trình mà cơ quan này đã đạt được về lạm phát.
Thật vậy, sự không chắc chắn hiện là yếu tố chi phối đối với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Nhà Trắng đang theo đuổi các thỏa thuận về mặt thuế quan có thể một lần nữa thay đổi bối cảnh, một cơn ác mộng đối với bất kỳ ai đang cố gắng dự báo các điều kiện kinh tế trong tương lai.
“Chúng tôi kỳ vọng Chủ tịch Powell sẽ có động thái chống lại việc giá thị trường tăng và đưa ra tín hiệu ưu tiên mới cho sự ổn định giá cả”, các nhà kinh tế của Bloomberg là Anna Wong, Stuart Paul, Eliza Winger, Estelle Ou và Chris G. Collins cho biết. “Các quan chức như Chủ tịch FED khu vực Richmond Thomas Barkin và Thống đốc FED Adriana Kugler đã lên tiếng lo ngại rằng kỳ vọng lạm phát có thể đang nới lỏng. Thêm vào đó là số liệu bảng lương tháng 4 vững chắc và có rất ít áp lực phải cắt giảm lãi suất trong thời gian tới”.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tiếp tục cắt giảm lãi suất trước dự đoán lạm phát tiếp tục giảm và tăng trưởng yếu hơn do thuế quan của Mỹ gây ra. Nhưng lạm phát khu vực đồng Euro bất ngờ giữ nguyên trong báo cáo được công bố vào thứ Sáu tuần trước, trong khi lạm phát lõi đã tăng vọt.
Một minh họa khác về sự mịt mờ của cuộc xung đột thương mại: Ngân hàng trung ương Canada vào tháng 4 đã từ bỏ thông lệ thường thấy là công bố dự báo dựa trên dịch bản cơ sở. Thay vào đó, họ đã đưa ra 2 kịch bản tiềm năng - và rất khác nhau - phụ thuộc vào diễn biến của tranh chấp thuế quan giữa Canada và Mỹ.
Trong tuần này, có một số dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố. Vào thứ Hai, Viện Quản lý Cung ứng sẽ công bố chỉ số dịch vụ tháng 4. Sau đó, là dữ liệu yêu cầu trợ cấp thất nghiệp để tìm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy tình trạng sa thải đang trở nên rõ rệt hơn. Các đơn xin trợ cấp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 26/4 đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 2, chủ yếu là do sự gia tăng liên quan đến kỳ nghỉ xuân trong các hồ sơ nộp tại New York.
Tại Canada, Thủ tướng mới đắc cử Mark Carney sẽ gặp Tổng thống Donald Trump trong tuần này và cũng sẽ bắt đầu thành lập nội các.
Dữ liệu việc làm có thể cho thấy sự yếu kém liên tục, số liệu thương mại hàng hóa trong tháng 3 sẽ phản ánh tác động của thuế quan và báo cáo ổn định tài chính của Ngân hàng trung ương Canada sẽ cung cấp thông tin chi tiết về khả năng của các doanh nghiệp và hộ gia đình để vượt qua suy thoái tiềm ẩn.
Ở những quốc gia khác, một số quyết định về tiền tệ đã được lên lịch, với việc cắt giảm lãi suất dự kiến ở Anh và Ba Lan, tăng lãi suất ở Brazil và không có thay đổi nào ở Thụy Điển và Na Uy.